Xây dựng chuỗi giá trị gà ta Nông Sơn

Cùng với liên kết thị trường, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu thụ, mô hình nhóm chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Nông Sơn đang mở ra cơ hội phát triển chăn nuôi bền vững cho nông dân.
Tham gia tổ hợp tác chăn nuôi gà, các hộ phải áp dụng đúng quy trình chuẩn đề đảm bảo chất lượng gà thương phẩm. Ảnh: P.V

Liên kết sản xuất

Năm 2016, ông Lê Xuân Diệu tham gia mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi gà của thôn Xuân Hòa 1 (xã Phước Ninh). Từ lứa đầu 200 con giống, đến nay ông đã nhân lên được gần 2.000 con. Với giá xuất bán 95 nghìn đồng/kg, mỗi năm ông thu lãi gần 30 triệu đồng. “Khi tham gia mô hình này, ngoài việc được tập huấn, tư vấn về kỹ thuật, chúng tôi còn có cơ hội được trao đổi, tiếp nhận thông tin thị trường, giá cả cũng như tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả ở những địa phương khác. Ngoài ra cũng thực hiện liên kết chăn nuôi gà giữa các nhóm hộ với nhau để có số lượng lớn, từ đó thường xuyên cung cấp theo hợp đồng và phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ tại chỗ của địa phương” - ông Lê Xuân Diệu chia sẻ.

Chị Nguyễn Lê Hồng Ân (xã Quế Lộc) cũng chăn nuôi gà thương phẩm gần 10 năm nay và đến năm 2016, chị tham gia mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi gà xã Quế Lộc. Mỗi năm nuôi từ 5.000 đến 6.000 con gà. Chăn nuôi gà tại địa phương thuận lợi là nhờ nguồn giống có sẵn, chất lượng thịt gà thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, thức ăn tận dụng từ các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, tận dụng được nguồn lao động của gia đình. Nếu như việc liên kết hiện nay bền vững và phát triển hơn thì đầu ra cho sản phẩm gà ta Nông Sơn sẽ rất ổn định, cho hiệu quả kinh tế rất cao” - chị Ân nói.

Theo ông Trần Văn Lưu, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn, để đảm bảo đầu ra sản phẩm gà ta Nông Sơn, chất lượng gà phải đảm bảo giống gà ta tại địa phương 100%. Cụ thể, trọng lượng mỗi con đạt khoảng 1,2 - 1,5kg, thịt dai, chân nhỏ, có thời gian nuôi hơn 4 tháng tuổi. Yêu cầu bắt buộc là nửa chu kỳ sau của lứa nuôi theo phương pháp thả vườn, không sử dụng bột công nghiệp. Khi các tổ hợp tác này liên kết chặt chẽ với nhau, sản phẩm gà sẽ được bán với số lượng lớn, chiếm hữu các đầu ra cố định như nhà hàng, quán ăn, dịch vụ nấu nướng… trên địa bàn huyện Nông Sơn.

Nhân rộng mô hình

Để hình thành chuỗi giá trị gà ta Nông Sơn, thời gian qua, Chương trình phát triển vùng huyện Nông Sơn đã thành lập 6 tổ hợp tác chăn nuôi gà ở các xã Phước Ninh, Quế Lâm, Quế Ninh, Quế Trung, Quế Lộc và Sơn Viên. Mỗi tổ hợp tác được hỗ trợ 1 máy ấp trứng, được tập huấn đào tạo nghề, kỹ thuật chế biến và bảo quản sản phẩm; nâng cao kỹ năng tìm kiếm, tiếp cận thị trường và tạo thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời chương trình cũng xây dựng quy trình chuẩn chăn nuôi, phát tờ rơi quảng bá sản phẩm và tạo điều kiện để các tổ hợp tác tham gia hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm gà ta Nông Sơn. Ngoài ra, còn thành lập tổ hợp tác trồng bắp để chế biến, phối trộn thức ăn cung ứng cho các nhóm chăn nuôi gà.

Vừa qua, tại hội thảo “Liên kết các tác nhân liên quan để đẩy mạnh chuỗi giá trị gà ta” được tổ chức ở huyện Nông Sơn, ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá cao vai trò của ngành khuyến nông trong việc tìm kiếm thị trường, kết nối giữa người sản xuất và người tiêu thụ đối với sản phẩm gà. “Hộ, nhóm hộ chăn nuôi gà cần nuôi theo hướng an toàn, có kiểm soát. Chăn nuôi đáp ứng các yêu cầu của thị trường để thuận lợi trong việc ký kết bao tiêu sản phẩm. Đồng thời cũng cần có sự liên kết thường xuyên giữa các nhóm, cử đại diện của các nhóm chăn nuôi gà ký kết liên kết với các đơn vị tiêu thụ. Qua đó, xây dựng kế hoạch chăn nuôi gà để điều tiết, phân phối lượng gà ở các nhóm, tổ đảm bảo theo yêu cầu của người tiêu thụ” - ông Nghi cho biết.

Đến nay, đã có 2 hợp đồng được ký kết giữa các tổ hợp tác chăn nuôi gà với đơn vị tiêu thụ. Đây là đòn bẩy, tạo mối liên kết giữa các nhóm chăn nuôi gà trong việc tiêu thụ sản phẩm theo hướng tiếp cận thị trường tập thể, tạo ra được sản phẩm mang tính hàng hóa, cung ứng số lượng lớn gà thương phẩm cho thị trường trong và ngoài huyện Nông Sơn. “Trong thời gian đến, huyện Nông Sơn sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình này theo nhu cầu của thị trường. Áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, sàng lọc, phục tráng giống gà ta địa phương để nhân giống nhằm đảm bảo có nguồn giống tốt cung ứng ra thị trường và đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm gà ta Nông Sơn” - ông Lưu cho biết thêm.

PHAN VINH - MINH THÔNG/baoquangnam.vn