Canh cánh mối lo "Rau hai luống, lợn hai chuồng"

Canh cánh mối lo "Rau hai luống, lợn hai chuồng"
Cùng với vấn nạn hàng giả thì An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng hổi được toàn xã hội quan tâm.Thống kê cho thấy số vụ vi phạm về thực phẩm bẩn bị phát hiện và xử lý ở mức cao đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh trong nước.
Ẩn họa từ thực phẩm bẩn
Hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, quyền này của người tiêu dùng đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Thực tế, ngay từ khâu sản xuất, tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật hay chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, thuốc kháng sinh ngoài danh mục đã diễn ra từ nhiều năm nay, tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng" gây lo ngại trong dư luận.
Đoàn Kiểm tra đang tiến hành xử phạt cơ sở vi phạm
Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 8.160 lượt cơ sở, tiến hành xử phạt 291 cơ sở vi phạm với số tiền 620.310.000 đồng; tiêu hủy lượng hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm gồm 10 kg giò, 10 kg chả chứa hàn the, 30 kg xúc xích, 79 kg thịt dăm bông, 40 kg táo, 75 lít nước mắm, 262 kg nguyên liệu không được kiểm soát thú y để chế biến giò chả và 34 kg nem chua sử dụng nguyên liệu không đảm bảo theo quy định.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở sản xuất theo quy định; Khu vực sản xuất có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy; Người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá kệ, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Toàn tỉnh đã tiến hành lấy 2.328 mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng, nguyên liệu chế biến thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả có 23 mẫu không đạt.
Thực phẩm sạch phải được kiểm soát theo chuỗi
Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm thì tất cả các khâu trong chuỗi (từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng) đều phải đạt vệ sinh và an toàn. Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm cần sự vào cuộc đồng bộ, từ chính quyền, đoàn thể đến các nhà khoa học, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và cả người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, việc Nhà nước ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm đã nâng cao vai trò quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò của Uỷ ban Nhân dân các cấp. Cùng với đó, kiến thức, sự hiểu biết của người dân về vấn đề bảo đảm sức khỏe cũng được nâng lên.
Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận
 
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã cấp 273 Giấy chứng nhận cở sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 177 giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; 35 cơ sở có Giấy chứng nhận VietGAP, HACCP, GMP; 15 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận. Mặc dù là con số khá khiêm tốn so với thực trạng sản xuất, nhưng cũng đã góp phần dần vào quá trình phát triển sản xuất sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo Như Quỷnh/sonongnghiephatinh.gov.vn