Phát triển làng nghề đũa cau tại xã Phúc Trạch

Phát triển làng nghề đũa cau tại xã Phúc Trạch
Xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê từ lâu được biết đến là quê hương của bưởi Phúc Trạch - một trong những loại quả đặc sản nổi tiếng cả nước và cây dó trầm, loại cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Thời gian gần đây, Phúc Trạch còn được biết đến với một sản phẩm cũng rất được ưa chuộng, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình, đó là đũa cau năng rưng.

Một hộ gia đình làm đũa cau

Được làm từ thân cây cau rừng, gọi là cau năng rưng, loại cau chỉ vùng núi Phúc Trạch mới có. Nhưng cây cau rừng được chọn lựa rất kỹ càng. Cau phải rất già, trên 20 năm tuổi, có đường kính từ 20 - 30cm và cao trung bình 7m (bởi chỉ có khoảng 2m thân cau ở phần gốc mới sử dụng để vót đũa được). Người làm đũa thực hiện các công đoạn: Cắt - chẻ - đẽo - bào - trau - chà -  phơi… mới cho ra thành phẩm, tất cả các công đoạn đều làm bằng thủ công. Đũa được phơi kỹ trong tiết trời nắng ấm hoặc sấy bằng than nếu trời mưa để đũa khô, không bị mốc. Chính vì sự kỳ công, tỉ mỉ đó tạo nên chất lượng, giá trị của từng đôi đũa.

Đũa cau thành phẩm

Hiện nay, tại xã Phúc Trạch có khoảng 40 hộ gia đình chuyên sản xuất đũa cau năng rưng. Mỗi đôi đũa có giá 3.000 - 5.000 đồng. Mỗi ngày, trung bình một người có thể làm được khoảng 100 đôi đũa, trừ chi phí, còn lại cho thu nhập khoảng 150.000 đồng. Thu nhập từ làm đũa cau giúp các hộ dân cải thiện cuộc sống và tạo điều kiện cho con cái học hành.

Trước đây, đũa cau làm ra chỉ bán cho người dân trong xã, trong huyện. Tiếng lành đồn xa, đũa cau năng rưng đã đến với người tiêu dùng trong tỉnh, ngoài tỉnh. Nhiều thanh niên Phúc Trạch còn sử dụng các trang mạng xã hội để quảng bá cho sản phẩm của quê hương mình. Trong khi thị trườngđang có một số sản phẩm sử dụng hoá chất gây mất an toàn đối với sức khoẻ người tiêu dùng thì đũa cau năng rưng với nguyên liệu từ thiên nhiên, cách chế biến thủ công, không chất bảo quản trở thành một lựa chọn tin cậy của người dân. Đũa cau không chỉ được khách hàng ưa thích mua về sử dụng mà còn mua để làm quà biếu cho người thân khắp mọi miền đất nước.

Cấp ủy, chính quyền xã Phúc Trạch và huyện Hương Khê  đang xây dựng kế hoạch bảo tồn cây cau năng rưng tự nhiên, đồng thời quy hoạch các vùng đất để trồng cau làm nguyên liệu, hướng tới việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô sản xuất lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thay vì sản xuất theo tính chất hộ gia đình nhỏ lẻ như hiện nay. Cùng với đó là liên kết với các doanh nghiệp để tạo thương hiệu, mở rộng thị trường để sản phẩm đũa cau vươn xa hơn nữa.

Phát triển làng nghề đũa cau năng rưng không chỉ tạo nên thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của xã Phúc Trạch, tạo công ăn việc làm và thu nhập khá cho người dân mà còn bảo tồn những giá trị truyền thống, những nét đẹp vốn có của quê hương.

Theo Kiều Thị Thu Hằng//hatinh.dcs.vn