Vườn mẫu Hà Tĩnh đánh thức khát vọng làm giàu

Vườn mẫu Hà Tĩnh đánh thức khát vọng làm giàu
Sau hơn 3 năm triển khai tiêu chí 20, đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 2.300 vườn mẫu được công nhận đạt chuẩn và 8.178 hộ triển khai xây dựng vườn mẫu. Xây dựng vườn mẫu, từ một nội dung trong tiêu chí khu dân cư (KDC) kiểu mẫu đã trở thành động lực to lớn đánh thức ước mơ, khát vọng làm giàu, làm đẹp khu vườn của người nông dân Hà Tĩnh. Những“kỹ sư chân đất”, nhà làm vườn tài năng đã làm chủ được công nghệ và tỏa sáng trong những khu vườn kiểu mẫu.
Từ khi phát động phong trào xây dựng vườn mẫu, người dân tích cực cải tạo vườn tạp, đắp đất vườn, trồng rau, củ, cây ăn quả... và có thu nhập khá cao - Nguồn: danviet.vn

Nhớ lại những ngày mới bắt tay làm vườn, ông Tiến kể: Năm 1989, sau khi phục viên trở về quê hương với bàn tay trắng, phải “cắp nón” đi làm thuê hết nơi này nơi nọ tần tảo kiếm tiền giúp vợ nuôi các con ăn học. Rồi cứ quẩn quanh với câu hỏi, tại sao với một người lính như mình đã chiến thắng được kẻ thù mà nay không chiến thắng được cái đói, cái nghèo, day dứt lắm, tôi nảy ý nghĩ phải làm kinh tế ngay trong vườn mình. Nói là làm, tôi bàn với vợ vay mượn để tích tụ ruộng đất mua những mảnh vườn bỏ hoang quanh nhà để mở rộng diện tích, xóa bỏ vườn tạp, quy hoạch thiết kế lại khuôn viên. Khu vườn này cũng là tâm huyết, đam mê của hai vợ chồng, hiện tại cây giống của tôi có mặt khắp nơi trên địa bàn, nhiều tỉnh khác cũng lặn lội từ xa đến đây tìm mua.

Xây dựng vườn mẫu theo chương trình nông thôn mới, gia đình không chỉ tiếp cận với cách thiết kế, xây dựng khu vườn quy củ, bài bản mà còn được tiếp sức để ứng dụng thêm công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Rồi ông dẫn chúng tôi đến khu vườn được ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm, vườn ươm sử dụng hệ thống tưới nước tự động công nghệ cao, vườn trồng cây ăn quả luôn giữ màu xanh nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel….

Tôi hỏi sao phải lắp trạm khí tượng trong vườn, ông Tiến cho biết: Xây dựng kinh tế vườn nơi đây khắc nghiệt lắm, nếu không cẩn thận thì trắng tay như chơi nên vợ chồng tôi đầu tư 150 triệu để lắp đặt trạm báo thời tiết, nhờ đó có thể cập nhật diễn biến thời tiết từng giờ để chăm sóc cây trồng.

Tôi hỏi sao không qua trường lớp nào mà ông vẫn “bạo gan” bỏ tiền đầu tư để làm nông nghiệp, nhất là đối với các loài cây giống, cây ăn quả? Ông Tiến bảo, có được thành quả như bây giờ là cả một quá trình vất vả, khổ cực. Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm vườn, từ sáng đến tối tỉ mẩn bên những mầm cây, trải qua không ít lần thất bại, tôi đã dần làm chủ được kỹ thuật, từng bước mở rộng mô hình. Tôi học hỏi tất cả những điều nhỏ nhất từ các mô hình của những người đi đầu đến cả việc đi dự các lớp tập huấn kỹ thuật về ươm cây, chăm sóc cây, ghép cành đến cả việc phòng trừ sâu bệnh hại cây, học được rồi thì chia sẻ với vợ, với xóm làng. Ông chia sẻ tất cả kinh nghiệm và nói chuyện làm vườn với tôi một cách say sưa như một kĩ sư nông nghiệp chính hạng.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm vườn, ông Đinh Phúc Tiến cho biết: Muốn tạo ra nông sản hàng hoá chất lượng cao thì quan trọng là phải lựa chọn được cây trồng thích hợp với chất đất và thực hiện đúng quy trình chăm sóc cây trồng... Riêng đối với cây có múi như cây cam, cây bưởi yêu cầu phải chuẩn bị kỹ về điều kiện trồng như: Tầng đất trồng phải sâu, đặc biệt không sử dụng phân bón vô cơ chỉ bón phân vi sinh, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chủ động về nước tưới. Các loại cây có múi này cũng rất nhiều sâu bệnh, vì vậy chủ vườn phải chú ý đến việc phòng trừ sâu bệnh cho cây. Làm gì cũng vậy, trước tiên phải có lòng đam mê, chịu khó học hỏi, làm vườn còn phải siêng năng, chăm chỉ.

Sau khi được xã cho đi tham quan học tập mô hình vườn mẫu tại các địa phương cùng với sự tiếp sức từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, bà Phan Thị Hồng Lộc, thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, Can Lộc đã bắt tay cải tạo, quy hoạch khu vườn trên 2.500 m2, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho các loại rau, củ, quả (cải, su hào, dưa các loại), tưới nhỏ giọt đối với cây ăn quả (cam, bưởi...), xây dựng mương thoát nước nội vườn, giàn che nắng cho các loại cây giống... để mùa nào cây đó.

Đặc biệt, trên diện tích hơn 200 m2, bà đã làm nhà lưới để sản xuất giống rau (su hào, bắp cải, mướp...), bởi loại rau này dễ trồng, thời gian quay vòng nhanh, dễ tiêu thụ. Có những thời điểm, mỗi ngày, gia đình bà Lộc thu nhập 500 - 600 ngàn đồng. Từ những mô hình của gia đình bà Lộc đã lan tỏa đến hàng chục hộ tại thôn Hồng Lĩnh và các hộ trên địa bàn xã.

“Những bàn tay công nghệ trong phát triển kinh tế vườn” là cách mà Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Tình nói về những nông dân bậc thầy đã được ghi nhận qua cuộc thi như ông Mai Xuân Minh (Thượng Lộc, Can Lộc), Nguyễn Thái Sơn (Bùi Xá, Đức Thọ); Võ Công Sơn (Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh), Lê Ngọc Lâm (Đức Bồng, Vũ Quang)… Mỗi khu vườn một vẻ, nhưng điểm ghi nhận đầu tiên đó là những chủ vườn tâm huyết, cần mẫn, sáng tạo đã có thu nhập tương xứng với công sức, trí tuệ, tâm huyết trên chính khu vườn truyền thống của mình. Ấn tượng rõ nét nữa khi đến với những khu vườn kiểu mẫu, đó là những không gian thoáng đãng, sự sắp xếp bài bản, hợp lý và những góc trang trí tươi tắn, đẹp mắt. Nhiều vườn cây đã trở thành những điểm sinh thái hấp dẫn.

Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Tình cho rằng, phong trào xây dựng vườn mẫu ở Hà Tĩnh đã thực sự đánh thức nhiều tiềm năng lâu nay bị lãng quên. Những “tấc vàng” ngay trong khu vườn mình sinh sống, nguồn lực lao động trong mỗi gia đình đã được phát huy tối đa để mang lại thu nhập hàng chục, hàng trăm, thậm chí tiền tỷ mỗi năm/hộ. Điều mừng nhất chính là số đông người nông dân đã có tư duy làm kinh tế vườn, biết ứng dụng khoa học công nghệ cao. Đây chính là nền tảng để các cấp chính quyền, ngành chuyên môn tìm hướng phát triển cho các sản phẩm hàng hóa từ vườn. Đặc biệt, vườn kiểu mẫu đã đặt ra yêu cầu hàng đầu là sản phẩm an toàn, phương thức canh tác thân thiện với môi trường sống, cộng đồng và người tiêu dùng. Từ hướng đi đó làm cho tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt và nhân lên những giá trị văn hóa trong nông thôn mới./.

Theo Trà Giang/http://www.tapchicongsan.org.vn