Lựa chọn cây trồng thích hợp vùng Bảy Núi

Vào mùa khô, vùng Bảy Núi (An Giang) thường thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân (ND). Do vậy, việc lựa chọn cây trồng thích hợp để canh tác trong mùa khô luôn được bà con chú trọng để cải thiện thu nhập.
Các loại cây trồng đáp ứng được yêu cầu chống hạn, hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương

Vào mùa khô, vùng Bảy Núi thường thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân (ND). Do vậy, việc lựa chọn cây trồng thích hợp để canh tác trong mùa khô luôn được bà con chú trọng để cải thiện thu nhập.

Mừng vì mưa trái mùa

Do đặc thù thiếu nước tưới mùa khô, nhiều ND canh tác ruộng trên ở vùng Bảy Núi thường có tâm lý trông chờ mùa mưa để xuống giống.

Những ND có điều kiện thì bỏ ra số tiền lớn để khoan giếng hoặc luân canh sang trồng các loại rau màu chịu hạn tốt như: đậu xanh, khoai mì, bắp, đậu bắp, đậu rồng…

Các loại cây này có ưu điểm là dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, nhu cầu sử dụng nước tưới ít, đặc biệt là chịu hạn tốt nên mỗi ngày chỉ cần tưới nước 1 lần là đủ, chi phí đầu tư thấp.

Ông Thạch Viên, ND xã An Hảo (Tịnh Biên) cho biết, mùa mưa ở vùng Bảy Núi bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 (âm lịch). Tuy nhiên, năm nay thời tiết có phần ưu ái cho bà con ND, ngay từ những ngày đầu năm đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa với lượng mưa lớn và kéo dài, giúp việc canh tác nông nghiệp dễ dàng hơn.

“Mấy ngày nay, trời mưa nên người dân ở đây phấn khởi. Rau màu, cây ăn trái được tưới mát nên sinh trưởng và phát triển tốt. Các kênh, mương nội đồng đều đầy nước nên có thể bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của xã đến đầu mùa mưa” - anh Thạch Viên phấn khởi.

Chỉ tay về hướng mương nước trước mảnh đất trồng mướp, ông Chau Nia (xã Châu Lăng, Tri Tôn) đang canh tác đất ở xã An Hảo cho biết, nhờ có mưa mà gia đình ông có đủ nước tưới cho 2 công mướp của gia đình. Hiện nay, cây đang phát triển tốt và đang ra bông, hứa hẹn sẽ có một vụ mùa bội thu.

Còn ông Sơn Nương (xã An Hảo) cho biết, thời điểm này thích hợp để xuống giống các loại cây ăn trái.

“Theo kinh nghiệm của ND nơi đây khoảng 1 tháng nữa là bắt đầu mùa mưa nên ND tập trung gieo trồng các loại cây ăn trái. Thời điểm này chăm sóc hơi cực, đến mùa mưa là cây đã bén rễ và phát triển tốt”- ông Nương chia sẻ.

Nên chuyển hướng cây ăn trái

Trong điều kiện khí hậu ngày càng bất thường như hiện nay, một trong những biện pháp hiệu quả là chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó tập trung các loại cây vừa đáp ứng được yêu cầu chống hạn, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, an toàn và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang, đối với các huyện có đặc thù đồi núi (Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn), việc lựa chọn cây trồng thích hợp có ý nghĩa quan trọng.

Với các vùng miền núi, cần tập trung phát triển những loại cây ăn trái lâu năm có bộ rễ ăn sâu và khả năng chống hạn tốt như: sầu riêng, bơ, các loại cây có múi như: cam, quýt, bưởi… Đây là những loại cây trồng đã phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, chứng tỏ được ưu thế phát triển tốt trên những vùng đồi núi khô cằn.

Đối với vùng triền núi và chân núi, cần ưu tiên phát triển các loại xoài. đối với các loại rau màu thì tùy điều kiện đất đai, điều kiện nước tưới mà lựa chọn những cây trồng thích hợp như: mướp, bí đao…

Ngoài lựa chọn cây trồng hợp lý thì việc chăm sóc các loại cây trồng trong thời điểm này cũng hết sức quan trọng. Theo đó, để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây trong thời điểm nắng nóng cũng như giúp cây thông thoáng, tăng khả năng quang hợp, nhà vườn nên cắt, tỉa những cành vô hiệu, cành bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh.

Bên cạnh đó, nhà vườn không nên xử lý ra hoa cho cây ăn trái ở những vùng đất mà điều kiện nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây trong giai đoạn đậu trái và trái phát triển.

Nguồn: http://baoangiang.com.vn