Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Đông Nam bộ tái đàn trở lại. (Ảnh: K.V)

Từ nửa cuối năm 2016 đến đầu năm 2018 là giai đoạn mà ngành chăn nuôi lợn gặp vô vàn khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá lợn tăng rất mạnh giai đoạn cuối năm 2015 đến nửa đầu năm 2016 có thể giải thích do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xuất khẩu tiểu ngạch tăng mạnh, khiến giá nhích từng ngày. Sự tăng giá bất thường đó đã làm cho một làn sóng đầu tư vào chăn nuôi lợn diễn ra rầm rộ tại các địa phương trên cả nước, nhất là các tỉnh có thế mạnh chăn nuôi lợn như Hà Nam, Nam Định, Đồng Nai, Tiền Giang…

Theo thống kê của các ngành chức năng, từ năm 2015 đến năm 2017, số hộ chăn nuôi lợn chỉ giảm 690 nghìn hộ, hiện cả nước vẫn còn tới hơn 4 triệu hộ dân có liên quan tới chăn nuôi lợn. Đặc biệt, số trang trại chăn nuôi lợn từ cuối 2016 sang đầu năm 2017 đã tăng khoảng 23%, tương đương 22.600 trang trại trong tổng số 34.200 trang trại chăn nuôi của cả nước, chiếm gần 63%.

Ở vào tháng 3 và tháng 4/2017, khi giá lợn đã xuống rất thấp sau một thời gian dài mà đàn lợn vẫn không có dấu hiệu giảm xuống so với thời điểm cuối năm 2016, vẫn ở mức khoảng 29 triệu con, gần tương đương với cuối năm 2016. Điều này cho thấy ngay cả khi giá lợn giảm sâu, người ta vẫn hi vọng giá thịt lợn tăng trở lại. Đến cuối năm 2017, mặc dù tổng đàn lợn cả nước đã giảm, nhưng vẫn còn hơn 27,1 triệu con.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, sản lượng thịt lợn sản xuất ra hàng năm của cả nước là khoảng 4,5 - 4,6 triệu tấn/năm. Trong khi đó theo tính toán, lượng tiêu thụ thịt lợn trung bình cả nước chỉ khoảng 3,2 - 3,6 triệu tấn/năm. Như vậy nếu không xuất khẩu được, sẽ thường xuyên dư thừa từ 300 - 400 nghìn tấn/tháng, tương đương khoảng 1 triệu tấn/năm.

Cùng với nhiều nguyên nhân khác, giá thịt lợn giảm sâu trong thời gian dài đã khiến người chăn nuôi bị phá sản. Đồng Nai, nơi được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước cũng trong tình trạng điêu đứng. Khi giá lợn xuống dưới 20 nghìn đồng một kg thịt hơi, đã có tới gần 50% hộ chăn nuôi của tỉnh này buộc phải treo trại, bán đất, bán trại để trả nợ, trong số đó hầu hết là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Có những trại do chính chủ rao bán nhưng cũng không ít những trại người rao bán là chủ các đại lý cám siết nợ từ hộ chăn nuôi. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, đã có thời kỳ xảy ra tình trạng người dân đua nhau bán đất là do giá lợn xuống quá thấp trong thời gian dài khiến người chăn nuôi đổ nợ, không còn sức giữ đàn.

Cũng như con lợn, con gà trong một vài năm trở lại đây cũng trong tình trạng giá cả lên xuống bấp bênh. Năm 2016, đã có lúc giá gà nuôi trong các trang trại xuống chỉ còn 23 nghìn/kg, với giá này, người nuôi gà này ở các địa phương lỗ nặng. Tuy nhiên, dù lỗ mà vẫn không bán được do thương lái mua cầm chừng, khiến cho người chăn nuôi phải bán lẻ với giá chỉ 20 nghìn/kg để gỡ vốn.

Tuy nhiên, do chăn nuôi lợn lỗ kéo dài, nhiều hộ dân ở khu vực phía Nam, lại chuyển sang nuôi gà, vịt khiến cho tổng đàn gia cầm ở đây tăng đột biến. Điều này dễ dẫn tới nguy cơ ngành chăn nuôi gia cầm lại “vỡ trận” do cung vượt cầu. Ông Bùi Văn Đọc, một chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cẩm Đường, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2016 và đầu năm 2017, gia đình ông đã mất hơn một tỷ đồng do lợn xuống giá. Trước nguy cơ trắng tay, ông đã chuyển từ lợn sang nuôi vịt, kết quả là sau nửa năm ông Đọc đã kéo lại nửa vốn. Tuy nhiên, do thấy nuôi vịt có lời cao, nhiều hộ ở địa phương đã chuyển qua nuôi vịt như ông, với mức độ chăn nuôi vịt gia tăng như thế này, ông Đọc rất lo lại lâm vào cảnh rớt giá.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tình trạng người chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển từ nuôi lợn sang gà, vịt là do trong khoảng nửa năm qua, giá gà, vịt ổn định và ở mức cao, người nuôi có lãi. Tuy nhiên, việc tự phát chuyển đổi sẽ khiến con gà, vịt cũng có nguy cơ rơi vào “vết xe đổ” như đã từng xảy ra với con lợn. Giá lợn giảm trong thời gian dài là do trước đó giá lợn đột ngột tăng cao khiến người nuôi đổ xô tăng đàn. Hệ quả là cung vượt cầu nên rớt giá và cả xã hội phải chung tay giải cứu thịt lợn như giữa năm 2017. Do đó, nếu người nuôi chuyển đổi ồ ạt, nguy cơ cung vượt cầu dẫn đến rớt giá có thể sẽ lại xảy ra với gà, vịt.

Có thể thấy, qua một số đợt khủng hoảng giá gia súc, gia cầm trên, cho thấy những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong chăn nuôi của Việt Nam như tiêu tốn thức ăn, số lượng con sinh sản, chất lượng thịt lợn gắn với an toàn thực phẩm, công nghệ chăn nuôi… vẫn còn nhiều những chỉ số khiếm khuyết, điều này khiến giá thành sản xuất vẫn còn rất cao và kém cạnh tranh so với mặt bằng chung của thế giới

Chính vì vậy, cần có sự điều chỉnh về cơ cấu ngành chăn nuôi, trước mắt là cho chiến lược đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Định hướng quy hoạch trước đây của chăn nuôi được xây dựng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc và gia cầm của Việt Nam còn lớn, theo đó cơ cấu thịt lợn chiếm tỉ lệ rất cao. Tuy nhiên chỉ vài năm trở lại đây, cơ cấu thịt lợn trong bữa ăn đã thay đổi rất nhanh theo hướng giảm dần. Đây cũng là sự dịch chuyển nhu cầu theo mặt bằng chung của thế giới. Hiện đàn lợn cả nước mới chỉ khoảng 29 triệu con, nhưng đã xảy ra dư thừa quá nhiều, trong khi chiến lược trước đây nước ta xây dựng quy mô đàn lợn lên tới 33 triệu con. Vì vậy trong năm 2018, ngành chăn nuôi đã phải xác định lại quy mô chiến lược cho đàn lợn trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, thời gian qua, thị trường thịt bò, thịt trâu và sữa càng ngày càng tăng, song vẫn chưa thể đủ sức đáp ứng cho nhu cầu trong nước, vẫn phải nhập khẩu. Trong khi đó, những nhóm sản phẩm có thị trường ổn định như trứng, thịt gia cầm, thịt trâu, thịt bò đến nay vẫn chiếm tỉ trọng khá nhỏ trong cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam.

Để ngành chăn nuôi nước ta thoát khỏi vòng luẩn quẩn, theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam cần hướng tới một nền chăn nuôi công nghiệp sạch, an toàn, chính vì vậy cũng cần kêu gọi đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực thức ăn gia súc, phụ gia và thuốc thú y... Hiện nay, ngành chăn nuôi muốn tồn tại buộc phải chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ sang quy mô trang trại lớn, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín. Để tồn tại, người chăn nuôi cần phải định vị được sản phẩm của mình trên thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ để tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời phải tham gia vào chuỗi liên kết để thừa hưởng những kết quả khoa học - công nghệ mới./.

Theo K.V/cpv.org.vn