Hà Tĩnh: Cam bù được mùa, người trồng phấn khởi

Hà Tĩnh: Cam bù được mùa, người trồng phấn khởi
Từ chỗ 30.000 đồng/1kg trước Tết, bất ngờ vụt tăng lên 70.000 đồng đến 80.000 đồng /1kg trong dịp Tết vừa qua, cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh) không những được mùa mà còn được giá.

Do cam bù Hương Sơn đã khẳng định được thương hiệu trong những năm gần đây, và Tết đến cũng là mùa cam bù thi nhau chín rộ, nên không có gì bất ngờ khi cam bù ở đây tăng giá vùn vụt trong dịp Tết này.

IMG_6537
Vườn cam bù của người dân Hương Sơn đang vào vụ. Ảnh: Báo Dân sinh

Theo báo Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Vân – tiểu thương ở chợ Nầm (Sơn Châu – Hương Sơn) cho biết: “Tết năm nay cam khá đắt nên chúng tôi không dám cắt cam Sơn Mai nhiều, phần lớn khách ở chợ này chỉ mua loại vừa tiền nên chúng tôi thường cắt cam Sơn Trường, Sơn Phúc… Cam các xã này cũng có vỏ khá đẹp nhưng chất lượng thì kém hơn 1 chút. Khi nào có khách đặt thì chúng tôi mới cắt cam Sơn Mai”.

Không còn mua ở chợ như trước đây nữa, hiện nay nhiều khách hàng đã cất công lặn lội vào tận các vườn cam để mua cho bằng được loại cam bù chuẩn vị truyền thống nhất. Và Sơn Mai là địa chỉ được nhiều người truyền tai nhau nhất.

Chị Nguyễn Thị Tiến (thôn Kim Lĩnh – vùng Thanh Mai - Sơn Mai) cho biết: “Cam vùng Thanh Mai của chúng tôi bao giờ cũng đẹp mã và có hương vị đậm đà hơn các vùng khác nên không chỉ thương lái mà khách thập phương cũng tìm đến mua tận vườn. Bán cho khách thập phương tuy số lượng không lớn nhưng giá lại cao hơn nhiều. Trong những ngày áp tết, giá cam thay đổi liên tục, có khi buổi chiều đã cao hơn buổi sáng 5 giá là chuyện bình thường”.

106d3142409t635l2
Nhiều thương lái ở Hương Khê cũng tìm đến mua cam bù Thanh Mai. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Theo báo Dân sinh, cam bù được xem là "vua chúa" trong vườn hoa trái, là đặc sản quý hiếm ở huyện miền núi Hương Sơn. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Quang Thọ- Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn thì từ 350 ha năm 2013, đến năm 2018, diện tích cam bù Hương Sơn đã tăng lên 864 ha, trong đó nhiều nhất là Sơn Trường 280 ha, Sơn Mai 139 ha, Sơn Thủy 66 ha, Sơn Hàm 55 ha, Sơn Phú 23,5 ha…sản lượng trung bình 15,5 tấn/ha; diện tích cho thu hoạch khoảng 344 ha, ước tính cho thu hoạch 5.332 tấn. Nếu chỉ áp  giá trung bình 40.000 đồng/kg, ước tính số diện tích trên cho thu hoạch trên 213 tỷ đồng.

Cam bù được mùa, được giá, hàng chục gia đình thu hoạch bạc tỷ. Ông Trần Ngọc Kiên- Chủ tịch UBND xã  Sơn Mai cho biết: Tại xã Sơn Mai có 11 hộ gia đình thu hoạch tiền tỷ trở lên như hộ gia đình ông Phạm Tái Hòa, Phạm Ngọc Linh, Lê Ngọc Sáng (thôn Tân Hoa); Phạm Trường Chinh,  Phạm Ngọc Thưởng, Đậu Quang Huyến, Đoàn Mạnh Hùng, Ngô Văn Linh (thôn Kim Lĩnh);  Nguyễn Đình Thân (thôn Minh Giang), Nguyễn Hữu Toàn (thôn Hội Sơn); Nguyễn Đình Hiệp (thôn Kim Lộc) trong đó, hộ gia đình anh Ngô Xuân Linh thu hoạch trên 10 tỷ đồng.).

Rõ ràng trong những năm gần đây nhờ thu hoạch từ cam bù mà đời sống vật chất tinh thần của nhiều gia đình làm nghề trồng cam ở huyện Hương Sơn được cải thiện rõ rệt. Nổi bật là anh  Phạm Ngọc Thưởng (thôn Kim Lĩnh, xã Xuân Mai) từ hai bàn tay trắng lên lập trang trại trồng cam mà trở nên giàu có. Dịp Tết năm nay, gia đình anh thu hoạch từ cam bù ước tính được gần 3 tỷ; anh Đậu Quang Quân có 7 năm xuất khẩu lao động tại nước Nga, trở về, quyết định đầu tư phát triển cây cam bù cũng làm giàu lên nhanh chóng.

Đặc biệt, anh Đào Văn Đức ( 20 tuổi, con ông Đào Quang Tuyến), sau khí tốt nghiệp PTTH, mặc dù học lực khá nhưng em không đầu đơn vào đại học mà lựa chọn ở lại quê hương quết làm giàu từ nghề trồng cam. Được bố, mẹ cắt cho 3 ha vườn đồi, Đức quyết tâm phát triển cây cam. Số tiền trúng đậm từ mùa cam năm nay sẽ được Đức đầu tư vào việc mở mang trang trại, tập trung sản xuất cam bù theo quy trình Viet gap.

Theo Phương Nhi/thuonghieuvaphapluat.vn