Gương điển hình Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Với cựu chiến binh, bệnh binh Nguyễn Đình Hải, môi trường Quân đội rèn cho ông bản lĩnh, nghị lực vượt khó để “rời tay súng, chắc tay cày” viết tiếp bài ca vỡ đất, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai ở huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa).
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hải che nắng cho cây thanh long.

Sinh ra và lớn lên ở xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), năm 1972, thanh niên Nguyễn Ðình Hải nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rồi tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc và theo học khóa đào tạo sĩ quan ở huyện Ba Vì (TP Hà Nội). Năm 1990, Nguyễn Ðình Hải xuất ngũ, chọn xã Ðiền Trung, huyện Bá Thước định cư.

Công tác ở thôn, làm cán bộ Hợp tác xã làng Trúc, gắn bó với miền núi, đồng hành cùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Khi Nhà nước triển khai giao đất, giao rừng theo Nghị định 02/CP của Chính phủ cho các hộ gia đình, tập thể sử dụng lâu dài vào mục đích phát triển lâm nghiệp, ông cùng vợ nhận ba héc-ta đất trống đồi trọc ở sườn núi Hang Khơn để đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại. Trồng cây luồng kết hợp với canh tác cây nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng "lấy ngắn, nuôi dài", cuộc sống của gia đình ông dần được cải thiện. Trúng cử vào lãnh đạo Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Ðiền Trung, cùng với chăm lo tập hợp hội viên, vun đắp nghĩa tình đồng đội, CCB Nguyễn Ðình Hải cùng với các CCB trong xã luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế hộ, tạo lập cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng quê hương. Mặc dù ông đã năng động cải tạo vườn tạp để trồng nhiều loại cây ăn quả nhưng giá trị thu nhập còn thấp, rừng luồng có biểu hiện suy thoái.

CCB Nguyễn Ðình Hải tìm đến các trung tâm giống cây trồng nhằm tìm loại cây có tiềm năng cho giá trị kinh tế cao hơn. Ðược giới thiệu và tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ của đồng đội ở huyện Thạch Thành, ông thấy loại cây trồng này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng thượng du Thanh Hóa, cho nên quyết định đầu tư vốn mua 200 cây thanh long giống về trồng trong vườn. Tìm hiểu thêm kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ qua sách, in-tơ-nét, các phương tiện thông tin đại chúng, cây thanh long sinh trưởng, phát triển tốt, dần thay thế cây luồng trên đất dốc; kết hợp trồng xen bưởi, na, chanh. Vụ thanh long năm nay, gia đình ông thu hoạch hơn 10 tấn thanh long, bán giá bình quân hơn 20 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng dưa chuột trên 2,5 sào đất bãi sau nhà, cho thu nhập gần 40 triệu đồng. Mô hình trang trại tổng hợp đem lại doanh thu khoảng 350 triệu đồng/năm, trong đó riêng thanh long ruột đỏ cho thu nhập 150 triệu đồng/ha. Ngoài ra, CCB Nguyễn Ðình Hải còn cung ứng cây thanh long giống cho nông dân, trợ giúp các CCB ở xã Ðiền Trung và huyện Bá Thước cùng đầu tư, phát triển diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ ở 13 trang trại tổng hợp.

Hiện nay, CCB Nguyễn Ðình Hải cùng 60 thành viên tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, trợ giúp nhau phát triển các mô hình kinh tế trang trại gắn với thực hiện tái cơ cấu nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Theo Mai Luận/nhandan.com.vn