Tổng kết mô hình hỗ trợ vùng nuôi cá lóc thâm canh trong ao đất

Tổng kết mô hình hỗ trợ vùng nuôi cá lóc thâm canh trong ao đất
Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên đã triển khai mô hình “Hỗ trợ vùng nuôi cá lóc thâm canh trong ao đất liên kết với công ty TNHH Tuấn Nga CB”.

Ngày 25/7/2017, Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành tổ chức tổng kết, nghiệm thu mô hình vùng nuôi cá lóc tập trung thôn 5, xã Cẩm Trung.  Tại mô hình này, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông đã hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện quy trình nuôi cá lóc thâm trong ao đất theo hướng VietGAP và hướng dẫn người dân hoạch toán kinh kế nông hộ, nắm bắt xu hướng thị trường để nâng cao giá trị cá lóc thương phẩm sau khi nuôi, để có thể xuất bán dễ dàng.

Trên tổng diện tích toàn vùng  gần 5 ha được chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả, các hộ đã đào ao thả nuôi khoảng 300.000 con giống. Với tỷ lệ sống 70%, sau hơn 4 tháng triển khai mô hình cá lóc thương phẩm đạt trọng lượng trung bình 0,5 kg/con. Giá bán tại thời điểm hiện tại là 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, khấu hao, công lao động lợi nhuận thu về trên 300 triệu đồng/ha.
 
Mô hình nuôi cá lóc

So với các đối tượng nuôi nước ngọt truyền thống như mè, trôi, trắm, chép, ... cá lóc là đối tượng nuôi có những ưu điểm như: Chất lượng thịt cá ngon ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng; là đối tượng dễ nuôi, có thể sống trong môi trường chật hẹp, hay điều kiện nước bẩn, thiếu ôxy nên việc quản lý môi trường trong ao nuôi cá lóc không đòi hỏi khắt khe như các loài cá khác; ít bị dịch bệnh gây chết hàng loạt. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế của nuôi cá lóc cao hơn nhiều so với các loại cá nước ngọt khác.

Việc triển khai mô hình thành công đã giúp người dân có cơ hội tiếp cận thị trường, kỹ thuật sản xuất thâm canh cá lóc theo quy mô hàng hóa chất lượng nâng cao hiệu quả kinh tế diện tích mặt nước. Bên cạnh đó, hình thành vùng nuôi cá lóc tập trung liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, người dân sẽ được trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm, chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm, …. tăng hiệu quả nuôi trồng cho người dân, làm nền tảng để nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh.
Theo Hoàng Thanh/sonongnghiephatinh.gov.vn