Sự kiện 24/7: Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại hơn 10 tỉnh, thành

Trong vòng gần 1 tháng dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Ninh...
dich.jpg

Ngày 9/3, cùng ngày phát dịch với Ninh Bình, Quảng Ninh là địa phương 12 trên cả nước nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Tổng số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy là 6.400 con.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khó lường vì nguồn lây đa dạng, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết 100%. Việc làm quan trọng nhất hiện nay là dập dịch ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng. Các địa phương thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng môi trường; kiểm soát chặt việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn và tạo điều kiện để người chăn nuôi sớm nhận được hỗ trợ khi tiêu hủy lợn bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gửi công văn hỏa tốc: siết cấp lại giấy phép lái xe!

Chiều 7/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã có công văn hỏa tốc, yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

bo-truong.jpg

Theo đó, Bộ trưởng Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nội dung sau:

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe trong cả nước.

- Tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng bằng lái xe nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại bằng lái, hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại bằng lái với mục đích sở hữu đồng thời nhiều bằng lái xe.

- Đối với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại bằng lái xe nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Tổng cục Đường bộ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời đối với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ bằng lái do vi phạm.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt công tác cấp lại bằng lái đã mất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại bằng lái không đúng quy định.

Đồng thời đề xuất các giải pháp xử lý vi phạm đối với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại bằng lái, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại bằng lái.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu lý do ban hành công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ thực hiện các giải pháp trên là theo kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và phản ánh của người dân liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Đây cũng để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - về triển khai giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới.

Hiện nay, thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ quy định "người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng được xét cấp lại giấy phép lái xe".

Với trường hợp người bị mất giấy phép lái xe, quá thời hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, thông tư 12 quy định phải dự sát hạch lại sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

Theo đó, giấy phép lái xe quá hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm phải dự sát hạch lại lý thuyết; quá hạn sử dụng từ 1 năm trở lên phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.

Bộ GTVT thanh tra việc đào tạo lái xe ở 13 tỉnh, thành phố

Theo quyết định của Bộ GTVT, đoàn thanh tra của Bộ GTVT do ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra 3 (Thanh tra Bộ GTVT) làm trưởng đoàn. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tại 13 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang.

Bộ GTVT giao Chánh Thanh Tra Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch thanh tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thay đổi thành viên đoàn thanh tra; chỉ đạo, theo dõi, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT xử lý hoặc trình Bộ trưởng Bộ GTVT xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của đoàn thanh tra.

Thời kỳ thanh tra bắt đầu từ ngày 1/1/2018 đến thời điểm thanh tra. Thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra. Việc thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tại các tỉnh, thành phố nêu trên nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ GTVT.

Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2782/2018 "Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe đảm bảo an toàn giao thông".

Vì sao liên tiếp xảy ra các vụ dâm ô, “gạ tình” học sinh?

Gần đây xảy ra các vụ dâm ô, gạ tình học sinh. Điều này gióng lên hồi chuông về đạo đức nhà giáo và cần có giải pháp căn cơ để ngăn chặn triệt để.

Trong thời gian gần đây, dư luận xã hội đặc biệt dành sự quan tâm, tranh luận xung quanh những vụ việc liên quan đến quan hệ giữa thầy cô giáo với học sinh. Đó là vụ một thầy giáo ở trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tố dâm ô với nhiều học sinh gái. Vụ việc này chưa tạm lắng thì ngay sau đó, dư luận lại bàng hoàng với việc một thầy giáo ở trường THPT chuyên Thái Bình nhiều lần nhắn tin “gạ tình” với một nữ sinh.

Và gần đây nhất là chuyện một cô giáo ở tỉnh Bình Thuận bị chồng tố cáo có quan hệ bất chính với học sinh lớp 10. Điều này đang khiến nhiều người đi từ sửng sốt đến lo lắng về sự xuống cấp trong môi trường sư phạm.

 ga-tinh-hs.jpg

Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - nơi có thầy giáo bị tố cáo dâm ô với nhiều học sinh gái (Ảnh: Zing.vn)

Mặc dù các vụ việc trên đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nhưng lại gióng lên một hồi chuông báo động về vấn đề đạo đức nhà giáo, quan hệ thầy- trò.

Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), trong thời gian qua, Bộ đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh đạo đức nhà giáo. Vấn đề này đã được thực thi ở địa phương – nơi tuyển chọn, sử dụng và quản lý trực tiếp đội ngũ nhà giáo và các nơi cũng đã vào cuộc rất tích cực để xử lý những sai phạm.

Tại một hội nghị tổng kết của ngành Giáo dục năm 2018 được tổ chức trực tuyến ở 63 tỉnh, thành có các lãnh đạo tỉnh tham dự, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các địa phương phải xử lý nghiêm giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.

Bệnh nhân nhiễm HIV chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế

Ngày 8/3, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đồng loạt tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT” nhằm quảng bá dịch vụ này tới đông đảo người dân.

Tại Hà Nội, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức sự kiện này tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm vào sáng nay.

aids.jpg

Ngày 8/3/2019, những người bệnh đầu tiên sẽ nhận thuốc ARV bằng bảo hiểm. (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)

Hơn 10 năm qua, chi phí điều trị thuốc ARV để kháng virus cho bệnh nhân nhiễm HIV là từ nguồn tài trợ quốc tế. Hiện cả nước trên 115 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Trong khi đó, nguồn viện trợ quốc tế đã kết thúc vào năm 2018. Do vậy, Chính phủ đã chỉ đạo chi trả thuốc ARV qua Quỹ Bảo hiểm y tế để tiếp tục giảm gánh nặng cho người bệnh và góp phần đảm bảo tính bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, trước đây rất nhiều bệnh nhân HIV bỏ nhà ra đi, không có giấy tờ tùy thân nên không thể tham gia bảo hiểm y tế. Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành thông tư tháo gỡ vướng mắc này nên hiện nay tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế đã chiếm 90%, gấp 3 lần so với 4 năm trước.

Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết: Trong hướng dẫn gần đây của Bộ Y tế đã tháo gỡ khó khăn. Ví dụ, với những người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân, không có hộ khẩu thì sẽ cung cấp ảnh để dán vào thẻ bảo hiểm y tế. Những người nhiễm HIV thì không nhất thiết tham gia BHYT theo hộ gia đình mà chỉ cần thông qua các Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, thành phố và các cơ sở điều trị để lập danh sách hỗ trợ tham gia BHYT.

Bệnh sốt rét diễn biến phức tạp ở Đắk Lắk

Bệnh sốt rét tại Đắk Lắk đang có những diễn biến phức tạp khi trong hai tháng đầu năm đã ghi nhận 120 trường hợp mắc bệnh, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. 

Nằm điều trị tại khoa Nội, bệnh viện 333, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, anh Đào Văn Hậu, thôn Thanh Sơn, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, cho biết, khoảng 1 tuần trước anh đi thăm bẫy rồi ngủ lại rẫy một đêm. Do thiếu cẩn thận, đem nhầm chiếc màn rách nên bị muỗi đốt. Sau khi từ rẫy về thì anh Hậu bị sốt, tự điều trị ở nhà hai ngày không khỏi nên mới nhập viện.

Huyện Ea Kar hiện là địa phương có số ca sốt rét nhiều nhất tại Đắk Lắk với 57 ca, tập trung nhiều ở 2 xã là Ea Sar và Ea Sô với 40 ca. Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thành, trưởng khoa Nội tổng hợp bệnh viện 333, giai đoạn đầu của bệnh sốt rét dễ nhầm với cảm sốt thông thường nên thường điều trị tại nhà, không khỏi mới tới bệnh viện, trong tình trạng sốt cao:

Theo số liệu thống kê của ngành y tế Đắk Lắk, đến hết tháng 2, tại tỉnh đã xuất hiện 120 ca mắc sốt rét, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Đối tượng mắc chủ yếu ở nam giới, nhóm tuổi thanh niên, trung niên. Đây là các đối tượng thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu giữa các vùng sốt rét lưu hành.

Ông Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng tỉnh Đắk Lắk cho biết, các biện pháp phòng chống sốt rét đang được đẩy mạnh ở tất cả các tuyến, nhất là tại các huyện có bệnh lưu hành, hạn chế tối đa các ca sốt rét ác tính.

Những năm gần đây, công tác phòng chống sốt rét của tỉnh Đắk Lắk đã đạt được mục tiêu về giảm tỷ lệ mắc, tử vong và vùng sốt rét lưu hành, nhưng số bệnh nhân sốt rét phát hiện hàng năm vẫn còn đứng ở mức cao so với khu vực và cả nước. Thế nhưng, người dân trong tỉnh đã bắt đầu chủ quan, đi rừng, ngủ rẫy không mang theo võng màn, ở vùng sốt rét lưu hành nhưng không sử dụng màn tẩm hóa chất diệt muỗi mà ngành y tế cấp.

 V.N (tổng hợp)/kinhtenongthon.vn