Nâng cao thu nhập cho người dân nhờ phát triển cây dược liệu

Một số năm trở lại đây, nhiều loại cây dược liệu có giá trị kinh tế đã được đưa vào trồng theo hướng hàng hóa ở xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), mở ra một hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Vườn cây dược liệu của nông dân xã Cao Dương

Là xã thuộc vùng bán sơn địa, những năm trước đây, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của người dân xã Cao Dương thường không cao do thiếu nước và ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. Từ năm 2010, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, một số hộ dân ở xóm Om Làng đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu như cây hồng hoa, cây đơn đỏ, cây xạ đen, cây giảo cổ lam... Thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, những loại cây thuốc nam này đã sinh trưởng, phát triển khá tốt và dần được thương lái trong tỉnh Hòa Bình cũng như các địa bàn lân cận tìm đến thu mua.

Vừa nhanh tay thu hoạch những luống xạ đen, chị Bùi Thị Bé ở xóm Om Làng vừa vui vẻ chia sẻ: "Mấy năm trước, chỗ ruộng này nhà tôi chỉ trồng một vụ lúa còn lại thì bỏ không. Nay nhờ chuyển sang trồng cây xạ đen nên mỗi năm, vợ chồng tôi cũng có thêm hơn 40 triệu đồng từ tiền bán xạ đen".

Để tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi sang trồng cây dược liệu, UBND xã Cao Dương đã chủ động kết hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Lương Sơn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác các loại cây dược liệu cho bà con nhân dân trên địa bàn. Nhờ bảo đảm tốt về quy trình và kỹ thuật chăm sóc nên các loại cây dược liệu được trồng ở xã Cao Dương thường cho thu hoạch sau hơn 2 năm trồng. Có thể kể đến một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: Cây xạ đen, cây giảo cổ lam, cây hồng hoa… Theo đó, cứ đến vụ thu hoạch là thương lái đến tận xóm để thu mua sản phẩm. Do vậy, không chỉ có chị Bé mà nhiều gia đình khác ở xóm Om Làng đã chuyển sang trồng cây dược liệu với tổng số lên tới trên 140 hộ.

Hiện nay, cùng với Om Làng, diện tích trồng cây dược liệu ở xã Cao Dương đã được mở rộng ra nhiều xóm khác như Đồng Ngô, Đồng Bon, Om Trại, Cao Đường... Chỉ tính đến hết quý I năm 2018, riêng diện tích xây xạ đen của toàn xã Cao Dương đã lên tới gần 70 ha. Không chỉ chuyển đổi những diện tích đất hoang hóa, đất chân ruộng một vụ, nhiều gia đình còn tận dụng hiệu quả những diện tích trong vườn để trồng xen dược liệu mà không ảnh hưởng đến cây trồng chính. Ở Cao Dương đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ có thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm từ tiền bán các loại cây dược liệu.

Theo nhiều hộ nông dân ở xã Cao Dương, trồng cây dược liệu không đòi hỏi cao về kỹ thuật, không tốn nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư ban đầu thấp và nhất là yên tâm về đầu ra khi thu hoạch sản phẩm. Với giá thu mua hiện nay (6 - 8 nghìn đồng/kg hồng hoa; 25 - 30 nghìn đồng/kg cây xạ đen; 50 nghìn đồng/kg cây giảo cổ lam tươi...), ước tính, trên cùng một đơn vị diện tích, hiệu quả kinh tế thu được từ trồng cây dược liệu sẽ cao gấp 4 - 5 lần so với các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô, sắn...

Nổi tiếng là một trong những hộ điển hình về trồng cây dược liệu ở xóm Cao Đường, xã Cao Dương, bình quân mỗi năm gia đình ông Nguyễn Thanh Hải thu về khoảng 160 - 170 triệu đồng từ tiền bán dược liệu thành phẩm và cây dược liệu giống. Ông Hải cho biết, trong mấy năm gần đây do nhu cầu thị trường lớn, nhiều người thu mua cây dược liệu để điều trị bệnh nên gia đình ông và những người trồng dược liệu ở xóm Cao Đường không phải lo về đầu ra của các loại cây dược liệu.

"Kỹ thuật canh tác không quá phức tạp lại tận dụng được nhiều diện tích đất và mang lại nguồn thu nhập ổn định nên đến nay, hầu hết 11 xóm ở Cao Dương, bà con nông dân đều đã phát triển cây dược liệu. Với những hiệu quả bước đầu và nhằm khai thác những tiềm năng sẵn có, chính quyền xã cũng đã xác định, cây dược liệu sẽ là cây trồng chủ lực trong thực hiện xóa đói giảm nghèo ở địa phương", Chủ tịch UBND xã Cao Dương, ông Bùi Minh Biện phấn khởi chia sẻ.

Thực tế thời gian qua ở xã Cao Dương cho thấy, với sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Lương Sơn, mô hình trồng thảo dược, dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Đồng thời, mô hình này cũng giúp người nông dân có thêm thu nhập, để chăm lo phát triển đời sống gia đình và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình này chính là "lời giải" cho bài toán giảm nghèo bền vững ở Cao Dương. Tuy nhiên, việc trồng và mở rộng diện tích cây dược liệu ở xã Cao Dương nhìn chung vẫn mang tính tự phát; cơ cấu các loại cây dược liệu chưa phong phú… Mong muốn của người dân địa phương hiện nay đó là các cơ quan, ban, ngành địa phương tiếp tục có sự hỗ trợ về giống, vốn cây dược liệu và nhất là hỗ trợ công nghệ thu hoạch, chế biến tại chỗ để giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển cac loại cây dược liệu.

Được biết, từ thành công bước đầu ở Cao Dương, thời gian tới Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lương Sơn sẽ cùng với Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện tiếp tục nghiên cứu, phát triển mô hình chuyên canh cây dược liệu tại một số địa bàn khác trong huyện nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống người sản xuất./.

Tác giả: Như Quỳnh 
Nguồn: cpv.org