Hà Tĩnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học.

Hà Tĩnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học.
Những năm trở lại đây, ngành khoa học, công nghệ (KHCN) tỉnh Hà Tĩnh đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, bảo tồn các loại thuốc quý... Năm 2017, tỉnh sẽ dành hơn 27 tỷ đồng nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan, giai đoạn 2018 - 2020 gần 83 tỷ đồng.
 

Nhiều ứng dụng đi vào thực tế

Chia sẻ về một số kết quả ban đầu trong ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Hà Tĩnh Đỗ Khoa Văn cho biết, đến nay, một số ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh đã được nghiên cứu thành công và áp dụng vào thực tế như: Nghiên cứu vaccine, sản xuất giống cây bằng công nghệ lai tạo, sản xuất phân hữu cơ vi sinh trong nông nghiệp, xử lý rác thải hữu cơ, xử lý môi trường trong chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ… Năm 2016, gần 300 tấn phân hữu cơ được đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN thuộc Sở KHCN tỉnh đã thử nghiệm sử dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại nhằm xử lý chất thải triệt để. Ứng dụng đã giúp cho nông dân giảm công việc vệ sinh chuồng trại hàng ngày, giảm chi phí phòng trừ bệnh.


Gian hàng giới thiệu sản phẩm KHCN tỉnh Hà Tĩnh tại Hội chợ Sở hữu trí tuệ năm 2016 do Cục Sở hữu Trí tuệ Lào tổ chức

Đáng chú ý, những nhiệm vụ nghiên cứu KHCN liên quan đến công nghệ sinh học có tính ứng dụng cao. Theo Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Đức Quang, có trên 90% kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ sinh học được ứng dụng vào thực tiễn, nổi bật như: Nghiên cứu sản xuất thành công viên ngậm ho hoàn toàn từ thảo dược có sẵn ở Hà Tĩnh; công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học giúp rút ngắn thời gian xử lý nguyên liệu nuôi trồng nấm, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong khâu sản xuất giống cây trồng đã tạo ra bước chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu mùa vụ, diện tích lúa trà xuân muộn tăng lên 300% từ năm 2005. Việc lai tạo thành công những giống chất lượng cao cũng đã góp phần thiết thực nâng cao năng suất, hiệu quả ngành chăn nuôi của địa phương.

Nhiều ứng dụng công nghệ sinh học đã được áp dụng để nghiên cứu chữa bệnh cho người. Như, ứng dụng công nghệ sinh học được sử dụng trong chẩn đoán bệnh Melioidosis góp phần giúp giảm thiểu số người mắc bệnh và tử vong. Bên cạnh đó, ứng dụng sinh học còn được áp dụng vào nghiên cứu phát triển và bảo tồn các cây thuốc quý cung cấp nguyên liệu chữa bệnh như mộc hoa trắng, sâm đại hành, bồ công anh... Gần đây, Dự án Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nấm linh chi công nghệ cao đã mang lại hiệu quả cao cho sản phẩm linh chi của địa phương.

Là đơn vị có nhiều nghiên cứu ứng dụng liên quan đến ứng dụng sinh học, thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Tĩnh đã ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô tế bào để sản xuất số lượng lớn các loại giống cây trồng sạch bệnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu thị trường. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, Trung tâm còn chuyển giao những ứng dụng công nghệ sinh học cho tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Cao Bằng, Vĩnh Phúc...

Tiếp tục tháo gỡ

 Các ngành, các cấp cần tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kêu gọi các nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ sinh học, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong kiểm soát dịch bệnh thủy sản và các dư lượng chất độc hại... Qua đó, có thêm nhiều đề án, chương trình đạt hiệu quả, ứng dụng thiết thực vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Tĩnh Phan Trọng Bình

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng và các mô hình khuyến nông, khuyến ngư còn dừng ở mức thử nghiệm, trình diễn, chậm nhân rộng ra thị trường; các nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học chưa thật sự gắn kết với yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh. Đại diện Sở KHCN tỉnh Hà Tĩnh Dương Chiến thẳng thắn cho biết, ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa tạo ra những sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế. Công nghệ sinh học được ứng dụng chủ yếu hiện tại vẫn là công nghệ sinh học truyền thống. Mặt khác, chưa có sự nối kết bền vững giữa cơ quan nghiên cứu về công nghệ sinh học với các nhà máy, cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh những hạn chế trên, theo Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Nguyễn Đức Quang, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực công nghệ sinh học còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học đa số đều lạc hậu, phân tán ở nhiều đơn vị. Thiếu thông tin, thiếu sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp... là những khó khăn cần sớm được tháo gỡ.

Giải quyết những khó khăn trên, thời gian tới tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu về công nghệ sinh học. Theo đó, tỉnh sẽ dành kinh phí thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan trong năm 2017 hơn 27 tỷ đồng, giai đoạn 2018 - 2020 gần 83 tỷ đồng. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển các vùng chuyên canh có ứng dụng KHCN sản xuất nông sản, chăn nuôi, thủy hải sản theo hướng tập trung, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực KHCN công nghệ sinh học để tạo bước nhảy về công nghệ. Đồng thời, kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn.

Theo Thanh Bình/daibieunhandan.vn