Hiệu quả từ xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn

Hiệu quả từ xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn
Những năm gần đây, việc xã hội hóa (XHH) xây dựng chợ nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, ...

... góp phần tăng cường cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thương mại - dịch vụ, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương từng bước phát triển...

Chợ trung tâm xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) được cải tạo nâng cấp từ năm 2010 theo hình thức XHH, các ki-ốt, nhà lồng có mái che lợp tôn, chợ có nhà vệ sinh sạch sẽ, hệ thống phòng cháy, chữa cháy bảo đảm… giúp cho việc giao thương mua bán của bà con trên địa bàn được thuận lợi, an toàn. Chị Trần Thị Trang, một chủ hộ kinh doanh nơi đây cho biết, từ khi chợ Quảng Tiến được nâng cấp, sửa chữa, bảo đảm điều kiện kinh doanh ổn định cho bà con thì các hộ tiểu thương đều tập trung buôn bán trong khuôn viên chợ, không còn tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ như trước nữa. Đây là điều mà những người bán hàng mong mỏi từ rất lâu khi có được gian hàng kiên cố trong chợ, không còn lo hư hỏng hàng hóa. Trước đây, khi còn là chợ tạm, chợ Quảng Tiến mỗi ngày chỉ họp 1 buổi và số hộ kinh doanh cũng chỉ khoảng 100 hộ, thì hiện nay đã họp cả ngày và số hộ kinh doanh cũng tăng lên khoảng 400 hộ.

An ninh trật tự Chợ trung tâm xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) được bảo đảm do làm tốt công tác quản lý.

An ninh trật tự Chợ trung tâm xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) được bảo đảm do làm tốt công tác quản lý.

Còn tại chợ trung tâm xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), sau khi được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới một số hạng mục công trình theo hình thức XHH (khoảng từ năm 2010 đến 2014), điều dễ nhận thấy là hầu hết các lối đi trong chợ đều thông thoáng, mặt nền chợ cao ráo, các quầy sạp, ki-ốt rộng rãi, sạch đẹp. Từng khu vực kinh doanh trong chợ được sắp xếp khoa học theo các loại mặt hàng, vừa bảo đảm tính mỹ quan, an toàn vệ sinh thực phẩm, lại vừa thuận tiện để xem và mua sắm. Việc kinh doanh ở đây khá tấp nập, mỗi ngày chợ trung tâm xã Krông Na có hàng nghìn lượt khách mua hàng. Đáp ứng nhu cầu mua sắm của bà con trong vùng, những năm gần đây, các tiểu thương cũng không ngừng mở rộng quy mô kinh doanh, hàng hóa nhập về ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại. Chị Lê Hoa ở thôn 2, xã Krông Na cho biết, trước đây, bà con trong xã muốn mua đồ điện tử, điện gia dụng như tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện… thì phải lên TP. Buôn Ma Thuột, thế nhưng nay chỉ cần ra chợ là có. Các mặt hàng ở đây rất đa dạng, đặc biệt là việc bảo hành, công tác chăm sóc khách hàng của chủ đại lý cũng bảo đảm và thuận lợi hơn.

Hay như chợ Ea Bar (huyện Buôn Đôn), từ năm 2013, một số hạng mục của chợ được xây dựng theo hình thức XHH thì việc quản lý cũng được chuyển từ Ban quản lý chợ (thuộc UBND xã Ea Bar) sang hình thức hợp tác xã (HTX) rất hiệu quả. Ban quản lý HTX thương mại chợ Ea Bar đã hoàn toàn chủ động trong việc bảo vệ, chỉnh trang, tu bổ cơ sở hạ tầng chợ, đáp ứng các nhu cầu của xã viên và tiểu thương buôn bán trong chợ. Bên cạnh đó, HTX còn tạo thêm công ăn việc làm mới cho xã viên, người lao động bằng việc tổ chức hoạt động dịch vụ trông giữ xe, lắp đặt lưới điện, nước, bảo vệ, bốc vác…, giúp tăng thêm thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng. Nhờ có sự quản lý chặt chẽ và thường xuyên của HTX nên hoạt động kinh doanh, mua bán tại chợ diễn ra rất an toàn, không xảy ra tình trạng mất trộm, mất cắp hay gây gổ đánh nhau gây mất trật tự, an toàn xã hội. Ông Nguyễn Hưng, cán bộ phụ trách xây dựng xã Ea Bar nhận định: Rõ ràng, việc xây dựng chợ nông thôn theo hình thức XHH đã đạt được những hiệu quả nhất định. Điều này không những giúp cho địa phương giải bài toán khó về nguồn kinh phí xây dựng, nhân lực, cách quản lý vận hành chợ… mà còn hỗ trợ cho xã thực hiện hoàn thành tiêu chí về chợ trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bà Phạm Thị Bích Nguyên, Phó trưởng Phòng Quản lý và Thương mại - Sở Công Thương cho biết, toàn tỉnh hiện có 148 chợ, gồm: 39 chợ thành thị và 109 chợ nông thôn. Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, có 15 chợ được xây mới, 9 chợ được nâng cấp sửa chữa, trong đó, chủ yếu là nguồn kinh phí từ dân doanh đóng góp, còn lại là một số nguồn khác như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… Theo bà Nguyên, việc kêu gọi các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng chợ được xem là cơ chế hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và nhân dân. Với việc chuyển đổi này, nhiều chợ ở khu vực nông thôn đã được xây mới, cải tạo kiên cố, khang trang, bảo đảm an ninh trật tự, cũng như chuyên nghiệp hơn trong công tác quản lý, vận hành và văn minh thương mại.

nguồn: Baodaklak.vn