21:00 EDT Thứ năm, 18/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Cuộc 'cách mạng trắng' mang tên TH

Thứ hai - 14/10/2019 05:42
Quản lý đến từng ngọn cỏ, con giống tốt nhất, thú y tốt nhất, chế biến tốt nhất, đã làm nên từng giọt sữa thương hiệu TH True Milk. Không ai khác, bằng công nghệ hiện đại nhất, Tập đoàn TH đã làm nên cuộc thay đổi có tính hiệu ứng dây chuyền ngành sữa Việt.

 

th-true-milk-28173426423
Vùng nguyên liệu tập trung trồng ngô và cỏ cao sản của TH tại Nghĩa Đàn với hệ thống tưới tự động. Ảnh: Tùng Đinh

Hai bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua vùng Phủ Quỳ xứ Nghệ mênh mang tít tắp những đồng cỏ mượt mà rộng hàng ngàn hecta. Những đồng hoa hướng dương quyến rũ khó cưỡng, mùa hoa nở, sắc hương tỏa ngát một vùng. Còn những đồng ngô. Những đồng "ngô tiền ngô bạc" xanh non đó nông dân chỉ việc thu hoạch thân cây bán cho công ty nguyên liệu của TH thôi đã có cuộc sống dư dả.

Tập đoàn TH (sở hữu thương hiệu TH true MILK), phần nào đó đã làm đổi thay bộ mặt kinh tế vùng Phủ Quỳ hôm nay, bao gồm huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, một phần các huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ (Nghệ An)…

Còn một sự thay đổi lớn lao hơn.

Việt Nam khí hậu nóng ẩm gió mùa, theo các chuyên gia, lý thuyết là không có nhiều lợi thế chăn nuôi bò sữa. Thế nên dù con bò sữa du nhập vào nước ta từ rất lâu nhưng đì đẹt mãi không phát triển được, quanh quẩn chỉ nuôi ở những vùng khí hậu mát mẻ như các cao nguyên thuộc Lâm Đồng, Mộc Châu (Sơn La), một số vùng chăn nuôi bò sữa truyền thống của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc... 

“Từ khi tham gia ngành sữa, công nghệ của TH đã làm nên một hiệu ứng dây chuyền trong ngành sữa Việt khiến các ông lớn khác cùng vào cuộc làm nên cuộc cạnh tranh thúc đẩy phát triển ngành sữa chưa từng thấy”, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, nói.

Bước ngoặt đến với ngành chăn nuôi bò sữa là năm 2001, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký Quyết định 167 về “Một số biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010”. Theo Quyết định 167, quy hoạch đàn bò sữa Việt Nam đến năm 2005 đạt 100 nghìn con, đảm bảo đáp ứng được 20% nhu cầu sữa cả nước, đến 2010 đưa đàn bò sữa lên 200 nghìn con, đáp ứng 40% sữa nguyên liệu.

Sau khi có Quyết định 167, Bộ NN-PTNT và các bộ ngành, tỉnh, thành, doanh nghiệp, nhiều lần họp bàn phát triển chăn nuôi bò sữa cũng như đẩy mạnh ngành công nghiệp sữa để tránh quá lệ thuộc sữa nhập khẩu.

“Có nhiều chính sách khuyến khích chăn nuôi bò sữa nhưng lúc đó chúng ta cũng chỉ ưu tiên nuôi bò lai Holstein Friesian – HF (từ bò Sind cái nền lai với bò HF thuần), thế hệ F2 và F3 với năng suất sữa kỳ vọng 4 - 5 tấn/chu kỳ vắt (305 ngày) chứ chưa thực sự đầu tư nuôi bò thuần HF cao sản vì sợ giống không thích nghi được điều kiện khí hậu nóng ẩm Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhớ lại.

Trong chương trình phát triển bò sữa, năm 2001, Viện Chăn nuôi quốc gia cũng chỉ được phép nhập khẩu 100 con bò thuần HF giống Mỹ về nuôi tại Mộc Châu và một vài nơi khác để làm đàn hạt nhân. Cho đến các năm 2003, 2004, một số tỉnh và doanh nghiệp mạnh dạn nhập bò thuần HF của Úc và New Zealand về nuôi nhưng tỷ lệ thành công không cao vì giống chưa chuẩn và công nghệ nuôi chưa tốt.

Điển hình tỉnh Tuyên Quang cho lập các trang trại tập trung nuôi cả ngàn bò sữa thuần nhưng từ quản lý đến cách nuôi không phù hợp, bò sữa chỉ ăn cỏ, chuối cám kiểu truyền thống, năng suất sữa thấp và dịch bệnh khiến dự án được kỳ vọng nhất thời đó, phá sản.

Về phía doanh nghiệp, xuất hiện công ty tư nhân là Novico (TP Hồ Chí Minh) nhập giống bò sữa từ Úc về bán, nặng yếu tố thương mại lại không có chuyên môn nên cũng thất bại vì không được các địa phương và người nuôi tin tưởng. Các công ty sữa lớn khác (trừ Mộc Châu) chỉ mục đích nhập khẩu sữa bột về hoàn nguyên ra sữa nước nhãn mác lập lờ sữa tươi bán kiếm lời mà không chú trọng tổ chức sản xuất để có sữa tươi nguyên chất đúng nghĩa.

Theo Cục Chăn nuôi, trong gần 10 năm thực hiện chương trình phát triển bò sữa theo Quyết định 167 của Chính phủ, tổng đàn bò sữa của nước ta đã tăng từ 41 nghìn con năm 2001 lên 115 nghìn con năm 2009, có bước tăng trưởng nhưng không đạt kỳ vọng.

Đặc biệt từ năm 2008 - 2009 tốc độ tăng đàn rất thấp do khủng hoảng sự cố sữa nhiễm melanine từ Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến sản xuất chế biến và tiêu dùng sữa ở Việt Nam. Sữa tươi của nông dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận không tiêu thụ được, nhiều bò sữa phải bán giá bò thịt, người nuôi hoang mang, chương trình bò sữa ngưng trệ.  

Bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH. Ảnh: TH

Cụ thể hơn là sự xuất hiện và ra quyết định của một người phụ nữ, bà Thái Hương, TGĐ Ngân hàng Bắc Á.

Trở lại sự kiện sữa nhiễm melanine, một chất có thể gây sỏi thận, tại Trung Quốc năm 2008, gây khủng hoảng dây chuyền. “Nhìn cảnh đó, bản tính người mẹ trong tôi trỗi dậy, dâng trào. Mình phải làm được giọt sữa sạch nhất, cho chính con em mình, các cháu học sinh, cho người Việt”, bà Thái Hương hồi ức.

Tập đoàn TH nhanh chóng ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Năm 2009, TH bắt đầu nhập khẩu công nghệ nuôi bò sữa tốt nhất thế giới của Israel. Đầu năm 2010, TH nhập bò sữa thuần HF của New Zealand liên tiếp 3 đợt liền tổng số gần 4.600 con và cuối năm đó lượng bò sữa nhập về lên đến gần 9.000 con. Đến cuối 2013, Tập đoàn nhập tổng cộng 20.000 bò HF thuần chủng.

Việc nhập giống và nuôi công nghiệp bò sữa thời điểm đó đã nảy ra khá nhiều tranh luận thú vị. Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn - “cha đẻ” của Chương trình giống bò sữa quốc gia cùng một số nhà khoa học ủng hộ và tin tưởng, đánh giá rất cao sự táo bạo của TH cũng như cá nhân bà Thái Hương, nhưng cũng không ít người hoài nghi: Nhập ồ ạt bò thuần như thế về nuôi lấy gì cho chúng ăn khi bài học Tuyên Quang còn đó? Nghệ An là đất gió Lào chảo lửa làm sao có thể nuôi được hàng nghìn con bò lang trắng đen đỏng đảnh từ xứ lạnh?

Chỉ TH là kiên định đường đi. Hết 2013, bên cạnh bò sữa gốc New Zelaand, Tập đoàn này bắt đầu nhập khẩu bò cao sản từ Mỹ, giống cho năng suất sữa vào loại top thế giới. Từ đàn cái của New Zealand, công ty đã cho nhập tinh bò sữa tốt nhất để cải tạo, đến nay những con bò sữa gốc New Zealand nhập thời kỳ đầu không còn nữa, thay vào đó là thế hệ cháu chắt với máu bò Mỹ căn bản, năng suất chất lượng rất cao.

Đến năm 2017 công ty nhập thẳng bò sữa cao sản của Mỹ loại năng suất sữa 12 - 15 tấn/chu kỳ vắt, số lượng 1.800 con. Năm 2018 nhập thêm 1.800 con và cuối năm nay tiếp tục nhập bò Mỹ cao sản về để thay đổi toàn diện đàn bò TH.  

Con chíp Afitag gắn ở chân từng cá thể giúp kiểm soát toàn bộ mọi diễn biến của con bò

“Thành công của TH chính là ở yếu tố công nghệ”, PGS.TS Hoàng Kim Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chăn nuôi bò sữa TH, khẳng định.

Dự án chăn nuôi bò sữa công nghiệp công nghệ cao của tập đoàn TH, bắt đầu triển khai từ tháng 10/2009, đến nay vừa tròn 10 năm. Tổng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung hiện đạt trên 45.000 con và trang trại TH xác lập kỷ lục “Cụm trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất châu Á” (2015). Năng suất bò sữa của TH đạt cao nhất, trung bình 30 lít/con/ngày (9.000 lít/chu kỳ). Chất lượng sữa của TH cũng được coi là tốt nhất.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bò sữa TH Hoàng Xuân Nghinh cho biết, trang trại bò sữa TH sử dụng hệ thống quản trị của những đối tác hàng đầu thế giới như: Công nghệ quản lý và kiểm soát đàn bò của Afimilk (Israel); công nghệ quản lý thú y của Totally Vets; hệ thống quản lý tài chính SAP của Đức. Mỗi khâu sản xuất đều áp dụng công nghệ cao, vi tính hóa và tự động hóa. Bí quyết lớn nhất để quản trị đàn bò chính là con chíp Afitag gắn ở chân từng cá thể bò, giúp kiểm soát tình trạng sức khỏe, động dục và phát hiện sớm bệnh viêm vú trước 4 ngày, loại bỏ 100% bò bị bệnh trước khi vắt sữa. Từ khâu vắt sữa đến chế biến, đóng gói được thực hiện tự động, khép kín, không có sự xâm nhập của môi trường bên ngoài.

“Chúng tôi kiểm soát gần như tuyệt đối an toàn ngay từ khâu canh tác ngoài đồng cỏ. Thức ăn về đến trung tâm lại được phân tích chất lượng. Từ thức ăn thô xanh đến thức ăn hỗn hợp khi đến miệng con bò đều được phân tích, kiểm tra kỹ lưỡng bằng các công nghệ tiêu chuẩn Châu Âu”, bà Vy Thị Thu Hằng, PGĐ Trung tâm thức ăn và dinh dưỡng TH.

“Còn nước uống cho bò được xử lý bằng công nghệ lọc nước Amiad tối tân của Israel với bộ lọc tự động AMS cho phép loại bỏ các tạp chất vô cùng nhỏ nhằm đảm bảo nguồn nước sạch và an toàn”, anh Nguyễn Văn Tuân, quản lý nhà máy xử lý nước sạch, trang trại TH.

Quản lý đến từng ngọn cỏ, con giống tốt nhất, thú y tốt nhất, chế biến tốt nhất, đã làm nên từng giọt sữa thương hiệu TH True MILK là như thế…

Bò sữa chăn nuôi tập trung trong trang trại TH tại Nghĩa Đàn (Nghệ An)
Trang trại TH áp dụng tiêu chuẩn ISO9001-2015, Viet GAP, GlobalGAP và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường 14001-2010. Ngày 17/12/2015, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH ký kết với đại diện của Control Union thực hiện quy trình sản xuất sữa tươi organic TH true MILK theo tiêu chuẩn USDA-NOP (Mỹ) và EC 834/2007, EC 889/2008 (Châu Âu). Với lễ ký kết này, Tập đoàn TH ghi dấu ấn là đơn vị đầu tiên khởi xướng triển khai sản xuất sữa tươi organic (hữu cơ) theo tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ tại Việt Nam. Hiện tại, TH đã có chứng nhận organic cho toàn chuỗi sản xuất từ trang trại tới nhà máy.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), Tập đoàn TH là đơn vị đầu tiên triển khai làm sữa tươi hữu cơ, là đơn vị duy nhất thực hiện chuyển đổi đàn bò, đồng cỏ sang chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu và Mỹ để sản xuất sữa hữu cơ trên chính đồng đất Việt Nam.

Tập đoàn TH đã gây dựng đàn bò, bê chuyển đổi hữu cơ quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng đàn lên tới gần 1.000 con, diện tích đồng cỏ, ngô hữu cơ là 328ha, sản lượng sữa tươi hữu cơ nguyên liệu lên tới 1,5 triệu lít/năm. Sữa tươi hữu cơ được chế biến tại Nhà máy sữa tươi sạch TH. Sản phẩm được kiểm soát chất lượng chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2005, 9001: 2008 và Tiêu chuẩn Quốc tế về An toàn thực phẩm BRC.

Nhà máy sản xuất sữa hiện đại của công ty đặt tại Nghĩa Đàn, Nghệ An. Sau 2 năm xây dựng, nhà máy chính thức đưa vào vận hành cụm dây chuyền sản xuất giai đoạn I với công suất 200 nghìn tấn/năm. Hiện tại, cụm dây chuyền đã đi vào hoạt động ổn định. Tập đoàn TH đang hướng tới giai đoạn II để đạt tổng công suất thiết kế của nhà máy lên đến 500 nghìn tấn/năm. Các dây chuyền chế biến và đóng gói được quản trị với công nghệ đo lường và điều khiển hiện đại bậc nhất thế giới: Simen, Danfoss, Grundfoss.

Giai đoạn tiếp theo của dự án: TH sẽ đưa vào vận hành toàn bộ siêu nhà máy Mega Plant với tổng công suất dự kiến 1.700 tấn/ngày (500 nghìn tấn/năm, tương đương 500 triệu lít/năm), hiện đại nhất Đông Nam Á.

Ảnh: Tùng Đinh

Tiên phong khai thông thị trường sữa Trung Quốc

Tháng 4 vừa qua, với sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và lãnh đạo Trung Quốc, Tập đoàn TH cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược phát triển thị trường, tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm, nông sản và sữa, các sản phẩm từ sữa tươi, sạch, hữu cơ với đối tác là Tập đoàn Vô Tích Kim Kiều - đơn vị sở hữu Trung tâm đầu mối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc. Đây có thể coi là bước đi cụ thể hóa chủ trương hợp tác kinh tế giữa Chính phủ hai nước, khẳng định niềm tin của Chính phủ đối với năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và sự sẵn sàng của TH đối với thị trường sữa Trung Quốc.

Hiện TH đã có công ty chi nhánh thực hiện việc phân phối sản phẩm tại Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, trong đó triển khai hợp tác với các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn như C - Store (chuỗi 420 cửa hàng); Circle - K (chuỗi 76 cửa hàng). Cùng với đó, TH đã xây dựng hệ thống nhà phân phối ở Thâm Quyến, Quảng Tây, Hồng Kông và sẽ mở rộng hệ thống phân phối tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

Theo: Trần Cao/nongnghiep.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: tốt nhất

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 230

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 227


Hôm nayHôm nay : 45402

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 727922

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 59736245