Tập huấn kỹ thuật phòng, chống bệnh lùn sọc đen phương Nam

Tập huấn kỹ thuật phòng, chống bệnh lùn sọc đen phương Nam
Chiều ngày 30/5/2018, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức tập huấn kỹ thuật phòng, chống bệnh lùn sọc đen phương Nam, các đối tượng dịch hại cây trồng vụ Hè thu năm 2018 cho cán bộ kỹ thuật chuyên ngành trồng trọt thuộc Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh; cán bộ lãnh đạo và chuyên môn của các huyện, thành phố, thị xã và đại diện các công ty cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh.
Bệnh lùn sọc đen là bệnh nguy hiểm, tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa là vi-rút lùn sọc đen phương Nam. Môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng bao gồm cả rầy non và rầy trưởng thành đều truyền bệnh. Rầy sau khi nhiễm vi-rút có thể truyền bệnh đến khi chết. Bệnh lan truyền từ cây lúa bị bệnh sang cây khoẻ, từ vùng bị bệnh sang vùng chưa có bệnh nhờ sự di chuyển, phát tán của rầy lưng trắng. Bệnh có thể tồn tại trên lúa chét của cây bệnh trước đó, trên ngô, trên cỏ dại như cỏ lồng vực, cỏ chác, đuôi phụng và là nguồn chứa vi-rút để rầy truyền sang hại lúa.
 

 

Trên địa bàn Hà Tĩnh, năm 2009, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện và gây hại trên một số diện tích ngô đông ở Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang với tổng diện tích 280 ha. Vụ hè thu 2010, bệnh phát sinh và gây hại ở 9/12 huyện, thị xã, thành phố, với tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh 2.489 ha, trong đó có gần 1.500 ha phải tiêu hủy hoàn toàn, làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng lương thực của cả tỉnh. Mặc dù từ đó đến nay, bệnh lùn sọc đen chưa thấy xuất hiện trở hại trên địa bàn Hà Tĩnh nhưng vụ Hè thu, Mùa năm 2017, vụ Đồng xuân 2018, bệnh đã tái bùng phát và gây hại nặng ở một số tỉnh phía bắc như Lào Cai, lai Châu, Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An,… đồng thời đã phát hiện nhiều mẫu rầy lung trắng mang Virus gây bệnh. Do vậy, bệnh lùn sọc đen có nguy cơ bùng phát thành dịch, gây hại nghiêm trọng trên lúa vụ Hè Thu tại Hà Tĩnh là rất cao nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời. Hiện nay, bệnh lùn sọc đen chưa có thuốc đặc trị, muốn hạn chế tác hại của bệnh phải thực hiện tốt việc phòng bệnh. Vì vậycác huyện, thành phố, thị xã cần khuyến cáo và hướng dẫn bà con nông dân chủ động phòng tránh trong khả năng tự có của mình trước khi cần đến sự hỗ trợ từ chính quyền cấp trên và ngành chuyên môn.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được nghe đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật giới thiệu khái quát về bệnh lùn sọc đen phương Nam, đặc điểm, tác nhân gây bệnh, triệu chứng trên cây lúa và cây ngô, những diễn biến bệnh trên đồng ruộng. Phần lớn thời gian chương trình được dành cho việc hướng dẫn cách nhận biết, công tác phòng trừ rầy lưng trắng truyền bệnh lùn sọc đen hại lúa một cách triệt để. Trong đó quan trọng nhất là khâu chọn giống, vệ sinh đồng ruộng, tuân thủ khung lịch thời vụ và kỷ thuật canh tác. Việc áp dụng đầy đủ và đúng quy trình các công đoạn trên ngay từ đầu vụ không chỉ phòng trừ hiệu quả bệnh lùn sọc đen mà còn đối phó có hiệu quả nhiều đối tượng gây hại khác.
Qua lớp tập huấn giúp cán bộ nông nghiệp nắm bắt kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh lùn sọc đen phương Nam hại lúa, đồng thời tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kiểm soát được sâu bệnh hại lúa, hạn chế nguy cơ gây mất mùa diện rộng, bảo vệ mùa màng. Trên cơ sở đó có biện pháp hướng dẫn nông dân phòng chống dịch bệnh và dùng thuốc phòng trừ đặc hiệu khi rầy xuất hiện.
Chủ trì lớp tập huấn, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Giám đốc Sở kết luận bệnh Lùn sọc đen là bệnh nguy hiểm, có thể gây mất trắng nếu không chủ động các biện pháp phòng trừ ngay từ đầu vụ. Vì vậy, đề nghị các đơn vị thuộc sở và các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
- Về công cụ phục vụ công tác dự tính dự báo, đề nghị Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật triển khai các hoạt động đã được phê duyệt và tham mưu cho phòng Kế hoạch tài chính Sở để bố trí kinh phí.
- Các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên ngành trồng trọt tại cơ sở về bệnh lùn sọc đen để chủ động ứng phó khi bệnh phát sinh gây hại.
- Tổ trưởng tổ bảo vệ thực vật các huyện, thành phố, thị xã cử cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để theo dõi, nắm bắt và có biện pháp xử lý kịp thời.
- Các mô hình trình diễn phải thực hiện rõ ràng, cụ thể các tiêu chí, phải bố trí cán bộ theo dõi để rút ra kết luận và khuyến cáo đúng thực tế hiệu lực phòng trừ của từng loại thuốc.
Vụ Hè thu 2018 đang đến gần, cùng với việc chuẩn bị các công đoạn cần thiết thì công tác tập huấn, chuyển giao kỷ thuật phòng trừ các đối tượng gây hại giúp cho các địa phương chủ động trong khâu phòng chống dịch bệnh, đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất để cây lúa sinh trưởng và phát triển ổn định, đảm bảo sản xuất vụ Hè thu thắng lợi.

Tác giả bài viết: Theo Đặng Thị Thuận/sonongnghiephatinh.gov.vn