Dâu tây ngoại với quy trình hữu cơ ở Đà Lạt

Dạy học thêm nhiều năm mới tích lũy một phần vốn đầu tư trồng dâu tây nhà kính ngoài vườn, kỹ sư trẻ Đặng Trung Tuyên ở xã Xuân Thọ, Đà Lạt bước đầu khép kín quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, thu hút khách du lịch tham quan trải nghiệm và khách nhà nông địa phương trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau chuyển đổi luân canh cây trồng, từ đó tăng giá trị kinh tế cao hơn trước gấp nhiều lần.
Kỹ sư trẻ Đặng Trung Tuyên trong vườn dâu tây GAUBU ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt. Ảnh: V.Việt
Tưới phân nhỏ giọt chế biến từ vỏ trứng gà, sữa tươi…
 
Sau dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, theo giới thiệu của anh Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, Đà Lạt, phóng viên tìm đến vườn dâu tây GAUBU sản xuất theo hướng hữu cơ, tọa lạc bên đường nhựa lớn thuộc địa phận thôn Lộc Quý của xã này. Người chủ vườn đón phóng viên đã hẹn là chàng trai có tên Đặng Trung Tuyên, 27 tuổi - một kỹ sư hóa học trở về nơi sinh ra và lớn lên để xây dựng thương hiệu dâu GAUBU của mình. Đưa thẳng phóng viên xuống vườn dâu theo cung đường bê tông mới tinh, chiều rộng khoảng 3 m, cách mặt đường nhựa khoảng 100 m, Tuyên nói: “Đường bê tông này đầu tư khoảng 45 triệu đồng, xe du lịch 9 chỗ ngồi khá thuận lợi khi đưa khách xuống tận vườn tham quan. Trong thời gian 1 tuần trước và sau ngày 30/4, mỗi ngày vườn dâu GAUBU tiếp đón từ 80-100 khách tham quan. Lượng dâu tây thu hoạch bán ra 30-40 kg/ngày…”. Theo đó, vì lần đầu tiên vườn dâu GAUBU khai trương hoạt động du lịch vườn, nên số lượng khách tiếp đón vừa nêu cũng đã đạt yêu cầu đặt ra. Tính đến giữa tháng 5/2018, vườn dâu GAUBU đã bước vào thời kỳ kinh doanh khoảng 70 ngày với toàn bộ diện tích nhà kính 560 m2. Trước đó là hơn 90 ngày thực hành các công đoạn xuống giống dâu Newzealand, trồng, chăm sóc, nhân giống và thu hoạch.
 
Bước vào trong vườn dâu GAUBU, ghi nhận dây chuyền thiết bị tưới nước nhỏ giọt, quạt điều hòa nhiệt độ vận hành đồng bộ, khép kín, lắp đặt theo từng khu vực chức năng trong nhà kính bằng khung sắt, mái lợp ni lông theo hình vòng cung, vách thưng bằng lưới đón gió thông thoáng. Thống kê các nguồn vốn đầu tư xây dựng vườn dâu GAUBU của chủ nhân Đặng Trung Tuyên gồm: 25 triệu đồng san gạt mặt bằng, mua đất về đổ đắp cao lên một lớp khoảng 1m so với lớp đất cũ; 100 triệu đồng xây dựng hoàn thành nhà kính; 250 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước kết hợp với bón phân nhỏ giọt và hệ thống quạt gió; 25 triệu đồng nguyên liệu giá thể xơ dừa, phân bò, phân dê; 20 triệu đồng cây giống dâu Newzealand cấy mô; 30 triệu đồng lưới đen, màng phủ nông nghiệp, máng nhựa đựng giá thể; 50 triệu đồng khoan giếng sâu 30 m… Tổng cộng hơn 500 triệu đồng nguồn vốn để hoàn thành đầu tư và đưa vào sản xuất do chủ nhân Đặng Trung Tuyên tích lũy sau nhiều năm dạy kèm 3 môn Toán, Lý, Hóa ngoài giờ cho học sinh cấp trung học phổ thông ở khu vực các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành, các Phường 10, 11… thuộc thành phố Đà Lạt.  
 
Dâu tây Đà Lạt, tiêu chuẩn GlobalGAP
 
Bên cạnh giá thể tự phối trộn, chủ nhân Đặng Trung Tuyên còn tự chế biến phân hữu cơ tại chỗ bằng nguyên liệu vỏ trứng gà xay nhỏ và sữa bò tươi loại 2, loại 3 ủ với men sinh học khoảng 1 tuần đem ra hòa tan với nước bơm lên từ giếng ngầm, phân phối tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây dâu tây. Sau chừng 30 ngày chăm sóc, mỗi cây giống dâu sẽ phát triển thành từng bụi cây, trong đó có cây ngó (cây con mọc ra từ gốc cây mẹ) sẽ được tách ra để nhân rộng trồng dặm thêm cho đảm bảo mật độ quy định. Cứ vậy, theo chu kỳ khoảng 15 tháng sinh trưởng và liên tục cho trái thu hoạch vừa xong sẽ tiến hành xuống giống trồng lứa cây mới. Kết quả ban đầu ở 560 m2 diện tích vườn dâu GAUBU nhà kính cho thấy: Sau 3 tháng xuống giống trồng, chia đều trung bình mỗi ngày thu hoạch 5 kg dâu, nhân với giá bán tại vườn 240.000 đồng/kg, thành tiền 1,24 triệu đồng. Tiếp tục nhân với 30 ngày đạt doanh thu 37,2 triệu đồng. Mỗi năm thu hoạch 10 tháng với tổng doanh thu 372 triệu đồng. Như vậy, tính sơ bộ mỗi năm trừ mọi chi phí đầu tư, công lao động khoảng 100 triệu đồng, còn lại thực lãi 272 triệu đồng/560 m2 vườn dâu tây GAUBU.  
 
Từ những kinh nghiệm trồng dâu tây theo hướng hữu cơ ‘đầu tay” thành công của mình, chủ nhân vườn dâu GAUBU chia sẻ 3 giai đoạn canh tác với 3 quy trình đúc kết hữu hiệu nhất. Cụ thể giai đoạn 20 ngày xuống giống cây con, hòa tan 200 lít nước với 120 g phân (70% hữu cơ, 30% vô cơ) tưới nhỏ giọt 3 lần/ngày, mỗi lần káo dài 2-3 phút. Giai đoạn ra hoa, đậu trái (từ 20-90 ngày), hòa tan 80% phân hữu cơ và 20% phân vô cơ bơm tưới nhỏ giọt 4 lần/ngày. Giai đoạn thu hoạch (từ 90 ngày trở đi), hòa tan 400 lít nước với 150 g phân (tỷ lệ  90% hữu cơ, 10% vô cơ), tưới nhỏ giọt 5 lần/ngày, mỗi lần tưới kéo dài từ 4-5 phút. Đáng nói ở cả 3 giai đoạn chăm sóc, vườn dâu tây GAUBU hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bởi vậy khi trái chín không cần phải có thời gian cách ly trước khi khách tham quan đến thu hái, ăn tươi tại chỗ. 
 
“Qua lấy mẫu đất, mẫu nước ở vườn dâu GAUBU tại thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt đưa đi phân tích đều đạt chất lượng sản xuất dâu tây theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Và với khí hậu ôn hòa của Đà Lạt thì trái dâu tây sản xuất luôn có hương vị thơm ngon, hình dáng bóng mượt, màu sắc đỏ tươi, mang lợi thế cạnh tranh so với dâu tây trồng ở các vùng đất khác. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2018, vườn dâu GAUBU tiếp tục mở rộng diện tích liên canh nhà kính theo hướng hữu cơ thêm 500 m2  nữa…”, chủ nhân trẻ Đặng Trung Tuyên cho biết.
 
VĂN VIỆT/baolamdong.vn