18:39 EDT Thứ tư, 24/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Điển hình TB, cách làm hay » Trong tỉnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Người hùng nơi cửa biển

Thứ năm - 29/06/2017 23:25
Chứng kiến cảnh hàng chục ngôi nhà trôi tuột ra biển, xóm làng xơ xác sau trận lũ kinh hoàng năm 1978, ông liền nghĩ đến việc xây “thành lũy” để bảo vệ dân làng.

Từ việc nhặt nhạnh những cây phi lao nhỏ về ươm trồng, sau 30 năm ông đã có gần 20 ha rừng phi lao chạy dọc cửa biển Xuân Hội. Ông là Nguyễn Lán (86 tuổi), trú tại thôn Hội Thành II, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).  

Tạo thành lũy bảo vệ dân làng

Men theo con đường đê cửa biển Xuân Hội, chúng tôi bắt gặp những cánh rừng phi lao xanh ngút ngàn, tươi tốt, nằm lọt thỏm trong đó là ngôi nhà tranh đơn sơ. Nơi đây được dân làng gọi bằng một cái tên trìu mến “rừng ông Lán” bởi nó là mồ hôi, nước mắt mà ông đã đổ ra gần 30 năm qua. Từ việc bị coi là lão “gàn” nay ông trở thành “người hùng” trong lòng của bà con nơi đây.

10-49-11_1
Hễ có thời gian rảnh ông Lán lại đi thăm khu rừng của mình

Ông Lán sinh ra ở một vùng quê nghèo ven biển. Năm 20 tuổi, ông kết duyên với người con gái trong làng. Chưa kịp sinh mụn con cho vui cửa vui nhà thì năm 1950 ông tòng quân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Suốt 5 năm quân ngũ, chiến đấu ở miền Tây Thanh Hóa, rừng thiêng nước độc khiến ông lâm bệnh nặng. Xuất ngũ trở về quê, ông tham gia làm trung đội trưởng dân quân xã Xuân Hội.

Trận lũ lịch sử năm 1978 khiến vùng cửa biển bị vỡ, sóng biển ầm ầm tràn vào “nuốt chửng” hàng chục ngôi nhà, tài sản ra biển lớn. Cuộc sống của dân làng rơi vào cảnh cơ cực, bần cùng. Nhiều gia đình không cam chịu cảnh sống thấp thỏm, lo âu mỗi khi mùa mưa bão đến đành lần lượt bỏ làng, tìm nơi khác làm ăn sinh sống. Chứng kiến cảnh đấy, ông tự hỏi vì sao quê mình ở gần biển nhưng không có đê hay rừng phòng hộ chắn sóng? Và ông hiểu, việc làm đê rất tốn kém, chỉ có trồng cây gây rừng mới ít tốn tiền lại chắn sóng hiệu quả.

Nghĩ là làm, ông viết đơn gửi lên chính quyền xã xin được trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ biển, bảo vệ dân làng. Được chính quyền đồng ý, ông về thuyết phục vợ con rời làng ra phía đê biển cùng xắn tay trồng rừng.

“Thời điểm đó, dân làng coi tôi như một người dở hơi. Vợ con nghe nhiều cũng bị lung lay và đòi quay về ngôi nhà cũ. Nhưng thấy tôi quyết tâm quá nên bà ấy cũng không đành lòng bỏ tôi ở lại một mình...”, ông cười.

Nói rồi ông đứng lên đi về góc tủ nhỏ đưa chúng tôi xem những lá đơn “Xin canh giữ đê biển”, “Lệnh cho phép canh giữ đê biển”… của chính quyền địa phương cấp. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng những tờ giấy ấy vẫn phẳng lì, mới tinh bởi ông quý nó như chính mạng sống của mình vậy.

Xin được “lệnh” trồng rừng, thế nhưng bài toán mưu sinh đặt ra trước mắt ông khi 11 đứa con nheo nhóc đang chờ từng miếng ăn mỗi ngày. Để có thể bám trụ được bên bờ biển, ông vay tiền đóng thuyền nhỏ, sắm ngư cụ kiếm kế sinh nhai. Cứ sáng sớm, cha con ông lại chèo thuyền ra biển thả lưới, buổi chiều về lại đi khắp nơi tìm nhặt những quả phi lao trong rừng già mang về tự ươm giống hoặc mua cây con đem ra trồng dọc bờ biển. Có những thời điểm, trong nhà không còn một xu dính túi nhưng hễ bán được mớ cá nào kha khá là ông dành ra một ít để mua cây giống phi lao về trồng.

"Lúc mới trồng chưa có kinh nghiệm nên cây con chết nhiều lắm, vừa tiếc, vừa buồn. Cả ngày tôi cứ quanh quẩn bên vườn cây, gánh nước tưới liên tục, mà chỉ cứu được phân nửa rừng cây con. Những cây chết, tôi lại tìm cây giống mới trồng thay thế vào", ông chia sẻ.

Mấy năm trước có một nhóm thanh niên khoảng 5 người vào khu rừng của ông chặt trộm phi lao. Biết chuyện, ông liền khuyên can nhưng bọn chúng không dừng lại mà lao vào đánh ông gãy 6 chiếc răng, mất 1 ngón tay.

Cứ thế, đến nay rừng phi lao hàng chục ngàn cây do ông trồng đã phủ xanh gần 20 ha, chạy dài hơn 2km, tạo thành một “thành lũy” vững chắc dọc đê biển Xuân Hội. Thấy hằng năm người dân nơi đây dần thoát khỏi nỗi lo sợ bị sóng biển hoành hành, ông lại càng ham trồng. Theo chân ông đi thăm rừng phi lao, chúng tôi càng thấu hiểu và trân trọng hơn công sức “lão gàn” đã bỏ ra suốt 30 năm nay. Ông bảo: “Đất trống vẫn còn nhiều lắm, chỉ mong còn nhiều sức khỏe trồng cho hết vùng này”.  

Ngọn hải đăng sống

Để trồng được cả một cánh rừng phi lao rộng lớn với đường kính từ 50 - 60cm trên vùng đất cát “nóng bỏng chân” đối với ông thật không dễ dàng gì, nhưng việc gìn giữ tâm huyết cả cuộc đời của mình thoát khỏi bàn tay “lâm tặc” lại càng khó hơn. Hễ có thời gian rảnh, ông lại đi “thị sát” khu rừng và không biết bao nhiêu lần đối mặt với nguy hiểm.

Hiểm nguy vẫn không làm ông lung lay ý chí và quyết tâm xây dựng và bảo vệ rừng. Bởi với ông “cái mạng già này tôi đâu có tiếc. Nếu thấy nguy hiểm mà chùn bước thì làm sao tôi có thể giữ được rừng trong gần 30 năm qua. Tôi chỉ mong mình còn đủ sức để tiếp tục phủ xanh những đồi cát dọc bờ biển này nữa”.

Không chỉ trồng rừng, vào những năm trước, khi còn sung sức và người đi biển còn nhiều, ông Lán lập ra một giàn giáo ngay cạnh đê biển. Cứ mỗi tối ông cầm ngọn đèn măng-xông đứng trên giàn soi đường cho các tàu thuyền cập bến an toàn. Ngày đó, dầu hỏa rất hiếm, hai vợ chồng không dám thắp đèn trong nhà, thế nhưng với ngư dân đi biển “giúp được gì là tôi giúp”.

10-49-11_210-49-11_3
Hằng ngày ông vẫn ra biển đánh cá, vừa có tiền nuôi gia đình lại bảo vệ được khu rừng

Nếu chỉ như vậy, vẫn chưa đủ để người dân “phong” ông làm “anh hùng nơi cửa biển”. Bàn tay sần sùi, dẫu không còn đủ ngón của ông đã làm nên nhiều "kỳ tích" còn đáng khâm phục hơn.

Với bản chất người lính Cụ Hồ, ông Lán đã tạo công ăn việc làm, nuôi nấng nhiều ngư dân và tự tay cứu vớt nhiều người bị đuối nước. Dành dụm được đồng nào, ông không ngần ngại bỏ ra mua thuyền, lưới, vó… để giúp đỡ những ngư dân nghèo, ngư dân gặp hoạn nạn mất nhà cửa phiêu bạt vào làng tiếp tục bám biển mưu sinh. Ban ngày, họ đi đánh cá, ban đêm về ăn ngủ và sinh hoạt ngay trong nhà ông. Có người tá túc vài ba tháng, cũng có người ở 4-5 năm nhưng ông không hề lấy một đồng nào. Tiền đánh cá kiếm được, ông bảo họ cứ dành dụm đó sau này lỡ có xảy ra mệnh hệ gì thì còn có mà phòng thân. Ở với ông có gì ăn nấy, miễn cảm thấy vui là được.

Rất nhiều người được ông cứu sống như anh Thương, anh Văn, anh Huy, chị Cừ… đã xin phép được gọi và coi ông bà là bố mẹ. Trong số những "người con" ấy, ông Lán nhớ nhất là anh Nguyễn Văn Thương, quê ở Diễn Châu, Nghệ An.

Ông Lán kể: 5 năm sau kể từ ngày cha con ông Lán cứu anh Thương khi tàu của anh gặp nạn, vợ chồng anh đã quay lại tìm ông. Đi khắp nhiều xã ven biển trong huyện để hỏi địa chỉ, rồi họ cũng tìm thấy ân nhân của mình. Cả hai vợ chồng anh Thương đã ôm lấy ông khóc nức nở.

Ông Nguyễn Văn Hùng, người cùng làng chia sẻ: "Quả thực dân làng chúng tôi mang ơn ông Lán rất nhiều. Cũng là người đi biển, nhờ ngọn đèn của ông chúng tôi không bao giờ bị lạc hướng và cập bến an toàn. Để nghĩ và làm được như ông ít người theo kịp”.

Nhìn cánh rừng phi lao cao vút như một bức thành lũy vững chắc bao bọc lấy hàng chục nóc nhà của ngư dân làng chài nơi đây mới thấm hết tâm huyết mà ông Lán bỏ ra suốt bao nhiêu năm qua. Nhưng khi nhắc về công lao to lớn của mình, lão chỉ cười, nụ cười vô tư của một lão ngư đã ngoài 86 tuổi nghe cứ nhẹ bẫng “đắp đê mới khó chứ trồng rừng, trồng cây thì tôi làm được. Hơn nữa, rừng là tấm áo che sóng gió, mưa bão cho gia đình và dân làng tôi. Do đó, muốn giữ được gia đình, được làng mạc chỉ mong mọi người hãy giữ lấy rừng...”.

Cứu sống 50 người đuối nước

“Ông Lán là một cựu chiến binh rất tâm huyết với việc trồng rừng chắn sóng, chắn biển xâm thực đất liền. Ông vừa là người trồng rừng, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ rừng không công cho người dân vùng biển Cửa Hội này.

Ngoài ra, ông từng cứu sống khoảng 50 người bị đuối nước trong vòng 30 năm qua. Cứ hay tin có người gặp nạn ông lại cho thuyền chạy ra tìm kiếm, cứu giúp. Cứu được nạn nhân nào, ông còn đưa họ về nhà, chăm sóc vài ngày rồi mới để họ về. Trọng cái ơn nghĩa ấy, nhiều người được cứu đã nhận ông làm cha nuôi.

Chúng tôi rất trân trọng và ghi nhận những đóng góp của ông với dân làng Cửa Hội”, ông Trần Song Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hội.

Theo Tâm Đan/nongnghiep.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 95

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 94


Hôm nayHôm nay : 37599

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 979312

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 59987635