Công tác giảm nghèo ở huyện Quốc Oai: Rõ nguyên nhân, trúng giải pháp

Xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo đói để có giải pháp hỗ trợ phù hợp với nhu cầu và khả năng của hộ nghèo, đó là giải pháp giúp tạo ra bước đột phá trong công tác giảm nghèo ở huyện Quốc Oai. Có nguồn sinh kế, biết hướng thoát nghèo, từ đó, đa số hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững, tự tin xây đắp tương lai.
Nhờ được hỗ trợ, gia đình bà Nguyễn Thị Sỉnh (xã Đông Yên) đã xây dựng được căn nhà khang trang

Trao sinh kế

Đông nhân khẩu, lại thiếu lao động, anh Đỗ Thế Yêu, xóm 5, thôn Việt Yên, xã Đông Yên, làm lụng vất vả quanh năm vẫn không thể đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo. Mong muốn thoát nghèo sẽ chỉ là mơ ước nếu gia đình anh không được tặng bò sinh sản vào cuối năm 2016. Vận dụng kiến thức thu được sau lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi để chăm sóc bò sinh sản, “nguồn sinh kế” của gia đình anh Yêu phát triển rất nhanh. “Vài tháng nữa xuất chuồng bê con, tôi sẽ dùng số tiền bán bê mở rộng sản xuất, chăn nuôi và đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Khó khăn qua rồi”, anh Đỗ Thế Yêu phấn khởi nói.

Cũng ở thôn Việt Yên, cuộc sống của gia đình bà Nguyễn Thị Sỉnh bước sang trang mới kể từ khi được hỗ trợ xây dựng nhà mới. Dẫn khách đi thăm ngôi nhà khang trang, thoáng mát, bà Sỉnh kể, chồng bà bị câm điếc bẩm sinh, sức khỏe không tốt, một mình bà tần tảo chăm sóc chồng, nuôi ba đứa con nên ước mơ về một nếp nhà vững chãi mãi xa vời. Được hỗ trợ 40 triệu đồng và nhiều ngày công, gia đình bà Sỉnh cố gắng vay mượn thêm để xây dựng nhà mới.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Yên Nguyễn Văn Chiến cho biết, trong hai năm 2016 và 2017, trên địa bàn xã có 25 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở, gần 70 hộ được tặng bò sinh sản, gần 80 hộ được tặng sổ tiết kiệm… 100% số hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 7,5% năm 2016 xuống còn 0,44% vào cuối tháng 5 năm nay. Tương tự Đông Yên, những xã vùng khó khăn như Đông Xuân, Phú Mãn, Tân Phú… được ưu tiên trong quá trình hỗ trợ giảm nghèo, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Điển hình là thôn Đồng Bồ, xã Đông Xuân đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 của Chính phủ và chỉ còn duy nhất một hộ nghèo do không đủ khả năng để thoát nghèo. Tính chung, năm 2016 và 2017, toàn huyện Quốc Oai có hơn 1.400 hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 18,2 tỷ đồng, trong đó có gần 9,7 tỷ đồng từ ngân sách, hơn 7,9 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Tỷ lệ hộ nghèo ở Quốc Oai giảm từ 3,65% năm 2016 xuống còn 0,5% vào cuối tháng 5-2018, tương đương gần 1.800 hộ đã thoát nghèo.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương, kết quả giảm nghèo ở huyện mang tính đột phá là nhờ chính sách giảm nghèo của trung ương và TP Hà Nội được áp dụng linh hoạt. Hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở cùng vào cuộc, ban hành các kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo bền vững, đồng thời chủ động huy động, bố trí các nguồn lực để triển khai.

Trong quá trình thực hiện, các ngành, địa phương thường xuyên tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo và nhu cầu, khả năng thoát nghèo của từng hộ, từ đó hỗ trợ họ về vốn sản xuất, đào tạo nghề, xây dựng, sửa chữa nhà ở, tặng bò sinh sản, xe máy, sổ tiết kiệm... Ngoài ra, sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội, sự nỗ lực vượt khó của người nghèo cũng có vai trò quyết định.

Hạn chế tái nghèo

Những thành tựu nổi bật trong công tác giảm nghèo đã và đang tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Quốc Oai phát triển toàn diện. Tuy vậy, với đa số người dân làm nông nghiệp, diện tích đất canh tác ngày càng giảm đi, như nhiều địa phương khác, huyện Quốc Oai cũng gặp khó khăn trong quá trình tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo bền vững. Kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo vào tháng 5 vừa qua cho thấy, toàn huyện còn 268 hộ nghèo, xấp xỉ 2.000 hộ cận nghèo; có 4 hộ nghèo phát sinh mới và 7 hộ tái nghèo. Đa số hộ cận nghèo thiếu một hoặc nhiều yếu tố để nâng cao chất lượng cuộc sống, khiến gần 300 hộ đứng trước nguy cơ tái nghèo.

Để khắc phục tình trạng nói trên, huyện Quốc Oai tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo; xây dựng kế hoạch hỗ trợ hộ cận nghèo giai đoạn 2018-2020 bằng những hình thức tương tự như với hộ nghèo. Dự kiến từ nay đến cuối năm, hơn 200 hộ cận nghèo ở Quốc Oai nhận được nguồn hỗ trợ để phát triển với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Hơn 2.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, giúp họ tìm được việc làm mới hoặc làm công việc cũ nhưng cho năng suất, thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, các địa phương khuyến khích, hỗ trợ người dân tạo việc làm, nâng cao thu nhập tại chỗ nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nhân rộng các mô hình cho giá trị kinh tế cao.

“Hiện nay, cây nhãn muộn Đại Thành mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần các loại cây trồng khác đã được trồng ở hầu hết các xã, thị trấn; giống bưởi Diễn trồng ở các xã ven sông Đáy như Sài Sơn, Yên Sơn, Phượng Cách... mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Mô hình chăn nuôi tập trung phát triển mạnh ở xã Đông Yên, Phú Cát, Hòa Thạch…”, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quốc Oai Nguyễn Văn Canh cho hay.

Với nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo được triển khai đồng bộ, linh hoạt, huyện Quốc Oai phấn đấu đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.
Theo Minh Ngọc/Báo HNM.vn