00:15 EDT Thứ năm, 18/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong tỉnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Khi ngư dân không còn mặn mà với biển

Thứ bảy - 02/06/2012 22:20
Theo số liệu thống kê của Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 3.814 tàu cá lắp máy. Mặc dù cơ cấu đội tàu đã có nhiều chuyển biến tích cực, song số lượng tàu nhỏ dưới 20CV vẫn chiếm tỷ trọng cao (gần 79%). Tàu nhỏ, phương tiện đánh bắt lạc hậu và sự cạn kiệt của ngư trường... là những lý do để một số bộ phận ngư dân không còn mặn mà với biển.

Những lý do bất khả kháng

Nắng tháng 5 dát vàng trên mặt biển hứa hẹn chuỗi ngày trời yên biển lặng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đội tàu khai thác thuỷ hải sản bám biển sản xuất. Thế nhưng ở vùng biển cửa Thạch Kim - Lộc Hà, khoảng 40 tàu thuyền vẫn “án binh bất động” neo đậu trên bến vắng. Anh Biện Ngọc Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Dân Thạch Kim chúng tôi chủ yếu sống phụ thuộc vào nghề biển, thế nên chẳng hay gì khi thấy cảnh tàu thuyền nằm bờ nghỉ ngơi. Tất cả cũng chỉ vì thiếu nhân lực lao động, phương tiện khai thác lạc hậu, ngư trường cạn kiệt, xăng dầu tăng giá, nguồn thu không đủ để trang trải các khoản chi phí nên bất đắc dĩ phải thế”.

Khi ngư dân không còn mặn mà với biển

Hàng chục tàu thuyền của ngư dân Thạch Kim vẫnphải nằm bờ do nguồn thu không đủ chi

Nếu như đầu năm 2011, Thạch Kim có 158 tàu thuyền thì đến thời điểm hiện tại số phương tiện đánh bắt trên địa bàn giảm xuống chỉ còn 127 chiếc. Và cũng chỉ có khoảng hơn 30% trong tổng số phương tiện ấy hoạt động thực sự có hiệu quả do ngư dân đánh bắt xa bờ (chủ yếu ở vùng đảo Bạch Long Vĩ). Ở vùng lộng, ngoài khó khăn do ngư trường cạn kiệt, ngư cụ lạc hậu thô sơ thì ngư dân trên địa bàn còn phải đối mặt với khó khăn lớn bởi tình trạng lấn chiếm ngư trường của các ngư dân tỉnh bạn.

Được biết, từ khi bắt đầu vào mùa vụ, khoảng tháng 2, tháng 3 trở lại nay, trên địa bàn xã thường xuyên xuất hiện các tàu có công suất lớn của các tỉnh Thanh Hoá, Nam Định, Nghệ An... Bằng việc dùng đèn chiếu sáng có công suất cao, dùng dạ cào, kéo, sử dụng xung điện để đánh bắt đã khiến môi trường sinh thái trên biển ảnh hưởng nặng nề. Sau mỗi đợt tàu cá của các tỉnh bạn ghé thăm, ngư dân bản địa chỉ còn biết thở dài xếp câu, xếp lưới trở về với nỗi lo canh cánh làm sao có tiền để mưu sinh, để trang trải cho chuyến đi sắp tới.

Anh Dương Đình Hoá, cán bộ quản lý tàu thuyền xã Thạch Kim cho biết: “Tình trạng này xảy ra thường xuyên nhưng cũng đã trở thành bất khả kháng khi tàu cá của chúng tôi công suất bé hơn nên chỉ biết đứng nhìn. Thời gian qua, dẫu các lực lượng chức năng có vào cuộc nhưng tình trạng cũng chẳng được cải thiện hơn bởi lực lượng kiểm ngư, biên phòng cũng không thể thường xuyên có mặt để kịp thời kiểm tra. Hơn nữa khi có sự xuất hiện của các lực lượng chức năng, đội tàu này lại báo hiệu cho nhau để tránh xa bờ và kịp thời che dấu các phương tiện đánh bắt trái phép”.

Cuộc mưu sinh trên biển ngày càng trở nên khó khăn đã khiến cho một số ngư dân nơi đây bất đắc dĩ phải bỏ nghề truyền thống để tìm kế khác mưu sinh.

Khi không còn bám biển, nhiều ngư dân đã chọn những giải pháp tạm thời như đi phụ xây, xuất khẩu lao động. Anh Nguyễn Văn Tâm ở thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim cho biết: “Xăng dầu lên giá, ngư trường cạn kiệt, nguồn thu không đủ để bù chi nên tôi đành giải nghệ để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động”.

Tương tự, anh Trần Văn Tâm ở thôn Giang Hà, anh Lương Hồng Hải ở thôn Liên Tâm cũng đã xa thuyền, xa biển để tìm kiếm việc làm ở Hàn Quốc... Bế tắc trong nghề biển đã trở thành lý do khiến một lực lượng lớn lao động ở Thạch Kim đã tìm kế mưu sinh bằng cách bôn ba ở xứ người. Cũng theo báo cáo của xã, từ năm 2011 đến nay trên địa bàn đã có thêm 700 lao động xuất khẩu chủ yếu ở địa bàn các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia...

Tình trạng khó khăn do ngư trường cạn kiệt, phương tiện đánh bắt công suất nhỏ, ngư cụ lạc hậu và giá xăng dầu tăng cũng đã trở thành lý do để một số ngư dân ở vùng cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) đành phải dứt áo ly hương tìm kế mưu sinh khác. Đó cũng là một trong những lý do để đội tàu thuyền 212 chiếc của Cẩm Nhượng trước đây giờ cũng chỉ còn 165 chiếc bám trụ với vùng biển quê hương.

Chuyển đổi cơ cấu đội tàu - thực tế khó khăn

Để tháo gỡ những khó khăn chung của ngư dân trên địa bàn, thời gian qua ngoài việc hỗ trợ giá xăng dầu, tỉnh cũng đã có chính sách hỗ trợ cho những ngư dân đóng mới tàu có công suất lớn và chấm dứt việc đăng ký tàu có công suất dưới 30cv. Anh Trần Xuân Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Hà Tĩnh cho biết: “Với chính sách khuyến khích của tỉnh trong việc hướng ngư dân khai thác vùng khơi mà cụ thể là mỗi cv được hỗ trợ 350 ngàn đồng cho người dân cải hoán tàu có công suất nhỏ từ 30 cv thành tàu có công suất trên 50cv. Chính sách và thực tế xu hướng phát triển của nghề đã có tác động lớn để 2 năm trở lại đây, cơ cấu đội tàu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể là tàu trên 90cv đã tăng thêm 13 chiếc, tàu trên 50cv đến 90cv tăng khoảng 30 chiếc, tuy nhiên hiện tại số lượng tàu nhỏ dưới 20cv vẫn còn chiếm tỷ lệ cao (gần 79%)”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay, ngoài xã Xuân Hội (Nghi Xuân), Kỳ Hà (Kỳ Anh) có đội tàu phát triển về số lượng cũng như trọng tải thì hầu hết các xã vùng biển như: Thạch Kim, Cẩm Nhượng, Thạch Hải… số lượng tàu hoạt động trên biển đều giảm. Dẫu đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân chuyển đổi cơ cấu đội tàu, tăng sản lượng khai thác, góp phần nâng cao cuộc sống, thế nhưng có đi vào thực tế mới thấy hết khó khăn của nghề biển. Muốn đóng mới 1 con tàu có công suất lớn, họ cũng phải có ít nhất trên 1 tỷ đồng mà phần lớn hoàn cảnh sống của ngư dân trên địa bàn tỉnh ta còn gặp không ít khó khăn nên việc cải hoán đội tàu vẫn còn là vấn đề nan giải. Trong khi đó, giá xăng dầu liên tục tăng cao, thậm chí có lúc trong vòng 1 tháng, xăng dầu tăng giá 2 lần. Thực tế đó đã ít nhiều tác động đến sự kiên định bám biển, bám thuyền của bà con. Tình trạng tàu cá nằm bờ mà chủ tàu lại đi làm thuê cho những tàu lớn khá phổ biến.

Anh Biện Ngọc Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết thêm: “Chúng tôi đang dự kiến đóng mới 2 tàu có công suất lớn trên 90cv. Đó là tàu của ông Nguyễn Văn Như ở thôn Hoa Thành và Trần Trọng Phương - thôn Liên Tân. Hiện tàu anh Phương đã bắt đầu khởi công. Tàu của ông Như vẫn chỉ là dự án, bởi dự kiến chi phí đóng tàu khoảng 1,3 tỷ đồng trong khi ông chỉ có 500 triệu. Muốn vay vốn của ngân hàng khoảng 800 triệu nhưng do không có đủ tài sản để thế chấp nên thủ tục vay vẫn đang bị ách tắc. Vì thế mong muốn chung của ngư dân chúng tôi là được ngân hàng và các cấp chính quyền tạo điều kiện cho vay vốn đồng thời có chính sách ưu đãi về lãi suất trong thời gian đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong quá trình chuyển đổi cơ cấu phương tiện khai thác”.

Trời chiều buông gió, ánh hoàng hôn như giăng mắc nỗi buồn trên bến vắng. Những con thuyền dường như cũng nép mình lặng lẽ nằm sát bên nhau mà hoài niệm về tiếng sóng vỗ của biển khơi, hoài niệm về những đêm ngày cá nằm đầy khoang. Bên ấm trà đặc quánh, những người đi khơi, vào lộng cũng lặng lẽ chia sẻ với nhau những tâm sự buồn. Trong mỗi ánh mắt đau đáu nhìn ra mênh mông biển lớn ấy chúng tôi cảm nhận rất rõ ước mơ cháy bỏng của họ về một luồng cá, về một mùa đánh bắt bội thu để họ vẫn được bám biển, bám thuyền trong muôn nỗi mưu sinh nhọc nhằn…

Thuý Ngọc - Anh Hoài
Nguồn Báo Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 145

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 144


Hôm nayHôm nay : 21137

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 689696

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 59698019