Phát triển kinh tế tập thể, tạo động lực trong sản xuất, kinh doanh ở Thạch Hà

Phát triển kinh tế tập thể, tạo động lực trong sản xuất, kinh doanh ở Thạch Hà
Thời gian qua, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) luôn quan tâm chăm lo và xem kinh tế tập thể (KTTT) là động lực, đầu kéo, là “bà đỡ” để phát triển sản xuất.

Phát triển kinh tế tập thể, tạo động lực trong sản xuất, kinh doanh ở Thạch Hà

HTX chợ Thạch Văn được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao hiệu quả sử
dụng mặt bằng, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, đảm bảo an toàn cháy nổ và vệ sinh môi trường...

Trước đây, nhiều hộ dân ở thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn vẫn lấy chăn nuôi làm căn bản để nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm. Nhưng do tư duy hạn chế, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự phát nên hiệu quả không cao. Đặc biệt, những năm gần đây, thị trường tiêu thụ, dịch bệnh và nhiều khó khăn khác đã tạo ra áp lực cho người chăn nuôi địa phương.

Để giúp dân trụ vững trước các biến động, Hội Phụ nữ xã Thạch Văn đã đứng ra thành lập THT chăn nuôi Bắc Văn, giúp 13 thành viên tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong làm ăn. Sau 4 năm đi vào hoạt động, THT được xem là địa chỉ hoạt động hiệu quả nhất trong số 4 HTX và 9 THT trên địa bàn.

Ngoài trâu bò, bình quân mỗi thành viên nuôi khoảng 60-70 con lợn/năm, 500-1.500 con gà, vịt/lứa. Từ chăn nuôi, các thành viên trong THT đã có mức thu nhập từ 60-80 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ thu nhập lên tới 100-200 triệu đồng”.

Phát triển kinh tế tập thể, tạo động lực trong sản xuất, kinh doanh ở Thạch Hà

Hầu hết, các hộ sản xuất rau củ quả ở Tượng Sơn đều đã tham gia các THT để tạo ra các vùng chuyên canh lớn, đồng nhất về giống, quy trình chăm sóc và dễ phòng trừ sâu bệnh, tìm kiếm đầu ra (Ảnh: Vườn hộ ông Dương Kim Hoàng ở thôn Hà Thanh)

Những năm gần đây, xã Tượng Sơn được xem là đơn vị dẫn đầu toàn huyện Thạch Hà trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là trong sản xuất rau, củ, quả, chăn nuôi. Hiện nay, toàn xã có 5 HTX, 23 THT, trên 100 mô hình kinh tế lớn nhỏ hoạt động hiệu quả. Việc phát triển các mô hình KTTT đã được thực hiện song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng quỹ đất trước đây làm không hiệu quả và hình thành các vùng chuyên canh...

Ông Dương Kim Huy - Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết: “Chúng tôi luôn động viên, khuyến khích nhân dân tham gia KTTT. Ở đó, các thành viên được tham gia bàn bạc mua các loại giống, vật tư đầu vào, thống nhất phương thức sản xuất, tìm được “tiếng nói chung” trong tất cả các vấn đề và quan trọng nhất là giúp tìm đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, đã góp phần giúp địa phương khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh và tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích lên 5-7 lần”.

Phát triển kinh tế tập thể, tạo động lực trong sản xuất, kinh doanh ở Thạch Hà

Kẹo cu đơ Phong Nga (Thạch Đài) trở thành sản phẩm tiêu biểu trong chương trình
mỗi xã một sản phẩm

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thạch Hà có 175 HTX và 401 THT, có từ 8-20 thành viên/đơn vị. Tuy còn khiêm tốn nhưng doanh thu, lợi nhuận đang ngày một được cải thiện và hiện đã có tổng mức doanh thu gần 1 tỷ đồng/đơn vị/năm, lợi nhuận trước thuế đạt 589 triệu đồng/năm. Trong số này có thể kể đến HTX Đại Lộc và THT sản xuất rau an toàn (Thạch Liên), HTX dịch vụ trồng nấm (Thạch Tân), HTX sản xuất rau củ quả Sâm Lộc (Tượng Sơn), HTX Quyết Tiến (Thạch Lưu)...

Ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà thông tin thêm: "Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung những năm gần đây KTTT ở Thạch Hà đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng và có nhiều đóng góp tích cực trong phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Và đây cũng là nhân tố quan trọng để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tăng hiệu quả sử dụng tư liệu sản xuất.

Trong thời gian tới, Thạch Hà sẽ tiếp tục khuyến khích, động viên nhân dân tham gia phát triển KTTT, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi và tiến hành rà soát, kiện toàn, điều chỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn".

Theo Tiến Phúc/baohatinh.vn