10:13 EDT Thứ năm, 28/03/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết » Thị trường


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Bàn giải pháp chống dịch, đảm bảo an toàn, thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn

Thứ tư - 27/03/2019 04:57
Chiều 27/3, Bộ NN-PTNT làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam để họp bàn giải pháp kiểm soát an toàn cơ sở giống và ngành hàng thịt lợn.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, cả nước hiện nay có khoảng 3,97 triệu lợn nái sinh sản, trong đó có khoảng 120.642 lợn nái cụ kỵ, ông bà thuộc các giống Móng Cái, Landrace, Yorshire, Duroc, Pietrain. Có 467 cơ sở đang sản xuất và cung cấp lợn giống.

Toàn cảnh cuộc họp

Chúng ta đang cố chống dịch, chứ chưa kiểm soát nó

Ông Đào Mạnh Lương, TGĐ Tập đoàn Mavin, cho rằng, chúng ta phải thấy rằng ngày thứ 6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đưa ra văn bản đề nghị các địa phương có giải pháp duy trì đàn giống. Đây không chỉ là vấn đề dập dịch mà phải duy trì đàn lợn. Một năm vừa qua, tổng đàn nái của Trung quốc đã giảm 20%, giá lợn trong tuần vừa qua tăng 37%. Vậy trong 6 tháng tới Việt Nam có khủng hoảng thịt lợn hay không?

Tôi nghĩ trong thời gian qua, có cảm giác là chúng ta đang cố gắng dập dịch, chứ không phải là kiểm soát nó.

Tây Ban Nha, Ba Lan hay nhiều nước Châu Âu rất thành công về vấn đề kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi, và tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát được. Nhưng truyền thông dường như đang cố gắng để dẹp nó, tôi nghĩ đó là điều không thể. Bởi vậy, truyền thông cần đảm bảo tính khách quan để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn, bởi rất khó để tìm ra loại thực phẩm nào thay thế hoàn toàn cho thịt lợn.

Ông Đào Mạnh Lương, TGĐ Tập đoàn Mavin, cho rằng: "Chúng ta đang cố gắng dập dịch, chứ không phải là kiểm soát nó"

Chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ đưa ra hành động mang tính liên bộ. Ví dụ Bộ Y tế kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm để người tiêu dùng tin rằng virus ASF không làm hại đến sức khoẻ con người. Chúng tôi cũng đang sử dụng các biện pháp quyết liệt khác như ngăn lưới ở các trại nái. Nhân viên đã được tuyên truyền và phải làm việc 26 ngày liên tục trong trại không được ra ngoài.

Tháng 11 năm ngoái, ở Mỹ đã có hội thảo rất chuyên sâu về vấn đề này. Họ khẳng định nguyên liệu thức ăn là nguyên nhân quan trọng khiến dịch tả lợn lây lan. Bởi vậy, toàn bộ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phương tiện, vật liệu trong trại đều phải sát trùng rất cẩn thận.

“Hiện nay, mọi người đưa ra quan điểm là chưa có phương pháp chữa, hoặc chưa có vắc xin. Nhưng tôi nghĩ rằng, thế giới chưa sản xuất ra vắc xin vì nhu cầu sử dụng chưa cao. Và tôi tin rằng chỉ trong 12 tháng tới là sẽ có vắc xin phòng bệnh. Nếu có doanh nghiệp sản xuất được vắc xin, tôi rất mong Cục Thú y, Bộ NN-PTNT cần đẩy nhanh nghiên cứu và ban hành các thủ tục để doanh nghiệp trong nước có thể sử dụng vắc xin trong phòng bệnh trên đàn vật nuôi”, ông Lương nói.

Lựa chọn mô hình liên kết tốt với người chăn nuôi

Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Đào Lê Vũ - Phó TGĐ điều hành khu vực Bắc Sông Hồng Cty GreenFeed cho rằng, chúng tôi rất quan tâm khâu truyền thông. Từ nội bộ doanh nghiệp cũng rất chú trọng truyền thông với khách hàng. Song tôi nghĩ điều quan trọng nhất của truyền thông là các công ty trực tiếp gặp gỡ người dân.

Điểm khác nữa, chúng tôi nghĩ nên chọn các mô hình làm ăn tốt để bà con yên tâm. Dường như hiện nay chúng ta đưa hơi nhiều hình ảnh phản cảm.

Ông Đào Lê Vũ, Phó TGĐ điều hành khu vực Bắc Sông Hồng Cty GreenFee, đóng góp ý kiến

Về tiêu thụ lợn, thực trạng hiện nay là khó khăn. GreenFeed làm rất mạnh về an toàn sinh học, song vẫn vấp phải trở ngại khi tiêu thụ lợn thịt, lợn giống. Chúng ta phải qua quá nhiều trạm kiểm dịch, hậu kiểm. Chúng tôi lo ngại việc lây nhiễm ở khâu này.

Hiện nay chúng ta sống chung với dịch, tôi nghĩ phải có giấy chứng nhận âm tính với ASF mới được xuất. Song việc cứ 2 tuần phải gửi mẫu đi xét nghiệm 1 lần là gây khó cho doanh nghiệp. Tôi đề nghị Cục Thú y có hướng dẫn, giúp đỡ cụ thể về khâu này.

Đối với kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp ở đây cũng nhận thức rõ. Một số nguyên liệu có nguy cơ, nhưng tôi nghĩ nhà nước cần có biện pháp cụ thể. Bởi vì có doanh nghiệp làm, song một số doanh nghiệp khác lại làm chưa tốt.  

Phòng chống dịch - Kinh nghiệm của Tập đoàn Masan

Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó TGĐ của Masan Group cho biết: Từ tháng 8/2018, Cục Chăn nuôi đã cảnh báo cho chúng tôi là Việt Nam có khả năng bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, nên chúng tôi đã tăng cường các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh. Lợi thế của chúng tôi là có chuỗi sản phẩm thịt lợn 3F từ trang trại đến bàn ăn.

Chúng tôi không nhập tất cả bột động vật, bột xương ở những nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi trong sản xuất thức ăn; tăng cường kiểm soát các sản phẩm nguyên liệu có nguồn gốc động vật. Quá trình sản xuất thức ăn từ nhà máy đến khu chăn nuôi của Tập đoàn đều sử dụng xe có bạt che phủ kín và sát trùng để đảm bảo thức ăn khong tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Và trong quá trình tiếp xúc với trang trại, chúng tôi xây dựng trang trại lớn, không có trang trại gia công hay kết hợp với bà con nông dân (như CP hay Dabaco).

Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó TGĐ của Masan Group, chia sẻ kinh nghiệm chống dịch của Masan

Tất cả các trang trại của chúng tôi không nhập con giống bên ngoài mà tự cung ứng giống trong trang trại, đảm bảo vòng quay của con giống từ lợn con, lợn thịt đến lợn hậu bị, ví dụ như trang trại của chúng tôi ở Quỳ Hợp. Chúng tôi kiểm soát rất chặt chất lượng, và khánh thành nhà máy chế biến thịt với công nghệ hiện đại. Khi có bệnh dịch, chúng tôi đã nâng mức cho ban điều hành nhà máy giết mổ ở mức cảnh báo đỏ, không cho những người không phận sự tiếp cận với khu chế biến.

Masan cũng nằm trong những đơn vị chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nhưng hiện tại, trung bình nhà máy của chúng tôi xuất bán gần 300 con lợn/ngày (tăng gấp đôi so với tháng trước). Và chúng tôi cam kết với người tiêu dùng là chúng tôi không tăng giá sản phẩm, không tranh thủ cảm giác lo sợ của bà con để trục lợi trong hoạt động kinh doanh.

Vòng luẩn quẩn khiến dịch bệnh tăng thêm, người chăn nuôi bỏ nghề

Tại cuộc họp, ông Kiều Minh Lực, Phó TGĐ Tập đoàn CP Việt Nam cảm ơn Bộ trưởng đã chia sẻ với người chăn nuôi. Theo ông Lực, hiện có 2 vấn đề khó khăn: Dịch bệnh và giá cả. Giá xuống dẫn đến lợn tồn rất nhiều. Vòng luẩn quẩn này làm cho sức miễn dịch của lợn đến ngày xuất chuồng đi xuống. Điều này cũng làm cho nguồn cung cấp con giống, cung cấp lợn cho tương lai cũng khó khăn.

“Tất cả các yếu tố trên làm cho dịch bệnh tăng thêm, người chăn nuôi bỏ nghề. Điều này Bộ cũng nhận thấy, các doanh nghiệp ngồi đây cũng nhận thức được.  Theo tôi, việc vận chuyển con giống trong tình hình hiện nay rất phức tạp. Khi vận chuyển qua các trạm kiểm dịch cũng có khả năng lây lan bệnh.

Ông Kiều Minh Lực, Phó TGĐ Tập đoàn CP Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp

Ông Lực đề nghị với lợn con, lợn nái thì cơ quan thú y chỉ nên kiểm tra ở trại xuất, trại nhập, bỏ khâu kiểm tra ở trạm kiểm dịch trên đường. Vì đây chính là nơi có nguy cơ lây lan mạnh.

Ngoài ra, cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông cân nhắc tới các quảng cáo có nội dung gây hiểu lầm về thịt lợn an toàn. Thực tế là lượng lợn tồn trong sản xuất còn đang lớn, trong thời điểm này có lẽ không nên đưa ra các quảng cáo như vậy.

“Với việc lấy mẫu, có nơi thì 5 mẫu, có nơi đến 29 mẫu. Tôi nghĩ với 5 mẫu cũng đã tốn 1,5 triệu rồi, như thế có lẽ tốn kém với hộ chăn nuôi. Tôi nghĩ cơ quan thú y nên dùng công nghệ PCA để tiết kiệm được nguyên vật liệu, chi phí cho nhân dân. Có thể vẫn yêu cầu lấy 29 mẫu, nhưng khi xét nghiệm thì nên giảm thiểu số lượng mẫu nguyên liệu. Dồn số mẫu lại để đỡ tốn kém”, ông Lực phân tích.

Về các trại giống trong tương lai, ông Lực đề xuất Bộ có giải pháp cho các đơn vị này. Ví dụ như các chuồng trại xung quanh có thể ảnh hưởng tới trại giống quy mô lớn. Các trại lớn cần được đặt ở vị trí thích hợp, có khoảng cách với chuồng trại khác, đảm bảo an toàn sinh học.

Về khả năng cung cấp con giống của CP, tại thời điểm này, mỗi năm CP có thể sản xuất được 300.000 con lợn hậu bị. Các trại của CP có quy mô vừa phải, lợn nái từ 1.200 đến 2.400 con, nuôi riêng so với trại hậu bị và trại thịt. Trại hậu bị và trại thịt có quy mô từ 10.000 đến 14.000 nên khả năng cách ly tốt.

Người chăn nuôi đang chồng chất khó khăn

Trước tình hình hiện nay, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn DABACO Nguyễn Như So đề nghị Bộ NN-PTNT cần có giải pháp để tháo gỡ, không chỉ có dịch tả lợn châu Phi mà cả dịch Lở mồm long móng. “Cả năm 2017 đến quý 1 năm 2018 giá thấp. Tất cả các nhà chăn nuôi đang chồng chất khó khăn, kể cả doanh nghiệp và người nông dân. Hiện nay giá thịt lợn khoảng 32 - 33 ngàn đồng/kg. Vấn đề cấp bách, nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi thì ai cũng biết, trừ một bộ phận hộ chăn nuôi nhỏ lẻ”, ông So nói. 

Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn DABACO Nguyễn Như So đề nghị Bộ nên kiểm soát thông tin, cân đối giải pháp thông tin

Ông Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn DABACO đề nghị Bộ nên kiểm soát thông tin, cân đối giải pháp thông tin. Trung Quốc chỉ công bố 102 hộ bị dịch tả lợn Châu Phi, nhưng hiện nay chúng ta công bố vài trăm xã. Vậy thì chúng ta có bao nhiêu ổ dịch, mỗi ổ dịch bao nhiêu con. Cần phải suy nghĩ là 1 - 2 con có công bố không, hay là bao nhiêu con mới công bố. Thứ hai, phải có kịch bản truyền thông, hướng dẫn, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng không tẩy chay với thịt lợn. Và cần có cơ chế chính sách để người dân không bán tháo, bán chạy lợn ốm, bệnh thông qua việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đồng quan điểm với ông Trọng, ông So cho rằng, cần phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GĐ-ĐT để thông tin rằng dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người. Bởi hiện nay, rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ra văn bản không sử dụng thịt lợn trong bếp ăn học đường. Nếu không làm tốt vấn đề này thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi lợn chưa nhiễm dịch bệnh. Ngoài việc kiểm soát dịch bệnh, cần tạo điều kiện cho các đàn lợn, sản phẩm lợn được thông thương tiêu thụ để ổn định sản xuất.

Về công tác giết mổ, cần tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ, và có lộ trình cấm các cơ sở giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm, khuyến khích xây dựng các lò mổ tập trung. Nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp muốn xây dựng nhà máy giết mổ tập trung.

“Hơn lúc nào hết, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Hỗ trợ bằng nhiều cách, và tôi cho rằng tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn là quan trọng nhất”, ông So đề nghị.

Đề nghị Bộ GD-ĐT có giải pháp chấn chỉnh thông tin

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, năm 2018, cả nước có khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi, giảm so với 3,4 triệu hộ so với năm 2017. Hiện chúng ta có hơn 10.000 trang trại. 

“Song song với công tác phòng chống dịch, cần bảo vệ đàn cơ sở, đàn giống. Tôi đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT, có giải pháp chấn chỉnh thông tin khi mà một số trường không sử dụng thịt lợn, dẫn đến người chăn nuôi hoang mang, không dám tái đàn. Lợn có nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn kiểm dịch thì vẫn sử dụng được bình thường.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, đóng góp ý kiến tại cuộc họp

Hiện nhiều cơ sở được chứng nhận chăn nuôi tốt, thực hiện an toàn sinh học tốt. Có thể hộ đó đang trong vùng dịch, nhưng chúng tôi đề nghị lãnh đạo Bộ nghiên cứu xét nghiệm tại chỗ với các cơ sở này, để họ có thể được bán lợn âm tính với virus dịch tả lợn châu Phi”, ông Trọng nói.

Trước ý kiến này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, các cơ sở chăn nuôi có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh được phép kinh doanh bình thường.

Việt Nam đã phân lập được virus Dịch tả lợn Châu Phi

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), cho hay: Ngay trong ngày hôm qua, toàn bộ phòng dịch tễ cục thú y đã kiểm chứng thông tin về tình hình dịch tễ trên thế giới. Hiện có 59 quốc gia đã từng nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.

“Hôm nay, có thông tin là Trung Quốc đã phân lập được virus ASF, thì Việt Nam cũng đã phân lập được Virus Dịch tả lợn Châu Phi tại ổ dịch ở Hưng Yên và Thái Bình, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài”, ông Long thông tin.

Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y)

Ông Long cho biết, các phòng thí nghiệm của Việt Nam đang thực hiện bước nuôi cấy, phân lập nhân lên để phân loại virus phục vụ nghiên cứu sản xuất vắc xin. Về huy động nguồn lực quốc tế, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ đầu tiên cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh. Phía Hoa Kỳ cũng đã cử rất nhiều chuyên gia sang hỗ trợ để ghi nhận xem Việt Nam cần gì. Các doanh nghiệp cũng đã tham gia tích cực với Bộ NN-PTNT, nhằm hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

"Thực tế hiện nay, trong các xã có dịch thì chỉ có một số hộ có lợn nhiễm dịch. Chúng ta cho phép người dân giết mổ, tiêu thụ tại cấp xã công bố dịch, nếu huyện công bố dịch thì cho phép tiêu thụ tại cấp huyện, tỉnh có dịch thì cho phép tiêu thụ tại cấp tỉnh. Chỉ có những chuồng có lợn nhiễm bệnh thì mới phải tiêu huỷ, còn các chuồng khác có thể tiếp tục được nuôi tiếp và theo dõi lâm sàng" - ông Long hiến kế.  

Nếu giữ được đàn, cơ hội chiến thắng cực kì lớn

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương những doanh nghiệp, những chủ trại chăn nuôi lớn. “Hôm nay sở dĩ có chương trình làm việc với sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn trong chuỗi chăn nuôi là chúng tôi đã chuẩn bị triển khai từ lâu. Những năm 80, kỹ sư như tôi được 1 cái tem mỗi tháng 3,4 lạng thịt. Nhìn đến hôm nay, rõ ràng ngành chăn nuôi đã có bước tiến cực lớn”, Bộ trưởng nói. 

“Khi đổi mới, từ sau năm 90, chúng ta đã phát triển rất nhiều. Cả tỉnh Hà Tây quê tôi khi ấy có 200 cán bộ ngành chăn nuôi. Sau hơn 20 năm, ngành chăn nuôi chúng ta đã có tầm khu vực. Về giống, có cả giống của Đan Mạch, Hà Lan. Những việc này không phải cá biệt, hầu hết các đại diện chăn nuôi ở đây đều có các yếu tố này. 

Cả chuỗi ngành hàng như Massan, GreenFeed, v,v đã hình thành cục diện ngành chăn nuôi hội nhập. Nếu có thêm diện tích, có lẽ Việt Nam không ngại bất cứ nước nào về chăn nuôi. Từ cái tem 3,4 lạng thịt của một ông kỹ sư đến hôm nay, chúng ta đáng để tự hào, đặc biệt là biểu dương các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, về tổng thể, ngành chăn nuôi của chúng ta còn nhiều bất cập. Điều này lãnh đạo Bộ rất chia sẻ với các doanh nghiệp. Dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, chưa từng gặp. Thế giới cũng chưa có giải pháp căn cơ về an toàn sinh học. Phải nói là "quá nhanh, quá nguy hiểm".

“Hôm nay, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp lớn, các hạt nhân của ngành chăn nuôi tập trung bàn giải pháp. Nếu không dựa vào các doanh nghiệp lớn, nay mai dựa vào đâu mà tái đàn. Nếu giữ được đàn, thì cơ hội chiến thắng sắp tới là cực kỳ lớn. Bảo vệ được đàn là chiến thắng”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ báo cáo Chính phủ, đưa vào nghị quyết: Chiến lược là phải nghiên cứu vắc xin. Nghiên cứu chưa được thì học, thì nhập.

Theo: nhóm PV/Nongnghiep.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 134

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 131


Hôm nayHôm nay : 41032

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1214719

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 58806774