Cần chấm dứt sự mất cân đối trong cơ cấu sản xuất, sử dụng phân bón

Theo Bộ NNPTNT, nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại. Tính trên đơn vị diện tích thì lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1.000kg/ha đất sản xuất nông nghiệp (NN), hiệu quả sử dụng phân bón nói chung chỉ đạt 45-50%.
PBHC đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ độ phì nhiêu cũng như sức sản xuất của đất, góp phần quan trọng cho việc phát triển NN ổn định và theo hướng canh tác hữu cơ. Ảnh: PV

Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài đã gây ô nhiễm cho môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản. Ngành NN đang đứng trước bài toán phát triển phân bón hữu cơ (PBHC) để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn sản phẩm.

Phân bón vô cơ làm bạc màu đất, ô nhiễm môi trường

Do những đặc điểm như gọn nhẹ, tác động nhanh mà phân bón vô cơ (PBVC) được người nông dân ưa chuộng sử dụng trên đồng ruộng bất chấp những tác hại mà nó mang đến. Theo các số liệu của FAO, việc sử dụng phân bón mất cân đối, lạm dụng PBVC đã dẫn tới hiện tượng đất NN đang suy giảm độ phì nhiêu, một số diện tích đã bị thoái hoá nghiêm trọng do xói mòn, rửa trôi, đá ong hoá, chua mặn hoá, trong đó diện tích thoái hoá nặng lên tới 2 triệu hécta. Bên cạnh những tác động xấu đến môi trường, việc lạm dụng PBVC cũng dẫn tới nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm như dư lượng kim loại nặng và nitrat trong sản phẩm NN. Mặc dù sử dụng lượng PBVC khổng lồ mỗi năm, Việt Nam lại nằm trong nhóm các quốc gia có hiệu suất sử dụng phân bón thấp nhất trên thế giới. Chưa đến 50% lượng phân bón sử dụng được cây trồng hấp, phần còn lại thất thoát ra môi trường, ngấm vào đất, vào nước và tồn dư trên bề mặt của nông sản.

Trái lại, PBHC ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng còn có tác dụng cải thiện chế độ mùn, điều hoà dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Tuy nhiên, PBHC cần được sản xuất theo hướng công nghiệp để phát huy hiệu quả và đảm bảo các tiêu chí vệ sinh. Vì vậy, phát triển sản xuất, sử dụng PBHC ngoài việc thúc đẩy sản xuất NN hữu cơ, còn có thể khai thác tiềm năng rất lớn về tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời cải thiện môi trường đất. Số liệu thống kê cho thấy, đến tháng 12.2017, số lượng sản phẩm PBHC sản xuất công nghiệp đã đăng ký trong giấy phép sản xuất phân bón là 713 sản phẩm, chiếm 5% so với tổng số sản phẩm phân bón đã đăng ký trong giấy phép sản xuất hoặc đã công bố hợp quy (14.318 sản phẩm), còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ (13.423 sản phẩm) và 1,3% là phân bón sinh học (182 sản phẩm). Như vậy số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, nhập khẩu, sử dụng trong nước (đã công bố hợp quy) thuộc loại phân vô cơ đã nhiều hơn phân hữu cơ tới hơn 19 lần.

Giải pháp nào để phát triển sản xuất PBHC?

Với những ưu điểm vượt trội của PBHC, Bộ NNPTNT đã đặt mục tiêu và nhiều giải pháp để phát triển sản xuất và sử dụng PBHC cả về lượng và chất đảm bảo hiệu quả, bền vững góp phần xây dựng nền NN theo hướng nâng cao giá trị nông sản và bảo vệ môi trường. Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú để sản xuất PBHC. Bộ NNPTNT đã đặt mục tiêu sử dụng tối đa phế phụ phẩm NN để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nội tiêu; tăng tỉ trọng sử dụng PBHC ít nhất là trên 3 triệu tấn/năm; chọn lọc, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất PBHC tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tế về nhân lực, trang thiết bị và nguyên liệu sẵn có của Việt Nam; tăng tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ từ 5% hiện nay lên 10%; khuyến khích, vận động để đảm bảo ít nhất 50% trong tổng số các đơn vị sản xuất phân bón cả nước cam kết đầu tư phát triển sản xuất phân bón hữu cơ đặc biệt là các đơn vị sản xuất phân bón vô cơ lớn như TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Cty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau, Cty Cổ phần phân bón Bình Điền…

Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay trên toàn quốc có 180 cơ sở đã được cấp giấy phép sản xuất PBHC, chiếm 24,5% so với tổng số giấy phép sản xuất phân bón đã được cấp bởi Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương (735 cơ sở). Tổng công suất của các cơ sở sản xuất PBHC là 2,5 triệu tấn/năm, chiếm 8,5% so với tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong nước (29,5 triệu tấn/năm) và bằng gần 1/10 so với công suất sản xuất PBVC (26,7 triệu tấn/năm). Như đã nói ở trên, ở nước ta có điều kiện rất thuận lợi để sản xuất PBHC, PBHC cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ độ phì nhiêu góp phần cho việc phát triển NN ổn định và theo hướng canh tác hữu cơ.

3 năm gần đây, lượng PBHC nhập khẩu tăng đáng kể. Năm 2017: Khoảng 220.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2016 (xấp xỉ 102.000 tấn). Trong số đó, khối lượng NK phân bón vi sinh vật năm 2017 (617 tấn) tăng gấp 6 lần so với năm 2015 (126 tấn) và tăng 2 lần so với 2016 (319 tấn). Khối lượng NK PBHC sinh học năm 2017 xấp xỉ 117.000 tấn tăng 8 lần so với năm 2016 (xấp xỉ 15.000 tấn). Đặc biệt, năm 2017 Việt Nam đã bắt đầu NK phân bón hữu cơ cải tạo đất với khối lượng 105 tấn... L.V

Theo Phong Nguyên/laodong.vn