18:29 EDT Thứ năm, 18/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Hoạt động các địa phương » huyện Can Lộc


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Từ Hà Hoàng đến Can Lộc, đất linh thiêng - người tuấn kiệt

Thứ ba - 17/12/2019 23:03
Nhân dịp kỷ niệm 550 năm truyền thống Thiên Lộc - Can Lộc, BBT trang TTĐT trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Võ Hồng Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Can Lộc. Bài được đăng trong Tập san Sông Nghèn, số đặc biệt chào mừng 550 năm truyền thống Thiên Lộc - Can Lộc.

1. Nếu như Hà Tĩnh nay, Hoan Châu – Nghệ An xưa từng được mệnh danh là “Địa linh – Nhân kiệt” thì hầu như địa phương nào trên mảnh đất này cũng thấm đẫm đặc trưng ấy, nhưng mỗi vùng lại có những mạch nguồn riêng trong dòng chung hàng ngàn năm lịch sử dựng xây và bảo vệ quê hương.

          Nguyên là vùng đất tụ cư của người Việt cổ gắn với truyền thuyết Cố đô Ngàn Hống của Kinh Dương Vương và được thực chứng bởi các di chỉ khảo cổ học như Rú Nghèn, nền Trang Vương…, theo các thư tịch cổ, ban đầu Can Lộc thuộc huyện Hà Hoàng, quận Cửu Chân; năm 271 đổi tên là Phù Lĩnh, năm 679 được gọi là huyện Việt Thường; thời kì Đại Việt lại mang tên Phi Lộc rồi Phúc Lộc. Năm 1469, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 10, vua Lê Thánh Tông ban đạo dụ thành lập 12 thừa tuyên, trong đó có huyện Thiên Lộc thuộc phủ Đức Quang, trấn Nghệ An; năm 1862, vua Tự Đức đổi tên là huyện Can Lộc. Như vậy, về danh xưng, khác với nhiều địa phương trong tỉnh, trải qua 10 thế kỷ từ thời phục hưng Đại Việt, dù chữ đầu có thể thay đổi do húy kị của các triều vua, huyện này vẫn giữ được một thành tố gốc là Lộc và gần nguyên ý nghĩa – Thiên lộc vĩnh chung, lộc trời muốn/được hưởng dài lâu. Khi nhà Nguyễn chỉ dụ bỏ chữ Thiên, các nhân sĩ trong huyện xin giữ lại, sau không được mới xin chuyển thành chữ Can - chữ Thiên ( ) có 4 nét, chỉ cần bỏ một nét là thành Can ( ).

          Địa hình, diên cách của Can Lộc cũng khá đặc biệt. Từ một dải “đầu Mênh cuối Sót” cho đến lúc chưa chia cắt một phần cho thị xã Hồng Lĩnh và Lộc Hà, vùng đất này giống như một cuốn sách mở mà lề kết nối giữa hai trang chính là đường Thiên lí xưa, Quốc lộ 1A nay; sông Nghèn và các phụ lưu như dải lụa uốn mình giữa đôi bên là Trà Sơn, Hồng Lĩnh điệp trùng được chấm phá thêm bởi những ngọn núi lẻ phủ đầy huyền thoại như Ngạn Sơn gắn với đất Nghèn – Trảo nha chi xã tắc hoặc Sạc Sơn tứ diện giai công hầu

          2. Nổi trội nhất của vùng đất này trước hết là truyền thống yêu nước, cách mạng như đã thành một dòng chảy bất tận tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, đóng góp xứng đáng vào lịch sử anh hùng của quê hương, đất nước. Giúp nhà Lý mở mang, trấn yên bờ cõi phương Nam có Nam nhạc Ô Trà sơn Võ Sùng Ban, tử trận ngay trên mình ngựa và hiện đang được hậu thế phụng thờ ở xã Thuần Thiện. Giúp nhà Trần kháng phục quốc có cha con Quốc công Đặng Tất – Đặng Dung, ngoài chiến thắng Bô Cô vang dội còn truyền lại nghĩa khí cho muôn đời với tuyệt thi “Thuật hoài” – Thù nước chưa xong đầu đã bạc… Thượng tướng Nguyễn Biên với cuộc  khởi nghĩa chống quân Minh ở căn cứ Động Choác sau tụ hội cùng nghĩa quân Lam Sơn. Đó là còn là những võ quan dũng tướng theo quan điểm Nho gia “trung quân – ái quốc” phò Mạc hết mình như Thượng thư Phan Đình Tá, phù Trịnh lập công lao hiển hách như Tể tướng Nguyễn Văn Giai, Quận công Ngô Phúc Vạn, hoặc cống hiến hết mình cho “quốc gia đại sự” như Ngự sử Đô đài Bùi Cầm Hổ… Ẩn sĩ Nguyễn Thiếp sau ba lần Nguyễn Huệ “tam cố thảo lư” đã trở thành La Sơn phu tử mưu sĩ đắc lực cho triều Tây Sơn “chỉ một lời nói mà đánh tan mười vạn quân địch”. Ngự sử Phan Huân, người dám dâng sớ hặc tội vua Tự Đức và đòi chém nhiều quan lại vì quá nhân nhượng thực dân Pháp, được đương thời hậu thế tấn phong “Gan như gan quan Ngự”. Cha con Nguyễn Chanh, Nguyễn Hét vào sinh ra tử lãnh đạo quân thứ Can Lộc dưới cờ nghĩa Cần vương. Chí sĩ Ngô Đức Kế từ bỏ danh lộc triều ban dấn thân trong các phong trào yêu nước dù phải chịu cảnh lao tù “đập đá ở Côn Lôn”. Chí sĩ Nguyễn Hàng Chi lãnh đạo phong trào chống thuế Trung kỳ, lẫm liệt hy sinh “Huyết ngân toàn vị quốc dân lưu” – Máu tươi tuôn chảy với đồng bào.

          Bến đò Thượng Trụ cũng là nơi ra đời Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, trực tiếp lãnh đạo Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh mà dấu ấn bi hùng nhất chính là Ngã ba Nghèn lịch sử, nơi Liệt nữ Phạm Thị Dung cùng 44 nông dân Can Lộc quả cảm hy sinh. Can Lộc cũng là địa phương giành chính quyền đầu tiên trong cả nước, ngày 16/8/1945 với một cách thức hết sức linh hoạt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mảnh đất này lại tiên phong trong các phong trào “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, làm nên những sự kiện, địa danh đã trở thành huyền thoại như Làng K.130, Ngã ba Đồng Lộc, như Liệt nữ Võ Thị Tần, anh hùng La Thị Tám…

          3. Bút Cấm Chỉ, sỹ Thiên Lộc – đó là truyền ngôn một thời về Hoàng giáp Vũ Diệm quê Thổ Vượng, cũng đồng thời nói lên truyền thống hiếu học đặc biệt của mảnh đất này. Sách Lịch triều hiến chương loại chí ghi nhận đây là một huyện trội về văn hóa, qua các thời kỳ thi cử Nho học có 42 vị đỗ đại khoa, chiếm 1/3 của cả tỉnh Hà Tĩnh. Từ người khai khoa Thái học sinh Đặng Bá Tĩnh cho đến Đình nguyên Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính, Thám hoa – Danh sư Nguyễn Huy Oánh, Tiến sĩ Tế tửu Quốc tử giám Dương Trí Trạch, Hà Công Trình, Tiễn sĩ Thượng thư Hà Tôn Mục. Mảnh đất này cũng chứng kiến những kỳ tích về hiếu học, đỗ đạt như hai anh em cùng đỗ tiến sỹ đồng khoa thời Lê: Thiên hạ thiếu chi người sang/ Đã Lê Sỹ Bàng, còn Lê Sỹ Triêm…

          Nhưng có lẽ đặc biệt nhất của truyền thống hiếu học, trọng văn chương trên mảnh đất này là sự xuất hiện của các cơ sở giáo dục dòng họ/cộng đồng từ khá sớm. Đó là dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX với những “Phúc Giang thư viện”, “Trường Lưu học hiệu”… quy mô gần ngang Quốc Tử giám, có gần 3 vạn bản sách, học trò gần 30 người đậu tiến sĩ… Đây cũng là dòng họ duy nhất trong cả nước sở hữu hai di sản Tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, “Mộc bản trường học Phúc Giang” (2015) và “Hoàng Hoa sứ trình đồ” (2018). Dòng họ này cùng với cự tộc Nguyễn – Tiên Điền (Nghi Xuân) với những tác gia, tác phẩm văn học đỉnh cao như Truyện Kiều – Nguyễn Du, Hoa tiên – Nguyễn Huy Tự, Mai Đình mộng kí – Nguyễn Huy Hổ… đã làm nên một sự kiện văn học danh tiếng cuối thế kỳ XVIII, đầu thế kỷ XIX là “Hồng Sơn văn phái”.

          Ở các xã vùng dưới (thường được gọi là Hạ Can), có dòng họ Nguyễn Đức lục chi danh tiếng từ cuối thế kỷ XIX xuyên suốt thế kỷ XX với một thư viện gia đình “Mộng Thương thư trai” và rất nhiều danh sĩ, trước tác tiêu biểu như Chí sĩ Nguyễn Hàng Chi, GS. Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Từ Chi, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Du Chi và Anh hùng “Tướng Biệt động thành” nổi tiếng Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu)…

          Truyền thống hiếu học, trọng văn chương, chữ nghĩa đã tạo nên nhiều thế hệ nhà giáo nổi tiếng qua các thời kỳ, từ Danh sư Nguyễn Huy Oánh, người có công lao lớn nhất trong tạo lập phong khí văn hóa Trường Lưu, Dương Trí Trạch – Tế tửu Quốc tử giám, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp – Viện trưởng Viện Sùng Chỉ cho đến Chí sĩ Võ Liêm Sơn, thầy giáo của Cố TBT Trần Phú, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, hoặc những giáo sư đầu ngành như Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu… Và còn biết bao lớp “Ông Đồ” bình dân “vượt Đèo Ngang tới nơi cần chữ” sinh ra những nhà thơ lớn của dân tộc như Xuân Diệu?

4. Làm nên một mạch nguồn văn hóa chảy suốt từ Hà Hoàng xưa đến Can Lộc nay, ngoài linh khí của núi sông, công sức của bách tính, còn có công lao đóng góp rất lớn của những thế gia vọng tộc, hoặc hội cư, chuyển cư, hoặc phát tích trên mảnh đất này. Đó dòng họ Đặng lẫy lừng, họ Hà danh tiếng ở đất Tĩnh Thạch (Tùng Lộc), họ Ngô ở Trảo Nha, họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, họ Vũ/Võ ở Thổ Vượng (Thiên Lộc, Vượng Lộc), họ Dương ở Bạt Trạc (Yên Lộc), họ Phan ở Vĩnh Gia (Song Lộc), họ Nguyễn ở Mật Thiết (Kim Lộc), họ Mai ở Phù Lưu hạ (Tân Lộc, Hồng Lộc), họ Lê Sỹ ở Thuần Thiện, họ Nguyễn Văn, Nguyễn Đức lục chi ở Ích Hậu v.v…

Một đặc điểm rất dễ nhận thấy là hầu hết các cự tộc đều có quan hệ mật thiết với nhau, rất gắn bó với vùng đất, cộng đồng cư dân sở tại, cùng nhau gây dựng, bồi đắp, trao truyền qua các thế hệ một hệ thống di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể hết sức phong phú.

Nhận xét về sự đóng góp của văn hóa các dòng họ xứ Nghệ vào văn hóa Việt Nam, GS. Chương Thâu từng nêu ra một số thành tố: là tinh thần nồng nàn yêu nước; là truyền thống học vấn; là truyền thống sáng tác văn chương nghệ thuật và cách thức lan toả văn hoá… Thiết nghĩ, đây cũng như một nhận xét riêng và hoàn toàn chính xác đối với các dòng họ văn hóa trên mảnh đất này./.

i

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: can lộc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 133


Hôm nayHôm nay : 45402

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 722972

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 59731295