03:20 EDT Thứ ba, 23/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tái cơ cấu ngành nông nghiệp


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Tái cơ cấu nông nghiệp ở Quảng Ninh: mỗi xã phường một sản phẩm

Thứ hai - 03/07/2017 21:22
Xuất phát từ nghiên cứu và học tập mô hình OVOP của Nhật Bản và chương trình OTOP của Thái-lan, trong ba năm qua (2013 - 2016), tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm), từng bước thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ không chỉ ở khu vực nông thôn mà còn cả ở khu vực đô thị, từng bước đóng góp tích cực và đẩy nhanh tiến trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thu hoạch na ở xã Việt Dân, Đông Triều.

Thu hoạch na ở xã Việt Dân, Đông Triều.

Phát huy lợi thế, tiềm năng

Với vị trí địa lý đa dạng, có vùng núi, biển và vùng đồng bằng, nhiều hình thái khí hậu khác nhau, là vùng đất giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em, vì vậy Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, có nhiều các sản phẩm đặc sản đặc trưng, như: trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ; nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô….

Cùng với đó, Quảng Ninh có thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn, hàng năm cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn tám triệu khách du lịch, trong đó có 3,5 triệu khách quốc tế; hơn 200 nghìn lao động (ngành công nghiệp khai thác than, xi măng, nhiệt điện) và nhân dân trong tỉnh.

Nhận thấy kinh tế khu vực nông thôn phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Trong nhiều năm, thu nhập và đời sống người dân nông thôn còn thấp, sản xuất nhỏ quy mô hộ gia đình là chủ yếu, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp, các sản phẩm chủ yếu là sơ chế, chưa được chế biến sâu, bao bì mẫu mã sản phẩm đơn giản chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, số doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít lại chưa đạt điều kiện nhà sản xuất.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát huy lợi thế và nâng cao giá trị của các sản phẩm truyền thống ở các địa phương, từng bước giải quyết việc làm và lao động nhàn rỗi khu vực nông thôn.

Chính vì vậy, chương trình OCOP Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm đã ra đời thông qua việc nghiên cứu và học tập phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái-lan nhằm tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn bằng chính sự tổ chức của cộng đồng, phát triển kinh tế theo hướng nội sinh, thông qua đó nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn và phát triển một cách bền vững.

Chương trình OCOP Quảng Ninh được hình thành với mục tiêu: hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường dựa trên ba nguyên tắc cơ bản: hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Trên cơ sở nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh (Từ sản xuất ngoài cánh đồng - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ) để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa, Chương trình OCOP xác định hai đối tượng quan trọng là sản phẩm (sản phẩm và dịch vụ) và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Do vậy, Chương trình OCOP Quảng Ninh được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP, tháng 5-2015, xã Quảng La (huyện Hoành Bồ) đã thành lập HTX Nông Dược xanh tinh hoa trên cơ sở quy hoạch lại Trại trồng cây vải cũ của Nông trường Quảng La đã giải thể với diện tích 23,5 ha để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La với mục tiêu phát triển trồng cây dược liệu, cây ăn quả, cây hoa, cây màu kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục thực nghiệm... tạo sự thu hút cho khách du lịch của huyện Hoành Bồ nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Hiện nay, các sản phẩm từ cây dược liệu, như: kim tiền thảo, trinh nữ hoàng cung, cà gai leo, nhân trần, bồ công anh; tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả chanh; bún dược liệu, tinh bột nghệ, bánh tam giác mạch, rau dược liệu... đã từng bước được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Giám đốc HTX Nông Dược xanh tinh hoa Phạm Thanh Phong chia sẻ: “Hiện nay, HTX đã đầu tư gần 30 tỷ đồng, trong đó vay tín dụng 2,5 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Năm 2016, tổng doanh thu của HTX đạt 1,2 tỷ đồng; đã tạo ra hơn 20 sản phẩm dược liệu, sản phẩm nông nghiệp cho chương trình OCOP của huyện; duy trì việc làm thường xuyên cho khoảng từ 50 - 60 lao động là bà con dân tộc thiểu số tại xã Quảng La, Bằng Cả có thu nhập ổn định từ 3,5 triệu - 4 triệu đồng/tháng”.

Sau hơn ba năm triển khai, chương trình OCOP Quảng Ninh đã có 210 sản phẩm, nhóm sản phẩm được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và có giá trị cao do 180 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất. Trong đó, có 65 sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh tầm khu vực, 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao. Ngoài ra, còn hình thành các sản phẩm dịch vụ như du lịch nông thôn, lễ hội hoa ở các địa phương Hoành Bồ, Bình Liêu, Ba Chẽ… Trong ba năm, doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất đạt hơn 672 tỷ đồng nhờ gia tăng về quy mô sản xuất và giá bán, đóng góp tích cực vào việc tăng thu nhập của nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu khẳng định: “Chương trình OCOP là một chương trình mở, không đóng khuôn và chưa có tiền lệ. Vì vậy, cần xác định OCOP là một hình thức phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị. Do vậy, triển khai thực hiện OCOP không thể nóng vội, phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo liên tục của người dân”.

Trồng rau an toàn ở Quảng Yên.

OCOP là động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Tỉnh Quảng Ninh đã xác định tái cấu trúc ngành nông nghiệp phải bắt đầu từ việc xác định lợi thế của các địa phương, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, lựa chọn sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, cải cách hành chính, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp ngoài địa bàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.

Theo đó, Quảng Ninh xác định ứng dụng khoa học - công nghệ là khâu đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm; gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản; sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. Tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội vào trong quá trình tái cơ cấu. Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và gắn với xây dựng nông thôn mới.Hiện nay, chương trình OCOP Quảng Ninh đã có 180 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, tổ hợp tác... tham gia phát triển sản phẩm OCOP với tổng số lao động là hơn hai nghìn người; sử dụng diện tích đất, mặt nước để sản xuất là hai nghìn ha; tổng vốn pháp định là 118 tỷ đồng; tổng vốn huy động để sản xuất là 481 tỷ đồng; doanh số bán hàng đạt gần 700 tỷ đồng. Sự lớn mạnh của tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP còn biểu hiện ở con số 52/86 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, tổ hợp tác sản xuất sản phẩm OCOP là thành lập mới. Điển hình như huyện Hoành Bồ, trong ba năm qua có 20 doanh nghiệp, HTX, tổ sản xuất tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, song chỉ có hai đơn vị cũ, còn lại đều là mới thành lập.

Nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP dần được hình thành; nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm thế mạnh của địa phương được hoàn thiện theo quy chuẩn; một số sản phẩm tạo được vị thế vững chắc trên thị trường. Bằng cách làm sáng tạo, OCOP Quảng Ninh đã được nhân dân trong và ngoài tỉnh biết đến và OCOP đang từng bước góp phần xây dựng thương hiệu của tỉnh.

Không chỉ thúc đẩy về quy mô, số lượng, năng lực tổ chức sản xuất, chương trình OCOP còn mang ý nghĩa sâu sắc là phát triển được các tổ chức sản xuất nội sinh, vốn đang là điểm thiếu và yếu của các địa phương trong nền kinh tế hiện nay. Lý do khởi đầu của các tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP chủ yếu là các hộ dân liên kết với nhau, trở thành nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nhỏ, vừa với quy mô sản xuất vừa phải, rồi dần dần phát triển thành doanh nghiệp tư nhân, công ty CP, tập đoàn... sản xuất ra nhiều sản phẩm, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân ở các vùng miền. Chính vì vậy, đa phần tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP tự sinh, tự phát triển chứ không phải đầu tư từ ngoài vào và như vậy, nông dân vẫn sở hữu đất đai của mình, mà lại nâng cao được giá trị, thu nhập...

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long khẳng định: “Đây là chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, không chỉ phát triển ở đô thị mà còn có tác động phát triển mạnh ở khu vực nông thôn, góp phần tích cực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Thông qua việc phát triển sản phẩm đã hình thành lên các vùng sản xuất tập trung, cụ thể hóa và nâng hiệu quả quy hoạch sản xuất ngành nông nghiệp, quy hoạch ngành dược liệu, dịch vụ du lịch của các địa phương. Trong điều kiện chưa có tiền lệ để học tập ở Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều sáng tạo trong việc triển khai Chương trình OCOP nhằm phát triển cộng đồng nông thôn của tỉnh”.

Chương trình OCOP là một nét riêng có, khẳng định là hướng đi đúng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất và là thương hiệu hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh; đồng thời là động lực quan trọng thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh.

Theo Quang Thọ/nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: chương trình

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 132


Hôm nayHôm nay : 17543

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 916936

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 59925259