Nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau: Lợi nhuận lớn, nhiều rủi ro

Sản lượng vượt trội, tỷ lệ thành công cao là nguyên do khiến diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau đang tăng nhanh chóng. Nhưng mặt trái của mô hình này đang khiến nhiều ngành, nhiều người lo ngại vì tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...

Đột phá nhưng chưa bền vững

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay nghề nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau không những mở rộng về diện tích, mà còn phát triển nhiều loại hình nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Theo đó, từ diện tích khoảng 100ha nuôi tôm siêu thâm canh vào năm 2006, hiện đã tăng lên hơn 1.800ha với hơn 1.740 hộ nuôi; năng suất bình quân đạt từ 30 – 50 tấn/ha/vụ. Cá biệt có nơi đạt trên 100 tấn/ha/vụ, tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 85%.

 nuoi tom sieu tham canh o ca mau: loi nhuan lon, nhieu rui ro hinh anh 1

Nông dân TP.Cà Mau thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh.  Ảnh: N.Q

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đóng góp khoảng 15% tổng sản lượng tôm nuôi trong toàn tỉnh Cà Mau, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 350.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt trên 1,1 tỷ USD. Theo dự báo, loại hình nuôi này có khả năng đạt 5.000ha vào năm 2020 và đạt 10.000ha vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và nông dân trong tỉnh, loại hình nuôi này đang tồn tại nhiều quy trình nuôi khác nhau, chưa có quy trình chuẩn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Qua kiểm tra thực tế của ngành chức năng, có đến khoảng 50% diện tích và số hộ nuôi không đáp ứng các điều kiện nuôi theo quy định.

Vấn nạn xả thải từ các ao nuôi trực tiếp ra môi trường bên ngoài khi chưa được xử lý triệt để là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước, dịch bệnh lây lan, đe dọa đến tính bền vững của nghề nuôi tôm.

Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững và không ảnh hưởng đến các loại hình khác, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1874 ngày 10.11.2017, quy định tạm thời về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Đồng thời, thành lập tổ kiểm tra 1926 nhằm kiểm tra và hướng dẫn điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở tỉnh.

Tổ kiểm tra đã tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên 36 đợt với 135 hộ, trong số đó chỉ có 26 hộ đạt yêu cầu (chiếm 19,2%), còn lại 91 hộ có một số chỉ tiêu còn hạn chế, đặc biệt có 18 hộ không đạt.

Theo đánh giá của tổ kiểm tra 1926 tại các hộ nuôi tôm thâm canh, hạn chế lớn nhất tập trung ở các ao công trình phụ trợ, khu chứa thải có thiết kế nhưng chưa đảm bảo về diện tích cũng như thể tích chứa, nhiều hộ chưa quan tâm và ý thức tốt việc xử lý nước thải, bùn thải...

Cần quy hoạch vùng nuôi tập trung

Vừa qua, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh. Tại đây, ông Nguyễn Việt Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định, con tôm luôn là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. Kim ngạch xuất khẩu cả nước những năm gần đây luôn đạt 3-4 tỷ USD/năm.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đã đóng góp trên 1,1 tỷ USD, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 2,1 tỷ USD vào sau năm 2021, tỉnh Cà Mau cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ công tác quản lý ngành đến tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm… Trong đó, cần giúp người nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng được các tiến bộ khoa học một cách hiệu quả và bền vững nhất.

Hiện vấn đề nan giải của nghề nuôi tôm ở Cà Mau là chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y - thủy sản, giá cả đầu vào cao, đầu ra còn bấp bênh, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất con giống tràn lan, khó kiểm soát, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra.

Trong khi đó, thực tế là hiện diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển nhanh, trong đó có không ít hộ không am hiểu quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư nên nuôi không hiệu quả.

Nông dân Thái Minh Thức (xã Hòa Tân, TP.Cà Mau), cho biết: “Nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật cao, lượng điện tiêu thụ nhiều, chi phí đầu tư ban đầu lớn… Do đó, để phát triển rộng mô hình cần sự hỗ trợ nhiều hơn của ngành chức năng. Chúng tôi cũng rất cần đầu mối để liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định”.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh đang quyết liệt trong triển khai điều kiện nuôi tôm nhưng nhiều nơi diện tích và số hộ nuôi không đảm bảo điều kiện. Muốn sản xuất hiệu quả thì phải liên kết để hình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời liên kết để tạo nên chuỗi tiêu thụ.

Theo ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh đang tìm giải pháp dồn điền đổi thửa để có vùng nuôi tập trung, đầu tư hạ tầng, thu hút người nuôi tôm vào đây để thuận lợi hơn so với nuôi phân tán. Sở NNPTNT sẽ định hướng cho người dân biết quy hoạch và tuân thủ các quy định của vùng nuôi cũng như các giải pháp bảo vệ môi trường.

Theo Ngọc Quyên (danviet.vn)