Ghi ở miền Tây xứ Nghệ

Những ngày qua, miền Tây xứ Nghệ gồm các huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn… căng mình chống chọi với bão lũ. Theo người dân nơi đây, cơn lũ năm nay nhanh, mạnh và bất ngờ hơn mọi năm. Chỉ chưa đầy 3 giờ, sau những trận mưa như trút, mọi tuyến đường, bản làng đều ngập nặng trong nước, đến nỗi ngày tựu trường nhưng hàng ngàn em học sinh nơi đây vẫn không thể tới lớp.
Mô hình chanh leo tại bản Yên Sơn, xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An.

Cũng  phải  nói  thêm  rằng,  cái nghèo của vùng đất này không phải do nhà nước không quan tâm, người dân thiếu cần cù mà bởi, với địa hình núi cao, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nên chỉ cần một trận “nổi giận” của thiên nhiên là mọi công sức của bà con bị cuốn bay.

Nhiều năm qua các thế hệ lãnh đạo tỉnh Nghệ An, ban ngành đã nêu ý chí quyết tâm của từng địa phương, sự nỗ lực của chính người dân vùng đất này ngày đêm nghĩ cách thay da đổi thịt cho đồng bào miền Tây xứ Nghệ. Và những nỗ lực ấy đã được đền đáp khi mà trên những mảnh đất trống đồi trọc ấy đã có nhiều mô hình kinh tế, nhiều công trình có giá trị, nhiều làng bản biết tận dụng thổ nhưỡng để phát triển kinh tế, nhiều đồng bào đã biết dựa vào thiên nhiên để làm giàu. 

Trong những năm gần đây, miền Tây xứ Nghệ được ưu tiên phát triển những điều kiện có thế mạnh để tận dụng tối đa lợi thế. Trước hết, phải kể đến những nỗ lực xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, sau hơn 7 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, miền Tây xứ Nghệ hôm nay đã thực sự khoác lên mình một diện mạo mới. Đường làng ngõ xóm khang trang, nhà cao tầng mọc lên nhiều.

Điều đặc biệt ở đây là người dân vừa phát triển kinh tế những vẫn luôn ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc. Từ định hướng của nhà nước, người dân tộc Thái tại một số bản đã biết tận dụng cảnh quan và những giá trị truyền thống của dân tộc Thái để phát triển hình thức du lịch cộng đồng (còn gọi là Homestay). Những điệu múa dân tộc truyền thống, những món ăn đặc sắc cùng với nhà sàn truyền thống đã tạo nên những dấu ấn riêng cho du khách khi ghé thăm.

Đặc biệt hơn, khi nói về mô hình làm thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây, không thể không nhắc đến cây chanh leo, loài cây được người dân nơi đây gọi với nhiều cái tên như “cây thoát nghèo” hay “cây đổi đời”. 

Năm đó, trong một lần thăm xã rẻo cao Tri Lễ, ông Trần Quốc Thành - Bíthư Huyện ủy Quế Phong lúc đó,  nói rằng, khí hậu ở đây khá giống Đà Lạt. Rồi đặt ra một câu hỏi, chẳng lẽ Đà Lạttrồng được nhiều loại hoa quả, mà Tri Lễ lại không trồng được loại cây nào?

Rồi Bí thư huyện Quế Phong đưa ra ý tưởng thử trồng loại cây chanh leo. Và cây chanh leo đã bén duyên với vùng đất này từ đó. Để rồi, đến hôm nay nó đã nhân rộng tới các bản người Mông như bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. 

Nói về cái duyên mang cây đổi đời lên  miền  biên  giới,  ông  Trần  Quốc Thành – nay là giám đốc Sở KHCN tỉnh Nghệ An cười vui: “Thực ra nó là cái duyên, bởi sau khi lên nhận công tác tại mảnh đất vùng biên này, trong một lần ghé thăm xã Tri Lễ, thấy người dân nơi đây có trồng cây chanh leo dại,cộng với khí hậu mát mẻ quanh năm, mình  liền  liên  hệ  với  một  doanh nghiệp chuyện về cây này, sau thời gian thử nghiệm đến nay đã thực sự thành công”.  

Với quyết tâm “biến” cây chanh leo thành loại cây xóa nghèo bền vững trên địa bàn biên giới xã Tri Lễ nói chung và huyện Quế Phong nói riêng, năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch  vùng  phát  triển  chanh  leo nguyên liệu trên diện tích 900ha ở địa bàn  3  xã  Tri  Lễ,  Nậm  Giải  và  Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong.

Dự kiến, khi triển khai đề án, vùng nguyên liệu chanh leo sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng gần 3.000 người dân địa phương. Và bây giờ, cây chanh leo không những là cây thoát nghèo mỗi riêng huyện Quế Phong mà đã lan rộng cả vùng miền Tây xứ Nghệ.

Những  năm  qua,  sự  đổi  thay  của miền Tây xứ Nghệ không chỉ dừng lại ở phát triển các mô hình kinh tế. Và để phục vụ tốt nhiệm vụ đó, tỉnh Nghệ An đã đầu tư một tuyến đường phía Tây với tổng mức đầu tư 2.127 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con các dân tộc thiểu số ở các huyện  biên  giới,  thiết  kế  theo  tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

Theo ông Nguyễn Hồng Kỳ- Giám đốc Sở GTVT Nghệ An: “Tuyến đường phía Tây Nghệ An sẽ trở thành Quốc lộ sau khi được Thủ tướng phê duyệt đề xuất của Bộ GTVT, hơn nữa sẽ kết nối với Tây Thanh Hóa và kéo dài sang tuyến Mường Xén -Ta Đo - Khe Kiền, trở thành các huyết mạch trục dọc, song song với các tuyến đường Hồ Chí  Minh  và  Quốc  lộ  1A,  rút  ngắn khoảng  cách  đi  lại  giữa  các  huyện miền Tây Nghệ An. Đây cũng là cơ hội để đồng bào miền Tây xứ Nghệ thay đổi cuộc sống”.

Cái lợi trước mắt khi có tuyến đường này hiện ra rất rõ, điển hình như người dân xã Mai Sơn, huyện Tương Dương khi chưa mở đường cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, hoàn toàn tự cung, tự cấp. Đường miền Tây xứ Nghệ ra đời đã vực dậy khí thế, tăng thêm quyết tâm cho người dân đầu tư, sản xuất, vươn lên cuộc sống đủ đầy, ấm no hơn. 

Và giờ đây, những nơi con đường đi qua, nhà cửa được xây mới, điện lưới đang kéo về, giao thông thuận tiện cho bà con đi lại, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Và điều quan trọng hơn, mong muốn từ lâu của bà con các dân tộc là nông sản làm ra không còn lo bị tư thương ép giá đã dần thành hiện thực. Thầy và trò các xã dọc tuyến đường có thể tới trường trên con  đường  mới  sạch  đẹp.  

Cô  giáo Nguyễn  Thị  Tám  –  giáo  viên  điểm trường Pà Khốm, xã Tri Lễ là người cảm nhận rõ nhất về sự thay đổi này, “Những năm trước, lên công tác tại đây, núi rừng còn hoang vu, mỗi lần về quê là một cực hình, phải đi xuống trung tâm xã mới có xe. Nhưng sau khi con đường miền Tây được mở ra, việc đi lại của giáo viên vùng cao như chúng tôi thuận lợi rất nhiều”, cô Tám cho biết.

Nếu so sánh khoảng gần 10 năm về trước, miền Tây xứ Nghệ đã có những thay đổi rất lớn, những thay đổi ấy đã mang đến cho mảnh đất này một diện mạo mới, đồng bào dân tộc miền núi xứ Nghệ ngày nay đã biết tự sức mình xây dựng phát triển kinh tế, mặc dù còn gặp khó khăn nhưng mức thu nhập cũng khá hơn trước, đời sống của người dân ổn định.

Nói như ông Lê Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện miền núi Quế Phong, cái cảm nhận của một cán bộ miền xuôi lên đây công tác chính là sự thay đổi về tư duy của người dân. Tư duy ỉ lại, dựa vào nhà nước đã được thay bằng sự chủ động, tìm tòi, tực lực tự cường trong phát triển kinh tế, xóa bỏ nhiều thủ tục lạc hậu, giữ gìn những nét đẹp của văn hóa các dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng.

Điền Bắc/http://daidoanket.vn