Hà Nội- đầu tàu xây dựng nông thôn mới

Hà Nội- đầu tàu xây dựng nông thôn mới
Hà Nội sau khi hợp nhất với tỉnh Hà Tây (cũ) có tới 386 xã nên tiếng là thành phố hơn nữa lại là Thủ đô nhưng gánh nặng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất lớn.

Thế mà chỉ trong mấy năm Hà Nội thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy đã trở thành đầu tàu của cả nước trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM)…

18-14-34_dsc_9336
Sản xuất nấm kiểu công nghệ cao

Thành phố hiện có 4 huyện đạt chuẩn NTM, có 294/386 xã (chiếm 76,16%) đạt chuẩn, tăng 49 xã (tăng 12,7%) so với kế hoạch đề ra. Trong số 92 xã còn lại, có 56 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 36 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí, bình quân đạt 18,19 tiêu chí/xã tăng 0,47 tiêu chí/xã so với 2015. Hà Nội được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng NTM.

Vượt qua mọi hào nhoáng của các phong trào, người dân chính là đối tượng được hưởng thụ nhiều nhất. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 của Hà Nội đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2015). Một số địa phương có thu nhập bình quân cao như: Thạch Thất 52 triệu đồng, Hoài Đức 42,5 triệu đồng, Đông Anh 42 triệu đồng, Gia Lâm 41,2 triệu đồng...

Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, chỉ trong 2 năm gần đây đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo được 1.928 nhà. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn toàn TP đạt 86,06% trong đó tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. Có 100% số xã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.

Nếu như tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo cũ còn 1,41% cuối năm 2015 thì khi thực hiện chuẩn nghèo mới đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (đầu năm 2016), xuống còn 2,57% (cuối năm 2017), một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp là: Quốc Oai 0,48%, Gia Lâm 1,0%, Thanh Trì 1,41%, Hoài Đức 1,51%, Đông Anh 1,57%.

Đất đai luôn là vấn đề phức tạp ở nông thôn và bởi thế mà nhiều địa phương rất e dè khi thực hiện dồn điền đổi thửa, nhưng Hà Nội đã không những xắn tay áo vào làm mà còn làm rất quyết liệt. Đến nay, toàn TP thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.183,1/75.980,1ha (đạt 104,2%), tăng 2.291,3 ha so với cuối năm 2015, vượt 3.673,5ha so với kế hoạch TP giao.

Sau khi dồn điền đổi thửa, biết được tâm lý của người dân lo lắng vì chuyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cả hệ thống chính trị các cấp đã vào cuộc. Rốt cuộc, đã cấp được 616.704 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đạt 99,1%.

Một số huyện đã hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân như: Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Trì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Hoài Đức và TX Sơn Tây.

Còn lại 6.157 (0,9%) giấy chứng nhận chưa cấp được là những trường hợp khó khăn, vướng mắc (do người đứng tên trên giấy chứng nhận không có mặt tại địa phương, chủ đất đã chết, trong gia đình chưa thỏa thuận được di sản thừa kế, tranh chấp, khiếu kiện, chuyển nhượng không có giấy tờ, chủ đất không hợp tác kê khai…). TP Hà Nội vẫn đang chỉ đạo việc này.

Kết quả sau dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân liên doanh, liên kết, sản xuất theo hướng chuyên canh, ứng dụng KHKT và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nông dân…

Dồn điền đổi thửa cũng là nền tảng cho nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành theo mô hình “4 nhà”, “6 nhà” đi vào thôn, xã và hộ nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hà Nội đã có tiến bộ rõ rệt; cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao.
THEO NGỌC BÍCH/NONGNGHIEP.VN