Nỗ lực cải cách để phát triển

Nỗ lực cải cách để phát triển
Đang có xu hướng gia tăng những lực cản không dễ vượt qua đối quá trình hội nhập của Việt Nam vào đời sống kinh tế thế giới. Cộng thêm vào đó là những vấn đề tồn tại nhiều năm ở trong nước như chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp, sự sụt giảm của ngành khai khoáng cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao độ, Bộ Công thương đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đạt và vượt các kế hoạch đề ra, góp phần vào thành công chung của kinh tế cả nước.

Nỗ lực cải cách để phát triển

Giải quyết tồn tại cũ

Bộ Công thương đã khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.

Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung), 4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định (Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS).

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của Nhà máy (Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ). Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên). Hiện Bộ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án trên. 

Theo kế hoạch, lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong hai năm 2016-2017, Bộ Công thương đã có nhiều nỗ lực trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ trên tinh thần khẩn trương, thực chất. Năm 2016, Bộ Công thương hoàn thành việc cổ phần hóa và chuyển 3 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; đồng thời hoàn thành công tác bán cổ phần lần đầu đối với 2 Tổng Công ty (TCT Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam VEAM và TCT Máy và Thiết bị công nghiệp MIE).

Năm 2017, Bộ tiếp tục xây dựng và thực hiện phương án cổ phần hóa và thoái vốn đối với một số doanh nghiệp có quy mô lớn, tính chất phức tạp. Điển hình thành công có thể kể đến việc thoái vốn tại Tổng Công ty Sabeco và bán cổ phần tại các doanh nghiệp quy mô lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) ...

Nỗ lực cải cách để phát triển

Thời gian qua, Công ty Điện lực Hà Nội nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều kết quả tích cực.

Số liệu khả quan

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng với mức tăng là 10,5%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao 12,7%. Ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ, là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng trên 9%).

Ngành khai thác khoáng sản có những thuận lợi như giá dầu thô, giá một số loại khoáng sản tăng, tình hình tiêu thụ ngành than tăng hơn so với cùng kỳ, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khoáng sản của Chính phủ, một số loại khoáng sản đã tiêu thụ được lượng tồn kho... Do đó, hầu hết các đơn vị trong ngành đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất trong 6 tháng.

Sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo tuy xu hướng tăng trưởng chậm dần nhưng vẫn tăng cao hơn so với cùng kỳ, giữ vững đà tăng trưởng với mức tăng 12,7% . Chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 10,4%, cao hơn mức tăng 9% của cùng kỳ năm 2017. Ngành điện đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Ngành dệt may cũng đã có bước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 6 tháng ước đạt 13,415 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ...

6 tháng qua, sản xuất ôtô ước đạt 114,6 nghìn chiếc, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Thị trường ôtô đã có những thay đổi đáng kể. Sản lượng ôtô lắp ráp trong nước tăng khoảng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 43,7%; 5,3% và 16% so với cùng kỳ năm trước… Sản lượng phân đạm urê ước đạt 1.041,1 nghìn tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ; phân NPK khoảng 1.487,9 nghìn tấn, tăng 2% so cùng kỳ; phân lân (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) khoảng 738,4 nghìn tấn, tăng 5,8% so cùng kỳ; phân DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) khoảng 261,8 nghìn tấn, tăng 42,8% so với cùng kỳ… Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017 (thấp hơn mức tăng 19,4% của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016), bằng 48% kế hoạch  năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 16,3%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017…

Thương mại nội địa tiếp tục giữ được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số, năm sau tăng cao hơn năm trước (năm 2016 tăng 10,2%; năm 2017 tăng 10,9% và 6 tháng đầu năm 2018 tăng 10,1%). Cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, kể cả trong các dịp lễ, tết hoặc ở các địa bàn gặp khó khăn do thiên tai, từ đó góp phần vào công tác bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát.

Công tác quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng được tổ chức triển khai ngày càng bài bản và hiệu quả hơn. Nhiều điểm nóng được quan tâm chỉ đạo giải quyết quyết liệt, rốt ráo, đạt kết quả rõ nét, được dư luận đồng tình ủng hộ. ..

Bước tiến cải cách

Để có được những kết quả khả quan như trên, lãnh đạo Bô Công thương đã rất nhất quán trong những nỗ lực thực hiện những cải cách hết sức mạnh mẽ và toàn diện, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, triển khai mạnh dịch vụ công trực tuyến gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bộ đã thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị, số lượng cấp phòng từ 197 phòng xuống còn 125 phòng, giảm 72 phòng.

Bộ cũng đã tiến hành cắt giảm theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, chiếm tới 55,3% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ xóa bỏ tới 420 mã hàng trong tổng số 720 mã hàng phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý, đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%. Bộ cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 508 thủ tục hành chính của Bộ (cắt giảm 49 TTHC, đơn giản hóa 134 TTHC); triển khai 154 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến của Bộ ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất của Bộ Công thương. Đã triệt để áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phối hợp công tác trong cơ quan Bộ cũng như trong các đơn vị thuộc ngành…

Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đã được tăng cường và chính điều này đã góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công thương đã triển khai 14 cuộc thanh tra hành chính (trong đó có 5 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng), 67 cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và 8 cuộc thanh tra đột xuất, trong đó có việc thanh tra toàn diện Dự án đầu tư xây dựng nhà máy phân bón DAP1, DAP2, Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Dự án muối mỏ Kali tại Lào; xác minh đơn tố cáo liên quan đến tập thể, cá nhân tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội v..v. Kết quả đã phát hiện kịp thời sai phạm, đã xử lý và kiến nghị xử lý kỷ luật một số tập thể, cá nhân có liên quan…

Ban cán sự đảng Bộ Công thương đã chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân sai phạm liên quan đến những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm, sai phạm tại một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công thương. Qua kiểm điểm, đã xác định trách nhiệm, xử lý và đề xuất xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm.    

Mai Ngần/daidoanket.vn