Chăm sóc bưởi Diễn thời kỳ phát triển quả non

Chăm sóc bưởi Diễn thời kỳ phát triển quả non
Bưởi Diễn hiện đang ở giai đoạn phát triển quả non, thời điểm quan trọng để bảo đảm năng suất và chất lượng quả.
buoi_non.jpg
Chăm sóc bưởi thời kỳ quả non giúp đảm bảo năng suất và chất lượng quả.

Tỉa bớt quả

Quả bưởi sau khi đậu được khoảng 2 - 3 tuần là thời điểm rụng quả sinh lý;  cây chăm sóc kém có thể rụng quả hàng loạt. Vì vậy, cần tiến hành tỉa bớt quả trên chùm sai, tỉa các quả nhỏ, quả vẹo... để tạo điều kiện cho quả chính phát triển.

Tùy tình hình phát triển của cây và tuổi cây mà số quả để lại trên cây khác nhau.

Tỉa quả cần tiến hành 2 lần:

+ Tỉa quả lần 1: Sau khi đậu quả 2 tuần.

+ Tỉa quả lần 2: Tiến hành cách lần 1 khoảng 2 tuần.

Chăm sóc và bón phân

Sau khi tiến hành tỉa quả lần 1 khoảng 1 tuần, tiến hành bổ sung dinh dưỡng cho cây. 

Sau khi thu hoạch bón nhiều phân, cây sinh trưởng phát triển tốt, lá xanh tốt thì bón ít; ngược lại, cây còi cọc, lá không xanh thì bón nhiều.

Lượng phân bón cho cây giai đoạn mang quả non như sau:

+ Đối với cây 5 năm tuổi: Bón 0,1kg phân lân + 0,1kg kali + 0,1kg đạm urê/cây; hoặc bón 0,5 kg NPK 16:6:16 (hoặc 5:10:3)/cây.

+ Đối với cây 6 - 10 năm tuổi: Bón 0,2 - 0,3kg đạm urê + 0,3-0,4 kg kali/cây; Hoặc bón 01 kg NPK 16:6:16 (hoặc 5:10:3)/cây.

Chú ý: Khi bón phân tuyệt đối không được xới xáo, cuốc trong tán cây để tránh gây tổn thương bộ rễ.  Không  bón quá nhiều phân đạm, cây  sinh trưởng và hình thành tầng rời gây rụng quả non.

Sử dụng phân bón qua lá

Dùng phân bón qua lá như Đầu trâu 902 hoặc Atonic…, để  cung cấp bổ sung một số nguyên tố đa vi lượng làm giảm rụng quả non, kích thích quả mau lớn.

Chế độ tưới nước

Từ tháng 3-5 (quả nhỏ): Tưới ẩm nhằm hạn chế rụng quả (độ ẩm đạt 70 - 80 %).

Thời kỳ này nếu mưa nhiều cần phải tiêu thoát nước kịp thời, không để ngập úng.

Phòng trừ sâu bệnh

Sâu vẽ bùa: Sử dụng thuốc Polytrin 440 EC, pha 25 ml/10 lít nước hoặc Selecron 500 EC pha 25 ml/10 lít nước, phun phòng 1 - 2 lần trong mỗi đợt cây có lộc non, quả non và hiệu quả nhất lúc lộc non dài từ 1-2 cm, quả non có đường kính 2-3 cm, phun ướt hết mặt lá non, quả non.

Rệp sáp: Gây hại bằng cách chích hút lá, cành, quả, cuống quả. Dùng Sherpa 25EC hoặc Trebon 10 EC pha với nồng độ 0,1-0,2%.

Bệnh muội đen thân, cành, lá, quả:  Thời gian xuất hiện từ tháng 2-10. Phun Boócđô 1% hoặc Sun-phát đồng 1% kết hợp với cắt tỉa cho thưa tán lá, cành.

Bệnh loét, sẹo: Bệnh tấn công từ lúc quả còn nhỏ đến khi quả lớn, bệnh nặng làm rụng quả. Phòng trừ bằng cách dùng Boóc-đô 1% (15g sunphat đồng + 20g vôi tôi/20 lít nước) hoặc Kocide 53.8 DF.

Bệnh mốc sương: Dùng các loại thuốc đặc hiệu như: Ridomin gold 72WP; Aliette 80WG, phun lúc quả có kích thước bằng đầu ngón tay.

Bệnh chảy gôm: Thời gian gây hại vào các tháng 4 - 5 - 9 - 10. Phun Aliette 0,3% lên thân, cành tuần 1 lần cho tới khi khỏi. 

Ngoài ra, có thể dùng Basudin 10G để trị kiến, mối, bọ cánh cứng: Trộn tỷ lệ 1 thuốc + 10 cát rắc xung quanh gốc cây.

Sâu đục thân, cành: Quét vôi vào gốc cây và thân cây, dùng xilanh bơm thuốc trực tiếp vào lỗ sâu đục bằng thuốc Sherpa 25EC

Nhện đỏ: Khi quả có kích thước 2 - 3cm, cần bắt buộc phun phòng trừ nhện đỏ gây hại. Chúng không những làm rụng quả mà còn gây nên hiện tượng nám quả ảnh hưởng đến màu sắc, hình dạng và độ lớn quả sau này. Sử dụng thuốc Bnongduyen 2.0EC; Alfamite, Ortus,...

Chú ý: Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì. Thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện sâu bệnh phòng trừ kịp thời. Sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc hoá học ít độc, không dùng thuốc cấm sử dụng.

 Nguyễn Thị Thanh Hiếu/kinhtenongthon.com.vn