Có loại phí được đề xuất giảm tới 83%

Bộ Tài chính vừa tiếp tục gửi 3 công văn xin ý kiến về đề xuất giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; trồng trọt và giống cây lâm nghiệp; quản lý chất lượng vật tư nuôi trồng thủy sản.
Điều chỉnh giảm 10% đến 83% đối với các mức thu phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Phí cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm giảm “khủng”

Trong vòng hơn 10 ngày đầu tháng 9/2017, Bộ Tài chính liên tiếp có các công văn gửi xin ý kiến về đề xuất giảm phí liên quan đến chi phí của doanh nghiệp. Mới đây, Bộ Tài chính đã có Công văn số 12014/BTC-CST gửi lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 279/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Dự thảo đề xuất điều chỉnh giảm từ 10% đến 83% đối với các mức thu phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm; phí thẩm định nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế. Đồng thời, để tạo thuận lợi cho việc thu, nộp phí, Bộ Tài chính đề xuất cho làm tròn số đối với mức thu các khoản phí nêu trên.

Bộ Tài chính cũng đã đồng thuận với kiến nghị của tỉnh Long An về đề xuất quy định mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận (GCN) an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ là 500.000 đồng/cơ sở/lần thay cho mức 3 triệu đồng theo quy định hiện hành (theo quy định hiện hành tại Thông tư 279).

Theo Bộ Tài chính, trên thực tế cũng như quy định pháp luật có 2 loại hình sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ: Một là, cơ sở sản xuất thực phẩm thực hiện cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm (bao gồm: Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bán hàng rong, kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định). Các cơ sở này không phải thực hiện thẩm định cấp GCN cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không phải nộp phí.

Hai là cơ sở sản xuất thực phẩm phải được cấp GCN đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bao gồm: Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, dụng cụ, vật liệu bao gói chuyên dụng gắn liền và chỉ sử dụng cho các sản phẩm thực phẩm; cơ sở kinh doanh thực phẩm tổng hợp. Các cơ sở này phải thực hiện thẩm định cấp GCN an toàn thực phẩm và phải nộp phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 279/2016/TT-BTC.

Tuy nhiên, việc thẩm định cấp GCN an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sẽ đơn giản hơn so với các cơ sở khác, do quy mô nhỏ hơn, các hạng mục phải thẩm định ít hơn, vì vậy, chi phí thẩm định cũng ít hơn.

Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tế tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, đồng thời để các cơ sở này có điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình và thuận lợi trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, Bộ Tài chính đã đồng tình với kiến nghị giảm phí đối với việc cấp GCN an toàn thực phẩm như trên.

Giảm phí trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhập khẩu

Cùng thời điểm Bộ Tài chính cũng đã ban hành Công văn số 12013/BTC-CST gửi các bộ, ngành, địa phương các hiệp hội doanh nghiệp xin ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 284/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nuôi trồng thủy sản. 

Thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-CP, để góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiếp thu đề xuất của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) đưa vào dự thảo thông tư sửa đổi nội dung điều chỉnh giảm 5% mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư nuôi trồng thủy sản nhập khẩu (đồng nghĩa với việc giảm từ 500.000 đồng + số lượng mẫu x 90.000 đồng/mẫu xuống còn 470.000 đồng + số lượng mẫu x 85.500 đồng/mẫu, giảm 5,66% mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm vật tư nuôi trồng thủy sản đối với đăng ký lại/gia hạn (tương đương giảm từ 530.000 đồng/lần/sản phẩm xuống 500.000 đồng/lần/sản phẩm).

Ngoài ra, việc giảm mức thu phí đã quy định tại Thông tư số 284 sẽ dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Vì vậy, tại công văn xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo số tiền mà NSNN bị giảm khi giảm mức thu phí như quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 284.

Bộ Tài chính tiếp thu đề xuất của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đề xuất điều chỉnh giảm mức thu từ 10% đến 20% đối với từng mức thu phí bảo hộ giống cây lâm nghiệp (công nhận lâm phần tuyển chọn sẽ giảm từ 750.000 đồng/giống xuống 600.000 đồng/giống; công nhận vườn giống sẽ giảm từ 2,75 triệu đồng/vườn giống xuống 2,5 triệu đồng/vườn giống; công nhận nguồn gốc lô giống, lô con giống sẽ giảm từ 750.000 đồng/lô giống xuống 600.000 đồng/lô giống).
Đức Minh/thoibaotaichinhvietnam.vn