Trả hết nợ, xây được nhà đẹp nhờ ăn chắc làm tôm - lúa thắng lớn

“Mới chuyển từ lúa sang tôm - lúa cũng trầy trật lắm, năm đầu còn mất trắng vì chưa rành kỹ thuật nuôi. Nhưng từ khi được dự án khuyến nông Trung ương hỗ trợ, tui làm vụ nào ăn chắc vụ đó” - ông Danh Uôi (xã Nam Yên, huyện An Biên, Kiên Giang) chia sẻ.

Mô hình liên kết kiểu mới

Tại Kiên Giang, thơiời gian qua dự án khuyến nông Trung ương xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm (gọi tắt là dự án) đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên đồng đất quê nhà.

Anh Nguyễn Hồng Mực - thành viên HTX nông nghiệp Bào Trâm là 1 trong 30 hộ được chọn tham gia dự án. Gia đình anh Mực có 1ha ruộng sản xuất một vụ tôm, một vụ lúa. Nhờ thực hiện theo quy trình của dự án nên đã qua 2 vụ tôm, vụ nào anh cũng lãi 60 triệu đồng/ha.

 tra het no, xay duoc nha dep nho an chac lam tom - lua thang lon hinh anh 1

Thành viên HTX nông nghiệp Bào Trâm thăm ruộng lúa.  Ảnh: Chúc Ly

"Ông Nguyễn Văn Nuôi - Trưởng ấp Bào Trâm, cho biết: “Qua thời gian hỗ trợ HTX nông nghiệp Bào Trâm  ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tôm - lúa, có thể khẳng định, dự án đã đem đến sinh khí mới cho vùng quê nghèo khó, nhiều hộ từ cận nghèo vươn lên, làm ăn khá giả”.

Cũng như nhiều hộ khác trong ấp Bào Trâm, gia đình anh Mực từng nhiều năm liền mất mùa do hạn, mặn khi sản xuất lúa 2 vụ. Từ năm 2015, huyện có chủ trương cho người dân xã Nam Yên chuyển đổi một phần diện tích từ canh tác 2 vụ lúa sang lúa - tôm để thích ứng với hạn, mặn. Cũng từ đó anh Mực đã chuyển sang nuôi tôm vào mùa nước mặn, đợi có mưa thì cấy lúa mùa. Dù khó khăn của những ngày đầu chuyển đổi không ít, nhưng với sự cần cù, ham học hỏi, nhất là sự trợ lực kịp thời của dự án, chỉ sau 1 vụ thực hiện quy trình canh tác mới, anh đã nắm vững kỹ thuật nuôi tôm theo hướng bán công nghiệp. Nhờ đó anh Mực vừa rút ngắn thời gian nuôi vừa thu lợi nhuận cao, giúp gia đình anh thoát diện cận nghèo.

Theo anh Mực, năm nay thời tiết ổn định, độ mặn đạt 15‰ nên rất tốt cho việc nuôi tôm. Có sự hỗ trợ từ dự án, gia đình anh tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn tôm, men vi sinh, thuốc sát trùng xử lý đáy ao nên từ đó, thu nhập cũng tăng cao hơn hẳn so với trước.

Trả hết nợ, xây nhà đẹp

Nhìn căn nhà tường khang trang của vợ chồng ông Danh Uôi (thành viên HTX nông nghiệp Bào Trâm), ít ai ngờ cách đây 2 năm, gia đình ông từng là hộ cận nghèo của ấp và suýt phải bán 3ha đất để trả nợ, sau đó đi làm công nhân.

Bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi đến không ngờ ấy là khi huyện có chủ trương cho người dân xã Nam Yên chuyển đổi một phần diện tích từ đất canh tác 2 vụ lúa sang lúa - tôm để thích ứng với hạn, mặn. “Năm đầu thất trắng vì chưa rành kỹ thuật nuôi. Được dự án khuyến nông Trung ương hỗ trợ nên từ đó đến nay gia đình tui làm vụ nào ăn chắc vụ đó” - ông Uôi kể.

Vụ tôm năm 2016, ông Uôi và 29 thành viên HTX nông nghiệp Bào Trâm tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật xử lý gốc rạ và chuẩn bị vuông nuôi trước khi thả tôm giống, kỹ thuật chọn giống và thả giống, quản lý sức khỏe và môi trường nuôi tôm, kỹ thuật cho tôm ăn và phương pháp phòng trị bệnh trên tôm.

Nhờ sự hỗ trợ này mà chỉ sau 1 vụ tôm được hỗ trợ, ông Uôi thu lãi hơn 350 triệu đồng từ 3ha, chuộc được 5 công đất cầm cố và trả dứt nợ. Liên tục nhiều năm liền ông Uôi nuôi tôm lãi từ 250-350 triệu đồng/vụ.

Theo Chúc Ly (danviet.vn)