Đầu tư "chất xám" cho nông nghiệp chất lượng cao

Đầu tư "chất xám" cho nông nghiệp chất lượng cao
Quỹ đất nông nghiệp của tỉnh không lớn, điều kiện thời tiết ngày càng phức tạp, khiến năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp thấp và thiếu ổn định. Vì thế thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn khuyến khích phát triển các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.

Từ mô hình nuôi tôm công nghệ mới

Chúng tôi tới thăm mô hình ao nuôi tôm 3.000m2 của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bảy (xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ) - mô hình đầu tiên trong tỉnh nuôi tôm theo công thức 2 giai đoạn kết hợp công nghệ sinh học Semi Biofloc. Ông Bảy cho biết: Trước kia con giống nhập về được thả ngay xuống ao ngoài trời, thì nay được nuôi bằng bể trong nhà. Khi con tôm giống to bằng đầu đũa (nuôi trong khoảng 30 ngày) thì đưa ra ao nuôi ngoài trời, thả với mật độ 500 con/m2, gấp hơn 4 lần so với bình thường. Sau 30 ngày tiếp theo, tôm bắt đầu đạt kích cỡ thương phẩm thì thu tỉa để giảm mật độ, trả lại không gian sống cho tôm và thu vốn đầu tư về. Đến khi mật độ con tôm trong ao nuôi chỉ còn 120 con/m2 là phần lãi hoàn toàn.

Thu hoạch tôm nuôi tại hộ ông Bùi Ngọc Liêm (khu 8, phường Hải Hoà, TP Móng Cái).
Thu hoạch tôm nuôi tại hộ ông Bùi Ngọc Liêm (khu 8, phường Hải Hoà, TP Móng Cái).

Theo ông Bảy đánh giá, nuôi tôm 2 giai đoạn tuy vất vả hơn nhưng chắc thắng với sản lượng và giá trị rất cao. Bởi khi giai đoạn tôm còn nhỏ, sức sống yếu nhất thì đã được nuôi trong môi trường đảm bảo ở mức độ cao nhất. Đặc biệt tôm không mắc bệnh hoại tử gan tuỵ, căn bệnh có nguyên nhân do tình trạng trời nóng, chất thải tôm lớn, xử lý môi trường không tốt... gây chết hàng loạt. Bên cạnh đó, ở giai đoạn này, nếu vì nguyên nhân nào đó tôm bị dịch bệnh thì người nuôi chỉ thiệt hại một vài bể nuôi nhất định, không làm lây lan ra môi trường rộng và để lại mầm bệnh giống như khi thả nuôi trong các ao nuôi ngoài trời. Do giai đoạn tôm còn nhỏ được sống trong môi trường có xử lý tốt, đảm bảo về sức khoẻ như vậy, nên khi đưa ra ao ngoài trời tôm lớn nhanh vô cùng, sức đề kháng hơn hẳn các ao nuôi thông thường khác. Bởi vậy nên vụ nuôi tôm vừa qua, chỉ 1 ao diện tích 3.000m2 của ông Bảy đạt sản lượng gần 10 tấn, tính ra năng suất trung bình đạt đến 30 tấn/ha, cao nhất khu vực miền Bắc hiện nay.

Việc áp dụng công nghệ sinh học Semi Biofloc trong nuôi tôm cũng đã làm tăng năng suất, chất lượng nuôi rất lớn. Ông Bảy cho biết, để thực hiện công nghệ này, ông bổ sung mật mía, trùn quế vào ao nuôi nhằm kết hợp với thức ăn thừa của tôm tạo thành thể phù du lơ lửng, kích thích tôm đớp mồi. Mật mía, trùn quế còn tạo môi trường thuận lợi để phát triển phù du, vốn là yếu tố xử lý chất thải của tôm, làm sạch môi trường, ngăn chặn dịch bệnh. Theo ông Bảy, nhờ công nghệ này, anh đã giảm được lượng thức ăn từ hệ số 1,2 xuống 0,8, tức nếu như trước kia cứ 1,2kg thức ăn mới được 1kg tôm thịt, thì hiện nay chỉ cần 0,8kg thức ăn. Nhờ đó nên vụ nuôi tôm vừa qua của hộ gia đình ông Bảy đạt giá trị lợi nhuận cao, vì sản lượng lớn và chi phí thức ăn giảm. Theo tính toán của ông Bảy, chỉ với ao nuôi 3.000m2 ông thu được gần 10 tỷ đồng, trừ chi phí ông lãi 60%.

Đáng mừng là hiện trên địa bàn tỉnh, ngoài mô hình của ông Bảy còn có hàng chục mô hình khác nuôi tôm theo công thức 2 giai đoạn. Tiêu biểu như 9 hộ nuôi tại khu 9, phường Hải Hoà (TP Móng Cái) và thôn Bình Minh, xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên); Công ty TNHH Long Nhật; Công ty Đạt Minh Hà đều ở TP Hạ Long; Tập đoàn BIM tại xã Đại Bình (huyện Đầm Hà)... Tất cả đều đạt năng suất khoảng 30 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay.  

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc xuất hiện các mô hình nuôi tôm theo công thức 2 giai đoạn và mô hình áp dụng công nghệ sinh học Semi Biofloc có thể coi là bước tiến mới trong lĩnh vực nuôi tôm, thể hiện dần sự chuyên nghiệp của người nuôi trên địa bàn tỉnh. Nếu mô hình này được nhân rộng, sản lượng và giá trị con tôm trên địa bàn có bước tăng nhảy vọt, vị thế Quảng Ninh trên bản đồ tôm cả nước sẽ nâng cao.

Đến đa dạng các mô hình nông nghiệp chất lượng cao

Những năm gần đây có đến trên 40 nhiệm vụ khoa học công nghệ được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh đã ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ với các đối tác Nhật Bản trong việc trồng, bảo quản, chế biến quả vải đạt tiêu chuẩn và xuất khẩu; trồng rừng ngập mặn bằng công nghệ thùng bê tông xốp, trồng rau trong nhà lưới của Đại học Chiba (Nhật Bản)... Nhờ đó về thuỷ sản, ngoài lĩnh vực nuôi tôm, toàn tỉnh ứng dụng sản xuất giống, nuôi thương phẩm, bảo tồn nguồn gen các đối tượng đặc sản, có thế mạnh của địa phương, được xây dựng thương hiệu như ghẹ xanh Móng Cái, ngán, sá sùng, bào ngư, tu hài, ốc nhảy, ngao giá, cá bống bớp... Các sản phẩm OCOP, như: Hàu sữa chưng thịt, chả mực Minh Phúc (TP Hạ Long); ruốc hàu Thái Bình Dương, ruốc trai Vân Đồn, cá tẩm vừng, cá rim me, mực rim me (huyện Vân Đồn)... đã được ghi nhãn sản phẩm hàng hoá, đăng ký mã số, mã vạch, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

Lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, hiện đã ứng dụng khoa học công nghệ đưa những giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao, như gấc lai đen (tại TX Đông Triều); cà gai leo, dây thìa canh, chồn tóc đen (tại huyện Tiên Yên); cây thiên môn (tại TP Uông Bí). Đã thành công trong nhân giống ba kích tím bằng cả 3 phương pháp giâm hom, gieo hạt và nuôi cấy mô. Ứng dụng các tiến bộ khoa học để thụ tinh nhân tạo sản xuất giống gà Tiên Yên, giống ngan đen Ba Chẽ...

Mô hình trồng rau thuỷ canh tại cơ sở 188 Mạo Khê (TX Đông Triều).
Mô hình trồng rau thuỷ canh tại cơ sở 188 Mạo Khê (TX Đông Triều).

Hiện Quảng Ninh có mô hình trồng hoa chất lượng cao tại Công ty CP Phát triển Agri-tech, Hợp tác xã Rau hoa Đồng Chè (huyện Hoành Bồ) rất phát triển. Từ công nghệ ban đầu do Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT) chuyển giao với vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng, đến nay mỗi năm 2 đơn vị cung cấp ra thị trường gần 20 triệu bông hoa các loại, trong đó 70% là các giống hoa cao cấp, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện đạt trên 300 tỷ đồng/năm.

Tại vùng đất Đông Triều, cùng với điểm sáng mô hình trồng rau quả chất lượng cao của Tập đoàn Vingroup, còn có các mô hình trồng các giống lúa chất lượng cao của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, đã được Bộ NN&PTNT công nhận giống lúa quốc gia. Công ty TNHH Nấm Long Hải hiện tiếp tục tăng trưởng sản xuất một số loại nấm mỡ, nấm kim châm và nấm dược liệu nổi tiếng. Ở Hạ Long có Công ty CP Ngọc trai Hạ Long nổi tiếng với mô hình nuôi cấy, chế tác sản phẩm ngọc trai... Nhiều doanh nghiệp khác đã và đang là điểm sáng về ứng dụng công nghệ trong quy trình sản xuất nông nghiệp, cho hiệu quả kinh tế cao, như: Công ty Song Hành (TX Quảng Yên); Công ty Hưởng Dung (huyện Hoành Bồ); Công ty Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Công ty TNHH Sản xuất dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả); Cơ sở rau thuỷ canh 188 Mạo Khê (TX Đông Triều)...

Theo Việt Hoa/baoquangninh.com.vn