Doanh nghiệp đồng loạt 'né' khi bị truy về giá thịt lợn

Doanh nghiệp đồng loạt 'né' khi bị truy về giá thịt lợn
Lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn đồng loạt vắng mặt, “né” khi được lãnh đạo Bộ NN-PTNT truy về việc giá thịt lợn tăng cao kéo dài.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết nếu không điều chỉnh, sẽ có những căn cứ luật định để yêu cầu các doanh nghiệp lớn phải giảm giá thịt lợn trong thời gian tới. Ảnh: Lê Bền.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết nếu không điều chỉnh, sẽ có những căn cứ luật định để yêu cầu các doanh nghiệp lớn phải giảm giá thịt lợn trong thời gian tới. Ảnh: Lê Bền.

Tại cuộc họp triển khai các giải pháp phòng chống cúm gia cầm (CGC) và các bệnh trên gia súc của Bộ NN-PTNT ngày 13/2, vấn đề giá thịt lợn tăng quá cao và kéo dài được đông đảo các đại biểu đặc biệt quan tâm và kỳ vọng về những định hướng giảm giá thịt lợn của các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn.

Tuy nhiên, lãnh đạo hàng loạt các doanh nghiệp lớn đều vắng mặt, hoặc “né” khéo khi được lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề cập tới vấn đề này.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết trước đó, Bộ NN-PTNT đã có mời và thông báo trước với các doanh nghiệp lớn về việc sẽ đề cập tới vấn đề giải pháp nhằm giảm giá thịt lợn. Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn như C.P Việt Nam, Dabaco, Mavin... đều vắng mặt tại cuộc họp.

Đại diện duy nhất của khối các doanh nghiệp là nhân viên của Cty C.P Việt Nam phát biểu tại cuộc họp lại gây thất vọng lớn khi không đả động gì tới vấn đề giá thịt lợn.

Khi được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến điều hành cuộc họp đề nghị giải thích vì sao thời gian qua, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo phải giảm giá thịt lợn, tuy nhiên đến nay, giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức quá cao, trên 80.000 đ/kg? Đại diện Cty C.P Việt Nam cho biết thời gian qua, Cty đã nhiều lần họp bàn đề cố gắng giảm giá thịt lợn và thực tế hiện đã giảm xuống dưới 80.000 đ/kg, cụ thể hiện ở mức... 79.500 đ/kg!

Không hài lòng về những động thái giảm giá thịt kiểu nhỏ giọt, chiếu lệ, có phần né tránh của các doanh nghiệp lớn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gay gắt: Đầu năm 2019, trước ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, giá lợn xuống quá thấp, Bộ NN-PTNT, các bộ ngành, truyền thông đã cùng vào cuộc để “giải cứu”, kêu gọi người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn...

Với sự đồng hành của toàn xã hội, giá thịt lợn đã nhích dần lên. Tới tháng 6, tháng 7/2019 đã vượt trên 40.000 đ/kg, và liên tục tăng cao từ đó đến nay. Đặc biệt giá thịt cao trên 80.000 đ/kg, có lúc hơn 90.000 đ/kg đã duy trì kéo dài suốt từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay.

Thứ trưởng Tiến chỉ thẳng đích danh Cty C.P Việt Nam, hiện mỗi ngày xuất chuồng trên 17.000 đầu lợn thịt, chiếm tới trên 10% thị phần của thị trường, ngoài ra còn có các doanh nghiệp lớn như Dabaco, Mavin..

Hiện giá thành sản xuất lợn hơi bình quân ở mức cao nhất trong tình hình chi phí phòng dịch bệnh tăng cao cũng chỉ xoay quanh 40.000 đ/kg lợn hơi, trong khi các doanh nghiệp xuất chuồng với giá bình quân tới 80.000 đ/kg, lãi quá cao!

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Phúc.

Về vấn đề này, kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh: Vấn đề giá thịt lợn, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đều đã có chỉ đạo phải giảm bằng được.

Tuy nhiên đến nay, giá thịt lợn vẫn duy trì kéo dài ở mức quá cao. Vì vậy trong tuần tới, Bộ NN-PTNT kêu gọi, đề nghị các doanh nghiệp lớn cùng nhau giảm giá, kéo mức giá xuống ít nhất ở mức 75.000 đ/kg.

Nếu các doanh nghiệp không thực hiện, trong tuần tiếp theo, Bộ NN-PTNT cũng như các Bộ ngành liên quan sẽ chuyển sang việc yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện giảm giá. Nếu vẫn cố tình neo giá lợn ở mức cao, Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan sẽ rà soát kiểm tra, căn cứ vào các luật định cũng như quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh để có đủ cơ sở pháp lý buộc xử lí, giảm giá thịt lợn xuống ở mức hợp lý.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết hiện việc tái đàn lợn ở các địa phương đang diễn ra rất thuận lợi và nhanh chóng, một số nơi đã tái đàn sang lứa thứ 2 sau khi dịch tả lợn Châu Phi được đẩy lùi. Vì vậy cố gắng tới khoảng tháng 10/2020, cả nước sẽ đưa được tổng đàn lợn trở về với số lượng bình thường như khi chưa có dịch.