16:55 EDT Thứ sáu, 19/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết » Thị trường


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Thực trạng đời sống công nhân nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

Thứ hai - 08/10/2012 21:44
Bài 2: Chung tay chăm lo cuộc sống người lao động

(Tiếp theo và hết) (*)

Ðời sống của nữ công nhân trong các khu nhà trọ tồi tàn vất vả, thiếu thốn là thế nhưng càng cơ cực hơn khi thời gian gần đây, nền kinh tế bị ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Hoạt động của các doanh nghiệp (DN) lâm vào cảnh lao đao. Công nhân lao động, trong đó phần lớn lao động nữ (LÐN) một lần nữa bị đè nặng khoán sản phẩm, khoán dây chuyền trên đôi vai vốn đã gầy guộc.

Còn nhiều nghịch lý

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tính đến hết năm 2011, cả nước có 283 KCN, KCX được thành lập, trong đó có 180 KCN, KCX đang hoạt động, thu hút gần hai triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Gần 20% số LÐN phải làm việc bảy ngày trong tuần. Thu nhập trung bình rất thấp, đa số từ 1,6 đến ba triệu đồng.  Cường độ làm việc "chóng mặt" nhưng thu nhập lại không tương xứng. Mặc dù thời gian qua, các DN đã điều chỉnh theo hướng tăng tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định, tuy nhiên hầu hết LÐN cho rằng, tiền lương DN trả chưa tương xứng với thời gian và công sức lao động mà họ bỏ ra. Song, nhu cầu có việc làm ổn định, có thu nhập khiến đa số LÐN chấp nhận thực tại, không đòi hỏi, thậm chí không biết tới khái niệm thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, thu nhập, cũng như thời gian tăng ca.

Tại các DN lớn, đơn đặt hàng giảm sút, số công nhân bị sa thải hoặc không chịu được cảnh đồng lương eo hẹp, đành trở về quê, hoặc tìm kiếm việc làm mới. Số công nhân còn bám trụ, muốn ổn định với hy vọng sẽ qua "cơn bĩ cực" lại đang bị áp lực công việc đè nặng. Bảy rưỡi tối, ánh sáng lờ mờ từ những căn phòng trọ tại phường Cẩm Thượng (Thanh Miện, Hải Dương) mới bật sáng. Ấy là khi, công nhân mới tăng ca lục tục trở về. Sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt cô công nhân Vũ Thị Mến (Công ty TNHH Global). Mến cũng như nhiều nữ công nhân khác, trong cuộc đời làm thuê của mình từng nhảy việc hai đến năm lần với hy vọng tìm kiếm một chế độ đãi ngộ tốt hơn. Trước khi chuyển sang Công ty Global, Mến làm tại Công ty May Hưng Long do khi ấy, Global áp dụng chế độ khoán thời gian. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang công ty mới một thời gian, theo xu hướng của nhiều DN khác, Công ty Global chuyển sang khoán dây chuyền. Trước đây, 7 giờ 30 phút sáng mới bắt đầu một ngày làm việc, nhưng từ Tết ra, nhằm bảo đảm chỉ tiêu, công nhân công ty phải có mặt tại xưởng từ bảy giờ kém 15 phút. Bữa cơm trưa trước  kéo dài một tiếng, nay chỉ còn 15 phút ăn suất cơm đạm bạc qua quýt cho đỡ đói. Mến cho biết, áp lực công việc khiến nhiều chị em ngất xỉu ngay trên bàn máy. Chưa kể, nhiều nữ công nhân mới tuyển dụng, tay nghề thấp, bị tổ trưởng các dây chuyền, trưởng ca, quản đốc mắng chửi, sỉ nhục do tiến độ công việc chậm, làm hỏng sản phẩm, ảnh hưởng tới năng suất cả tổ. Mến thở dài: "Thực ra cũng chả trách được họ, vì họ cũng chịu áp lực của chủ DN, nhục chẳng khác gì chúng tôi. Một số tổ trưởng, trưởng dây chuyền, chịu không nổi cũng bỏ việc". Ði với chúng tôi hôm ấy còn có chị Nguyễn Thị  Láng, Trưởng ban Tuyên giáo LÐLÐ tỉnh Hải Dương. Chị Láng cho biết, cách đây vài ngày, LÐLÐ tỉnh có nhận được lá đơn cầu cứu của một công nhân nữ (xin giấu tên, để tiếp tục thẩm tra thông tin) cho biết nhiều công nhân lớn tuổi ở công ty này bị chủ DN lấy tay hất mặt công nhân khi họ đang mải miết đạp máy khâu, quát: tại sao già thế này vẫn còn làm ở đây? Những hành vi, lời nói nhục mạ công nhân không chỉ gây ức chế cho bản thân người đó, mà ảnh hưởng tới tâm lý nhiều người khác trong dây chuyền. Khi chị Láng hỏi, hiện tượng đó có xảy ra tại Công ty Global không, Mến lảng tránh câu trả lời. Có lẽ, cô sợ liên lụy.

Nhằm ổn định tình hình sản xuất, doanh thu, nhiều DN chuyển từ khoán thời gian sang khoán sản phẩm, khoán dây chuyền, tăng ca dẫn tới tình trạng vi phạm quy định của Luật Lao động, Luật Công đoàn. Ðiển hình, Công ty TNHH Uniden Việt Nam (Hải Dương) chỉ tính riêng trong năm 2011 đã có 2.811 người lao động làm thêm từ hơn 300 đến 600 giờ/năm. Thật đắng lòng khi nghe Nguyễn Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Việt Pháp (Hải Dương) giãi bày: "Tăng ca cũng chết, không tăng ca còn chết hơn. Ðối với nữ công nhân có gia đình, có con, thì muốn không phải tăng ca để về chăm sóc con cái. Nhưng đối với nữ công nhân chưa có gia đình, hoặc đem con gửi về cho ông bà ở quê, thì về sớm để chòng chọc nhìn nhau trong bốn bức tường chật chội, bí bách này ư? Chưa kể, tăng ca còn được ăn thêm bữa tối, tiết kiệm điện, nước, chi phí. Vậy nên, bọn em chỉ muốn càng tăng ca càng tốt, hòng kiếm thêm được chút thu nhập".

Tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật đối với CNLÐ nói chung, LÐN nói riêng tại nhiều DN diễn ra phổ biến, phần lớn vi phạm về chế độ thai sản, chế độ BHXH, không được ký hợp đồng lao động (HÐLÐ). Khi  nữ công nhân mang thai, hoặc nghỉ thai sản mà HÐLÐ hết hạn, phần lớn các DN không muốn ký tiếp. Nhiều doanh nghiệp ép LÐN thỏa thuận những điều khoản bất lợi như: không được lấy chồng hoặc sinh con trong một khoảng thời gian nhất định. Không bố trí thời gian làm việc phù hợp sức khỏe và chức năng làm mẹ của LÐN. Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Nữ công, Tổng LÐLÐ Việt Nam Phạm Thị Thanh Hồng cho rằng: "Nhiều DN vì lợi nhuận mà làm ngơ không thực hiện đầy đủ chính sách đối với LÐN. Nhưng trong nhiều trường hợp, do thiếu hiểu biết về quyền và lợi ích chính đáng của mình, bản thân LÐN vô tình trở thành chủ thể vi phạm pháp luật lao động. Thí dụ, Luật Lao động quy định, nữ công nhân mang thai đến tháng thứ bảy sẽ được chuyển sang công việc nhẹ nhàng hơn, hưởng lương cơ bản. Nhưng nhiều chị em lại xin giữ nguyên vị trí làm việc, tăng ca, tăng giờ để có thêm thu nhập". Việc khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa, đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho LÐN không được quan tâm thực hiện. Thời gian gần đây, đứng trước tình hình khó khăn về việc làm, nhiều DN công khai đăng thông báo chỉ tuyển nam giới với lý do: nam giới có thể đi xa, làm đêm, tăng ca thoải mái, thể hiện sự bất bình đẳng giới trong vấn đề  tìm kiếm việc làm. 

Quan tâm mọi mặt đối với người lao động

Nếu như tiền lương là mối quan tâm hàng đầu của LÐN các tỉnh phía bắc, thì nhà giữ trẻ lại là nỗi ám ảnh, lo lắng của LÐN ở các tỉnh phía nam. Còn nhớ năm 2009, dư luận xã hội bất bình trước sự việc cháu Hồ Thị Thúy Ngân, ba tuổi bị bảo mẫu Trần Thị Phụng (xã Thuận Giao, huyện Thuận An, Bình Dương) hành hạ qua clip được truyền tải trên mạng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hậu quả này, nhưng nguyên nhân chính là chị Nguyễn Thị Thanh, mẹ cháu là lao động nhập cư, không có cơ hội, điều kiện gửi con vào nhà trẻ công lập. Nhà trẻ tư thục có chất lượng thì không có tiền gửi, cha mẹ cháu đành đưa con tới gửi ở chỗ quen biết, gần nhà trọ. Thấm thoắt đã hơn hai năm kể từ  tai nạn đó, chúng tôi tới thăm gia đình anh chị ở hẻm 2/84 ấp Bình Thuận 1. Chị Thanh đang nghỉ việc để chờ sinh đứa con thứ hai. Chị khoe: Sau khi vụ việc xảy ra, công đoàn công ty, chính quyền địa phương can thiệp cho cháu học tại Trường mầm non công lập Hoa Mai, được nhà trường miễn phí tiền đóng học, tiền ăn một năm. Chị Thanh cũng chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng sau khi sinh bé thứ hai, anh chị không còn lo lắng chỗ gửi trẻ nữa bởi sắp tới, công ty sẽ mở cửa nhà trẻ đón con em công nhân. Ðồng chí Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH công nghiệp Hài Mỹ, giải thích thêm: Ngay sau vụ việc xảy ra, BCH công đoàn công ty đã mạnh dạn đề xuất, được Ban giám đốc  đồng ý xây nhà trẻ. Do quy trình thủ tục cấp phép xây nhà trẻ cho chủ đầu tư nước ngoài phức tạp, cho nên địa phương chỉ được cấp giấy phép thành lập nhóm trẻ. Ðến tháng 2-2012, nhóm trẻ được xây dựng trong khuôn viên công ty với diện tích 361 m2 với cơ sở hạ tầng đầy đủ, đội ngũ giáo viên theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Bước đầu nhóm trẻ đón 75 cháu theo quy định. Anh Tuấn cũng cho biết, dưới sự  hướng dẫn của Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bình Dương, công ty đã hoàn tất các thủ tục cấp phép hoạt động trường mầm non. Khoảng giữa tháng 10 sẽ được công nhận là trường mầm non, khi ấy sẽ đón khoảng hơn hai trăm trẻ, đáp ứng 80% nhu cầu gửi trẻ của nữ công nhân công ty. Ðây là việc làm thiết thực, góp phần tạo sự gắn bó lâu dài của công nhân với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những "điểm sáng" kiểu thế này khá hiếm hoi. Theo số liệu từ Ban Nữ công (LÐLÐ tỉnh Bình Dương), hiện toàn tỉnh có  28 KCN, trong đó có 26 KCN đi vào hoạt động với hơn hai nghìn DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng mới chỉ có chín DN trong các KCN xây nhà trẻ. Không có nhà trẻ, mẫu giáo, CNLÐ đành gửi con ở những điểm giữ trẻ tự phát, thiếu thốn cơ sở vật chất với những chủ nhóm trẻ không có chuyên môn nghiệp vụ. Trong khi các KCN, KCX liên tục hình thành và phát triển, CNLÐ ngày càng gia tăng về số lượng; hơn bao giờ hết, cần có nhà trẻ, mẫu giáo là nhu cầu cấp bách của NLÐ hiện nay.

CNLÐ nói chung và công nhân nữ đang làm việc trong các KCX, KCN cần và ước mơ nhiều thứ. Một công việc ổn định với điều kiện làm việc tốt. Một chế độ đãi ngộ thỏa đáng với mức thu nhập xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra. Một mái nhà đúng nghĩa với những đứa con được gửi trong những nhà trẻ đủ tiêu chuẩn giúp họ yên tâm làm việc. Một mơ ước chính đáng về sự hưởng thụ các giá trị, văn hóa tinh thần... Ðể thực hiện những ước mơ tối thiểu ấy, cần sự vào cuộc quyết liệt và sát sao của rất nhiều bộ, ngành. Trước mắt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội LHPN Việt Nam, Tổng LÐLÐ Việt Nam và các bộ ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cho phù hợp tình hình hiện nay. Khẩn trương nghiên cứu đề án xây dựng Luật tiền lương tối thiểu nhằm góp phần ổn định cuộc sống cho NLÐ. Chỉ khi nào, NLÐ có một việc làm ổn định, với mức thu nhập tương xứng với sức lao động bỏ ra, khi ấy họ mới có thể yên tâm gắn bó với DN, phát huy sáng kiến, sáng tạo đóng góp cho sự phát triển chung của DN và đất nước.

Một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay, môi trường xã hội và hạ tầng dịch vụ xã hội trong KCN, KCX chưa tạo điều kiện thuận lợi cho LÐN. Quan niệm về KCN như một khu biệt lập thuần túy sản xuất, không có cơ sở hạ tầng xã hội là nguyên nhân đầu tiên khiến cho hầu hết các KCN mọc lên nhưng lại thiếu thốn các hạ tầng dịch vụ xã hội. Trong đó, thể hiện rõ nét nhất là việc không dành quỹ đất xây nhà ở, nhà trẻ. Giải pháp đưa ra trong tình thế này là Chính phủ cần chỉ đạo UBND các tỉnh chịu trách nhiệm tạo quỹ đất liền kề, xen kẽ các KCX, KCN để chính quyền địa phương xây dựng nhà trẻ, mầm non dưới sự hỗ trợ của doanh nghiệp theo Luật Lao động sửa đổi. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành những văn bản bổ sung chính sách ưu đãi đối với các DN sử dụng nhiều LÐN; sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc phân cấp trực tiếp trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lao động tại các khu, cụm công nghiệp tập trung cho Ban quản lý các KCN.

Với tư cách là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLÐ, Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho biết: Thời gian tới, Tổng LÐLÐ Việt Nam đẩy mạnh phối hợp các cơ quan hữu quan tham mưu với Chính phủ ban hành các giải pháp bảo đảm nhà ở cho NLÐ có thu nhập thấp trong các KCN theo hướng Nhà nước hỗ trợ, kết hợp huy động nguồn lực từ địa phương và trách nhiệm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tổng LÐLÐ Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của LÐN, tập trung đối tượng LÐN ngoại tỉnh.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 8-10-2012.

Bài và ảnh: ÐẶNG THANH HÀ
Nguồn:nhandan.com.vn

 

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 43


Hôm nayHôm nay : 49241

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 771477

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 59779800