Hà Tĩnh: Gặp lão nông biến núi đồi sỏi đá thành vườn cam ngọt lịm

Hà Tĩnh: Gặp lão nông biến núi đồi sỏi đá thành vườn cam ngọt lịm
Bằng sự say mê, chịu khó, anh Đoàn Quốc Hoài ở xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã biến những quả đồi sỏi đá thành những vườn cam Xã Đoài mọng nước, ngọt lịm…

Vừa qua tại Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp được UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào đầu tháng 12/2017, anh Hoài đã vinh dự được Ban tổ chức lựa chọn và trao giải đặc biệt chất lượng cho sản phẩm cam Xã Đoài của mình.

Anh Hoài sinh ra và lớn lên tại xã miền núi Hương Thọ của huyện Vũ Quang. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu là làm nghề trồng lúa, hoa màu nên cuộc sống luôn gắn liền với nghèo đói.

Cái đói, cái khó đã khiến anh luôn canh cánh trong lòng là phải làm thế nào để không chỉ thoát được cái nghèo mà phải làm giàu trên chính quê hương của mình.

Thế rồi vào đầu năm 2005, khi Nhà nước cho chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi, anh đã nắm bắt lấy cơ hội này.

Những quả cam Xã Đoài chín mọng tại vườn nhà anh Hoài
Những quả cam Xã Đoài chín mọng tại vườn nhà anh Hoài

“Thời điểm đó, trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã có nhiều loại cam khác nhau. Khi được tuyên truyền, vợ chồng tôi đã bàn bạc và quyết định chọn giống cây cam Xã Đoài, từ Viện Cây trồng Trung ương. Đây cũng là loại cam rất mới trên địa bàn”, anh Hoài cho biết.

Từ ngày đầu anh chỉ trồng thử nghiệm vài chục cây. Bằng sự hướng dẫn của các cán bộ khuyến nông, cộng với sự tìm tòi học hỏi của anh, sau hơn 2 năm, những cây cam đã cho ra những quả cam đầu tiên.

“Quả cam lúc chín thì màu vàng óng và được rất nhiều người khen mọng nước, ngọt lịm”, anh Hoài nói.

Từ thành công ban đầu đó, đầu năm 2009 anh đã tiến hành cải tạo quả núi khoảng 3ha phía sau nhà và trồng trên 1.000 gốc cam Xã Đoài.

Sau gần 3 năm chăm sóc, trừ hết các khoản chi phí anh đã thu về mỗi năm từ 200 triệu đến 300 triệu đồng.

'Với hơn 1.000 gốc cam, mỗi năm đưa lại cho gia đình anh gần 300 triệu đồng.'

Với hơn 1.000 gốc cam, mỗi năm đưa lại cho gia đình anh gần 300 triệu đồng.

“Hiện tại với hơn 1.000 gốc cam có tuổi đời từ 4 đến 10 năm thì mỗi năm trừ hết các chi phí gia đình tôi thu về gần 300 triệu đồng. Đây là điều mà gia đình tôi cũng khá bất ngờ. Bởi ban đầu khu vực này chỉ là núi đồi sỏi đá, bỏ hoang nhiều năm liền”, chỉ vào những cây cam đầy quả, anh Hoài cười tươi.

“Ngoài việc quả cam ngon, ngọt thì ưu điểm của cây cam này nếu chăm sóc tốt thì tuổi thọ có thể lên tới 15 -20 năm”, anh Hoài cho biết thêm.

Chia sẻ với PV Dân trí, anh Hoài cho biết, ngoài các điều kiện tự nhiên thì cái quan trọng nhất là phải chọn được giống cây tốt. Đồng thời phải thường xuyên tham gia các buổi tập huấn hướng dẫn để nâng cao kiến thức.

Cũng theo như anh Hoài cho biết thì hiện nay bản thân anh cũng như nhiều vùng cam ở huyện Vũ Quang như Sơn Thọ, Đức Lĩnh hay như nhiều khu vực khác của huyện Hương Sơn, Hương Khê là đã tạo ra “được miếng nhưng chưa có tiếng”.

“Chúng ta đang phải chấp nhận một thực tế đó là được mùa mất giá, được giá mất mùa. Chúng tôi mong muốn sẽ sớm xây dựng được thương hiệu cho cam Xã Đoài của xã Hương Thọ và các sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh nói chung”, anh Hoài mong muốn.

Anh Hoài được UBND tỉnh Hà Tĩnh chứng nhận là nhà vườn đạt giải đặc biệt chất lượng cho sản phẩm cam Xã Đoài
Anh Hoài được UBND tỉnh Hà Tĩnh chứng nhận là nhà vườn đạt giải đặc biệt chất lượng cho sản phẩm cam Xã Đoài

Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh Hoài cũng thường xuyên giúp đỡ những người xung quanh trong việc phát triển kinh tế vườn đồi. Anh luôn chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống cho người dân.

Hiện anh cũng đã xin được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận vườn ươm giống cây trồng đảm bảo chất lượng.

Anh Hoài còn xây dựng vườn ươm cây giống để cung cấp cho người dân
Anh Hoài còn xây dựng vườn ươm cây giống để cung cấp cho người dân

“Tôi muốn người nông dân có thể tiếp cận được những giống cây tốt, cho năng suất cao và chất lượng. Hiện vườn ươm của tôi cũng đã có thể cung cấp cho người dân rất nhiều loại giống cây ăn trái tốt như bưởi Phúc Trạch, cam Xã Đoài…”, anh Hoài cho biết.

Xuân Sinh/dantri.com