Huyện điểm làm giao thông nông thôn

Năm 2012 và 2013, Thạch Hà liên tiếp được Bộ GTVT tặng cờ thi đua xuất sắc trong phong trào phát triển giao thông nông thôn (GTNT) và trở thành “mô hình điểm” của tỉnh. Biết tranh thủ tối đa mọi nguồn lực... là “bí quyết” giúp Thạch Hà gặt hái thành công.

Tranh thủ tối đa mọi nguồn lực…

Trên con đường bê tông phẳng lỳ, mặt đường rộng 8m, nền đường rộng 15m, nối QL 1A (đoạn qua phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) với các xã Thạch Tân - Thạch Xuân - Nam Hương, lên tỉnh lộ 21, giờ đây, ngày đêm rộn rịp người xe. Xe chở vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn gia súc… trong và ngoài tỉnh phục vụ các công trình, dự án, trang trại, cánh đồng mẫu lớn tại địa phương; chở hàng hóa nông sản của bà con trên địa bàn ra phố thị…

Huyện điểm làm giao thông nông thôn
Đường về trung tâm xã Thạch Tân

Nhưng để có được con đường rộng mở này là sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp không nhỏ của các hộ dân nơi tuyến đường đi qua. Chỉ riêng Thạch Tân, (3,78 km), người dân đã hiến đất, tự GPMB ước tính trị giá trên 11 tỷ đồng. Ông Trần Viết Hồng (xóm Đông Tân) là một điển hình. Để mở được tuyến đường rộng 15m như hôm nay, gia đình ông đã hiến 286 m2 đất, trị giá gần 800 triệu đồng. Và tính trong năm 2013, người dân toàn huyện đã hiến trên 87.500 m2 đất để làm đường GTNT theo tiêu chí NTM.

Theo UBND huyện, năm 2013, tổng công huy động làm GTNT toàn huyện đạt 173.000 ngày; giá trị thực hiện gần 245 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh gần 6 tỷ đồng (2,4%); ngân sách huyện trên 6,7 tỷ đồng (2,8%); ngân sách xã gần 10 tỷ đồng (4,1%); nhân dân đóng góp 66 tỷ đồng (26,9%); từ các nguồn dự án khác trên 156 tỷ đồng (63,9%).

Cách làm của “huyện điểm”

“Để phát triển được GTNT trong điều kiện còn nhiều khó khăn, chúng tôi luôn xem việc tuyên truyền, vận động để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là yếu tố quyết định của sự thành công. Cùng với đó là tổ chức quản lý và giám sát chặt chẽ quá trình thi công để nâng cao tuổi thọ, chất lượng công trình. Biết kết hợp các công trình, dự án đầu tư; công khai, minh bạch nguồn kinh phí hỗ trợ của các cấp, nguồn đóng góp từ nhân dân sẽ tạo được lòng tin, giảm chi phí đóng góp cho người dân trong phát triển GTNT…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - Nguyễn Quốc Hương cho biết. Cũng theo Phó Chủ tịch huyện, nếu các chương trình, dự án, hỗ trợ kinh phí của tỉnh, huyện là động lực thúc đẩy phát triển đường GTNT, thì sự huy động nội lực tại chỗ đóng vai trò quyết định thắng lợi của cả phong trào…

Huyện điểm làm giao thông nông thôn
"Đường lớn đã mở"

Không chỉ biết kết hợp, tranh thủ mọi nguồn lực, theo ông Phạm Thạch Linh, trước khi các xã triển khai thi công, phòng cử cán bộ xuống chọn tuyến, thống nhất và tổ chức khảo sát, lập hồ sơ thiết kế giúp xã. Công việc này giúp các xã giảm chi phí đáng kể trong khâu thiết kế. “Nếu theo thiết kế xây dựng cơ bản hiện nay, khảo sát, thiết kế 1 km đường hết 30-40 triệu đồng, thì phòng chỉ làm hết trên 3 triệu đồng…”, ông Linh nói.

Cách làm hay, biết khai thác, kết hợp, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực đã giúp Thạch Hà phát triển nhanh, vững chắc trong làm GTNT. Đây là tiền đề để các địa phương trong huyện sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.

Theo baohatinh.vn