Bí quyết ngăn ngừa say nắng, say nóng

Bí quyết ngăn ngừa say nắng, say nóng
Người bị say nắng, say nóng không chỉ có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu,... mà còn có thể gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục, thậm chí tử vong.

 

Nắng nóng ở mức kỷ lục

Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ nắng nóng trung bình các tháng mùa hè năm nay trên cả nước đạt mức kỷ lục. Theo đó, nền nhiệt có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ, do đó mức nhiệt trong các đợt nắng nóng nhiều khả năng đạt 39-42 độ, cũng không loại trừ một số điểm có nhiệt độ cao vượt kỷ lục. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung nhiều trong tháng 4-5 ở Tây Bắc Bộ, từ tháng 5 đến tháng 6 ở Đông Bắc Bộ và từ tháng 4 đến tháng 8 tại Bắc và Trung Trung Bộ.

14-04-51_nng_nong
Những người lao động làm việc ngoài trời, hoặc đi ngoài trời nắng quá lâu… rất dễ mắc say nắng, say nóng (Ảnh minh họa)

Khi thời tiết oi bức, nắng nóng kéo dài, ở những người lớn tuổi có bệnh lý nội khoa đi kèm và trẻ em dưới 4 tuổi, những người lao động làm việc ngoài trời, hoặc đi ngoài trời nắng quá lâu… rất dễ mắc say nắng, say nóng.

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, say nóng là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh.

Một đặc điểm chung là cả say nóng và say nắng đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong.  

Sơ cứu đúng cách

TS. Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa… thì ưu tiên hàng đầu là sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.

"Lúc này, đừng cố cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì thuốc hạ sốt không có giá trị trong trường hợp này. Việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào cùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào. Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh", TS. Tuấn tư vấn.

sy-nng155248614
Ảnh minh họa

Đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng. Trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và tiến hành các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C rồi chuyển bệnh nhân đến viện nhanh nhất.

Các bác sĩ lưu ý, để phòng ngừa say nắng, những người làm việc ngoài nắng nóng lâu phải trang bị phương tiện bảo hộ tốt nhất gồm áo dày che kín phần gáy, mũ rộng vành che kín đỉnh đầu, chống mất nước. Khi nhiệt độ lên cao nắng nóng ngay gắt ở giờ cao điểm 11h - 15h nên hạn chế hoạt động ngoài trời và hãy uống đủ nước.

Đối với người già và trẻ nhỏ hạn chế tối đa ra ngoài trời khi thời tiết nắng nóng, thay vào đó ở trong phòng điều hòa, nhưng cũng không nên để lạnh quá sâu, tránh chênh lệch nhiệt quá lớn giữa trong và ngoài phòng dễ gây sốc nhiệt nếu có việc phải đi ra ngoài. Mọi người dân đều nên thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Những đồ ăn phòng và chống say nắng

Nước ép ngó sen hòa mật: Ngó sen tươi 100 g, nước mía 50 g (50 ml). Ngó sen ép lấy nước, trộn với nước mía, chia uống 2 lần trong ngày. Dùng khi bị cảm cúm, trúng nóng, trúng nắng hoặc khô hanh gây kích ứng, vật vã, sốt, khát nước.

Nước ép dưa hấu cà chua: Cà chua, dưa hấu, liều lượng tùy ý. Ép riêng từng thứ lấy nước trộn đều, cho uống. Dùng làm nước giải khát mùa hè, biếng ăn.

Cà chua ướp đường: Cà chua 250 g, bóc vỏ, thái lát, rắc đường trắng để khoảng 30 phút, hoặc để tủ lạnh càng tốt. Dùng làm món ăn giải khát, giải nhiệt mùa hè.

Nước mía: Mía tươi róc vỏ, đẵn khúc ăn tùy ý, hoặc nước ép mía để mát uống. Dùng cho các trường hợp sốt khô họng, tiểu giắt.

Đào chín: Rửa sạch, gọt vỏ, ngày ăn 2-3 lần, mỗi lần 1-3 quả. Dùng cho các trường hợp cảm nóng, cảm nắng, mất nước, khát nước.

Nước chanh: Vắt lấy nước, thêm nước sôi nguội uống, có thể thêm đường, muối tùy ý. Chống nắng, chống nóng, giải khát.

Nước bạc hà: Bạc hà 16 g. Bạc hà rửa sạch, cho ấm, đổ một lít nước sôi hãm, cho thêm đường đủ ngọt; cho uống. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt sốt nóng.

Canh đậu xanh: Đậu xanh 100 g. Đậu đã xay, nhưng để nguyên cả vỏ, thêm nước nấu nhừ. Dùng ăn để giải thử (chữa say nắng, say nóng).

HUYỀN ANH/ Nông nghiệp