Việc xây dựng, trình ban hành Luật Trồng trọt là hết sức cần thiết

Việc xây dựng, trình ban hành Luật Trồng trọt là hết sức cần thiết
Dự án Luật Trồng trọt được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào chiều 21/5.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Trồng trọt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp, thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội, đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Năm 2017, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp đạt 36,2 tỷ USD, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 18,96 tỷ USD, có 7 trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỷ USD) của ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt.

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, hoạt động trồng trọt ở nước ta đã xuất hiện những bất cập giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế và hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế, đồng thời nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển trồng trọt, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, việc xây dựng, trình ban hành Luật Trồng trọt là hết sức cần thiết.

Mục đích xây dựng và ban hành Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự thảo Luật gồm 7 chương và 82 điều. Luật này quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý Nhà nước về trồng trọt.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bày tỏ cơ bản tán thành các nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật; cho rằng ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết 12 năm thi hành Pháp lệnh Giống cây trồng, tổng kết việc quản lý hoạt động phân bón, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới và pháp luật quốc tế về giống cây trồng, về quản lý vật tư, canh tác nông nghiệp. Nội dung dự thảo Luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý Nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế về trồng trọt. Hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát một số nội dung trong Dự thảo Luật chưa thực sự phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Hải quan, Luật Dự trữ Quốc gia… Quy định rõ hơn lộ trình xây dựng, ban hành đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng phân bón; việc bảo tồn, khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống cây trồng, đặc biệt là nguồn gen quý hiếm, bản địa đem lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trồng trọt; cụ thể hóa tối đa các điều, khoản còn quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT hoặc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành; rà soát, chỉnh sửa một số quy định trong dự thảo Luật cho phù hợp với thực tế để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật và khả thi khi Luật được ban hành./.

Theo Nguyễn Hoàng/baochinhphu.vn