Giống lúa siêu nguyên chủng, đôi điều cần bàn

Giống lúa siêu nguyên chủng, đôi điều cần bàn
Vừa qua, Báo NNVN đăng loạt bài về tình trạng loạn giá, loạn giống lúa siêu nguyên chủng. Loạt bài đã nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ, thậm chí có những ý kiến trái chiều...

NNVN xin đăng tải một trong số các ý kiến đó để rộng đường dư luận.

Đọc bài báo “Kỳ lạ lúa giống siêu nguyên chủng tràn ngập chợ quê!”, trước hết tôi đồng tình với bài báo đã nêu ra hiện trạng giống lúa siêu nguyên chủng (SNC) đang bán tràn ngập với giá rẻ giật mình, chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Bài báo cũng đã đăng tải nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và các đại lý bán giống, tôi chỉ xin được trao đổi một số nội dung.

 
 
Một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở Hà Nội cung ứng nhiều giống lúa cấp siêu nguyên chủng

Trước hết phải khẳng định hạt giống lúa SNC là một loại hàng hoá, khi đã là hàng hoá không bị cấm sản xuất, kinh doanh thì công ty có quyền bán, người nông dân có quyền mua. 

Nếu nói người bán giống SNC là dại, người mua không cần giống SNC là theo ý chủ quan. Một đơn vị có năng lực làm tốt giống lúa SNC, bán được giá cao hơn, người nông dân mua giống lúa SNC cấy cho năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao... thì sao lại nói là dại, là không cần thiết?

Nếu nói ở khía cạnh công ty bán giống SNC, nông dân mua về tự nhân giống thì vụ sau không bán được nhiều giống là chưa nhìn vào thực tế. Bởi hiện các công ty giống cây trồng mới chỉ đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu lúa giống, lượng giống còn lại do người dân tự sản xuất, ngay cả giống của các công ty, cũng do nông dân sản xuất dưới hình thức liên kết, như vậy mới đủ giống phục vụ sản xuất, giá giống rẻ hơn.

Làm như vậy doanh nghiệp và người dân có lợi, đều là người khôn, là giải pháp tốt nhất hiện nay. Đây được xem là hệ thống sản xuất giống hai cấp do cơ chế thị trường hình thành từ lâu, thay thế hệ thống sản xuất giống bốn cấp thời bao cấp đã lỗi thời.

Trên thế giới có nước nào bán giống lúa SNC, hạt bố mẹ lúa lai hay không? Tôi không được đi nhiều nước, không biết pháp lệnh giống của các nước, song thực tế tôi đã mua hàng tấn hạt giống bố mẹ lúa lai, đem về sản xuất giống F1. Riêng đối với lúa thuần, nước ta làm tốt hơn nhiều nước, vì thế nước ta có giống SNC bán là niềm tự hào, đừng so với các nước, là không cần thiết.

Bài báo nêu giống lúa SNC bán nhiều, giá rẻ dẫn đến có ý kiến cho rằng, đây là hành vi công ty giống lừa dối, loè bịp để trục lợi nông dân. Theo kinh nghiệm của tôi, về lượng giống lúa SNC sản xuất ra, nếu vẫn tự dùng giống cũ thì dòng G1 chỉ sản xuất được vài kg, dòng G2 (SNC) mỗi dòng chỉ được vài ba tạ, mỗi đơn vị chỉ sản xuất được vài tấn lúa SNC. Tư duy cũ của quy trình cũ, của những giống lúa cũ (như giống CR203, chỉ có trên dưới 100 hạt/bông).

Nhưng vẫn các bước sản xuất như vậy, chỉ cần cấy thưa ra, cấy hết lượng giống, không để dự phòng 1/3 lượng giống như cũ, với những giống hiện nay có số hạt trên bông lớn (như giống Khang dân 18 có trên dưới 200 hạt/bông) thì dòng G1, mỗi dòng được 15 - 20kg, dòng G2 (SNC) mỗi giống có thể sản xuất được 30 - 40 tấn. Tuy nhiên, nếu lượng giống lúa SNC bán nhiều trên thị trường đến hàng trăm tấn, thì cần được kiểm tra để kết luận giống thật hay giả.

15-01-20_khu_sx15-01-20_khu_sx_2
Ruộng SX lúa giống của Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh

Về giá, tuỳ từng đơn vị mà giá thành khác nhau. Với các đơn vị đầu tư cơ sở vật chất nhiều, bộ máy cồng kềnh thì giá thành cao. Đây lại là lợi thế của các DN vừa và nhỏ, mấu chốt của sản xuất SNC là một vài cán bộ kỹ thuật, vì thế nếu so sánh công ty to hay nhỏ, thậm chí các viện hay các DN ai sản xuất giống SNC tốt hơn, giá rẻ hơn thì phải xem xét cụ thể. Đừng lập luận giá thành sản xuất giống SNC cao, giá bán rẻ rồi suy diễn.

Các công ty giống hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nếu hạch toán đúng, đủ thì giá bán giống nguyên chủng 15.000 đồng/kg, giá bán SNC từ 22.000 - 25.000 đồng/kg như hiện nay vẫn lỗ.

Các công ty đang tồn tại, thậm chí số ít công ty có lãi lớn do các lợi thế khác nhau. Công ty A có lãi vì được quyền “kinh doanh” vài nghìn tấn thóc dự trữ, công ty B có lãi vì có vài giống độc quyền sản xuất giống xác nhận 2 chỉ đắt hơn thóc thịt một chút, nhưng giá bán 30.000 - 35.000 đồng/kg. Công ty C tồn tại do được lợi từ chính sách trợ giá, bán được nhiều giống hơn. Một số công ty khác sống khỏe do tích cực chuyển sang kinh doanh những lĩnh vực khác như gạo, dịch vụ, cho thuê đất. Như vậy giá thành sản xuất cao, giá bán thấp vẫn phải làm.

Đương nhiên giống lúa SNC cũng có hàng giả, nguyên chủng cũng có hàng giả, thậm chí giống xác nhận cũng có hàng giả. Giả hay thật phải kiểm tra, phải có bằng chứng.

Cơ quan nào kiểm định, kiểm nghiệm chứng nhận chất lượng giống trên thị trường? Công ty tôi cấp giống SNC và nguyên chủng, nhờ Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia (Cục Trồng trọt) chứng nhận chất lượng giống. Để chứng nhận giống, cán bộ kỹ thuật Trung tâm đã lội ruộng kiểm định, lấy mẫu tại kho kiểm nghiệm. Kết quả hàng năm đều được Trung tâm chứng nhận chất lượng giống đảm bảo, được đánh giá là một trong những đơn vị sản xuất giống lúa SNC tốt nhất.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn ý thức được Trung tâm chỉ giúp mình, chứ không thể thay thế mình chịu trách nhiệm trước bà con nông dân. Chính vì thế có nên quy định cứng, chỉ đơn vị nào đó được phép chứng nhận chất lượng hạt giống? Theo tôi, một khi chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường, thì không nên có quy định cứng. Cơ quan nào làm tốt thì doanh nghiệp thuê, mướn.

Về công tác kiểm tra chất lượng giống, có lẽ không ở đâu hạt giống không được kiểm tra, thậm chí nhiều lần, nhiều đoàn kiểm tra. Cùng một mẫu giống các đoàn kiểm tra có thể cho kết quả khác nhau, tất nhiên tác dụng của việc kiểm tra cũng còn nhiều vấn đề phải bàn.

 
Theo nongnghiep.vn