Đổi thay nhờ cây chè

Đổi thay nhờ cây chè
(LĐTĐ) Chè bản Ven - cái thương hiệu chẳng quá đỗi nổi tiếng như chè Thái Nguyên, ấy nhưng đó chỉ là chuyện của những năm về trước. Bây giờ, chè bản Ven không những đã có tên, có tuổi mà còn trở thành loài cây “cứu tinh”, giúp người dân ở những vùng đất khô cằn của huyện Yên Thế, Bắc Giang thoát nghèo ngoạn mục.

Đất “bén duyên” chè

Dưới cái nắng mới dìu dịu, những ngọn đồi bậc thang nổi bật lên màu xanh ngát của cây chè, theo chân ông Ninh Quảng Viện, cán bộ xã Xuân Lương, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Tiếp, ở tại Bản Ven, xã Xuân Lương. Ông Tiếp là người dân tộc Cao Lan, người đã gắn bó với cây chè ở bản Ven được hơn 30 năm.

Không vội vã tiếp chuyện chúng tôi, ông Tiếp pha một ấm trà nhỏ rồi rót mời thực khách phương xa. Ông bảo: “Các chú cứ thưởng thức chút hương vị của bản Ven đi rồi sẽ hiểu cây chè ở đây như thế nào”(?!). Nhấm nháp ly trà trong xanh còn nóng hổi, hương bay thơm lừng, vị giác của tôi dường như tê dại bởi thứ vị ngọt bùi vương vấn trên đầu lưỡi.

Chẳng biết có phải do uống thứ trà đá giản đơn và phổ thông ở Hà Nội nhiều nên tôi chợt thấy bất ngờ khi được nếm thử thứ chè lạ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, đây là một loại chè có hương vị riêng mà thiên nhiên đã ban phát cho vùng đất này. Chẳng thế mà, chè ở đây vốn chẳng nhiều, giá cũng chẳng rẻ nhưng thương lái cứ đổ dồn về Xuân Lương thu mua chè.

doi thay nho cay che
Từ khi chú trọng phát triển cây chè, đời sống người dân xã Xuân Lương và các xã lân cận đổi thay một cách rõ rệt.

Chè xanh vốn là đặc sản của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, hương vị của mỗi loại không giống nhau nhờ vào thổ nhưỡng canh tác và phương pháp chế biến khác nhau của mỗi địa phương. Chè bản Ven cũng vậy, nhờ bí quyết ủ đặc biệt của người Cao Lan mà chè ở đây có hương vị đặc sắc, riêng biệt. “Hương vị của chè bản Ven khác biệt với các loại chè khác là do thổ nhưỡng và cách chế biến truyền thống của người Cao Lan chúng tôi. Sau khi sao khô, chè được sàng lại cho bớt vụn rồi cất vào ống tre hoặc ống nứa có độ dày tương đối, nút chặt lại và đặt lên gác bếp. Nhiệt độ cao của nơi này sẽ giữ cho chè không bị ẩm mốc, để được quanh năm. Hương chè cũng giữ được từ 80 đến 90% so với lúc khi vừa sao”, ông Tiếp nói.

Tiếp lời, ông Viện cũng khẳng định chắc nịch với chúng tôi rằng: “Dường như cây chè sinh ra là dành cho mảnh đất này. Cây cứ mọc tự nhiên trên sườn đồi, chẳng ai chăm bón nhưng cứ xanh tươi, trở thành một thức uống hằng ngày người dân bao năm qua. Khách ở đâu đến uống trà cũng trầm trồ khen ngợi, chè nơi đây nước xanh, thơm ngon. Họ bảo, chè nơi đây được chất đất ban tặng mới được như vậy”.

Qủa thật, ở những mảnh đất khô cằn mà cây chè vẫn có thể sống được. Trong khi đó, mức đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè rất ít nên những hộ nghèo cũng có thể trồng được chè. Thế nên những năm qua, cây chè dần khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều cây trồng khác. Cũng từ đây, cây chè đã lan sang những triền đồi thấp ở khu vực lân cận, trở thành cây “xóa đói, giảm nghèo” trên vườn bãi khô cằn.

Đổi đời nhờ cây chè

ông Ninh Quảng Nghiệp, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lương cho biết: “Thực sự, cây chè là cứu tinh của người dân nơi đây. Nhờ phát triển cây chè theo hướng hàng hóa mà đời sống của người dân trong xã đã khấm khá lên rất nhiều. Cây chè đã trở thành cây trồng xóa đói, giảm ngèo, làm giàu cho bà con trong xã. Mỗi năm sản lượng bình quân đạt từ 6 - 8 tấn/ha, người dân thu lãi khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng/hộ”.

Những năm trước đây, bản Ven là một trong những bản có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã Xuân Lương. Tỷ lệ hộ nghèo nơi đây có năm lên tới 80%. Cả bản Ven có hơn 140 hộ, có tới hơn 100 hộ thuộc hộ nghèo. Cuộc sống hằng ngày trông chờ vào ruộng nương. Trong khi đó, nhiều nơi đất đai cằn cỗi, năng suất lúa thấp. Vì vậy, các gia đình trong bản thường xuyên rơi vào tình cảnh đói ăn. Khoai sắn nhiều thời điểm không có để ăn, người dân phải vào rừng lấy măng, lấy nứa về ăn qua bữa.

“Cuộc sống của người dân khi đó đối mặt với muôn vàn khó khăn. Họ phải sống trong ngôi nhà tranh vất đất, con cái không được đầu tư ăn học đến nơi, đến chốn. Chính quyền địa phương cũng rất trăn trở trong việc giúp người dân xóa đói giảm nghèo nhưng đất nghèo, lúa, ngô, khoai, sắn chẳng được bao nhiêu. Nhưng giờ đã khác rồi…”, ông Viện nói.

Quả thật, từ khi phát triển cây chè, đời sống người dân xã Xuân Lương và các xã lân cận đổi thay một cách rõ rệt. Hàng nghìn hộ dân đã có “của ăn, của để”, một số mở rộng quy mô trồng và chế biến, không những thoát nghèo mà còn trở nên giàu có.

Anh Hoàng Văn Hà, bản Ven, xã Xuân Lương là một điển hình trong các hộ gia đình chuyển đổi cây trồng, tập trung trồng và chế biến chè. Trước đây, gia đình anh Hà thuộc diện khó khăn nhất nhì xã nhưng giờ đây đã là “triệu phú” chè.

“Năm 2007 gia đình tôi thuộc diện nghèo nhất vùng này. Khi đó, gia đình tôi có vài sào ruộng, trồng lúa quanh năm không đủ ăn. 4 vợ chồng con cái sống trong căn nhà tranh, vách đất. Mỗi khi mưa bão xuống, tôi phải làm cọc, lấy áo mưa căng cho nhà đỡ dột. Năm 2008 gia đình tôi được Nhà nước đầu tư dự án hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế.

Theo dự án đó, gia đình tôi được hỗ trợ giống chè, phân bón cùng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè. Chỉ vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình tôi đã trả hết số vốn ban đầu. Sang vụ thứ hai, tôi đã mua thêm mấy sào đất, mở rộng diện tích trồng chè. Đến nay, gia đình tôi trồng trên 10 sào chè (mỗi sào cho thu nhập từ 10-12 triệu/ năm). Vì vậy, mỗi năm trừ tất cả các chi phí gia đình tôi thu lãi khoảng hơn trăm triệu đồng”, anh Hà kể.

Sự thay đổi của gia đình anh Hà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều hộ gia đình trong xã học tập, quyết tâm thay đổi vận mệnh. Ông Hoàng Văn Thành, ở bản Ven là trường hợp như vậy: “Từ khi gia đình anh Hà phát triển cây chè, kinh tế khá giả, anh xây dựng được nhà cửa khang trang và đầu tư cho con cái ăn học tử tế. Rồi còn tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động trong bản. Điều đó thôi thúc và khích lệ người dân trong bản làm theo…

Gia đình tôi cũng theo đó mà trả được hết nợ. Lại còn xây dựng được nhà cửa khang trang và mua nhiều đồ vật đắt tiền. Đời sống bớt cơ cực và ổn định hơn nhiều so với ngày chỉ trông vào ngô, khoai”, ông Thành nói.

Từ cái nhìn bao quát, ông Ninh Quảng Nghiệp, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lương cho biết: “Thực sự, cây chè là cứu tinh của người dân nơi đây. Nhờ phát triển cây chè theo hướng hàng hóa mà đời sống của người dân trong xã đã khấm khá lên rất nhiều. Cây chè đã trở thành cây trồng xóa đói, giảm ngèo, làm giàu cho bà con trong xã. Mỗi năm sản lượng bình quân đạt từ 6 - 8 tấn/ha, người dân thu lãi khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng/hộ”.

Trở thành một thương hiệu

Từ vùng trồng chè ban đầu tại Bản Ven, đến nay trồng chè đã được nhân rộng ra khắp 7 xã lân cận như Đồng Tiến, Đồng Vương, Xuân Lương, Canh Đậu, Đồng Tâm… Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu thương hiệu nên người dân hay bị các tiểu thương ép giá, gắn mác với các loại chè ở vùng khác.

Trước vấn đề cấp thiết đó, UBND huyện Yên Thế đã xây dựng và triển khai nhiều đề án phát triển sản xuất chè như nâng cao chất lượng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa; phát triển vùng trồng chè chất lượng cao giai đoạn; cải tạo nương chè già cỗi; thành lập HTX để tiếp thị, xây dựng thương hiệu chè.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thế cho hay: “Hiện nay, huyện Yên Thế có khoảng 500 ha chè đang cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 2,3 nghìn tấn chè búp tươi, với mức giá bán bình quân 15 nghìn đồng/kg, thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Dự kiến, sẽ mở rộng diện tích trồng chè lên 700 ha vào năm 2020.

Cùng với việc mở rộng diện tích, huyện Yên Thế cũng khuyến khích người dân đưa các giống chè mới vào canh tác thay thế giống cũ. Các giống chè mới được đưa vào trồng cho năng suất đạt từ 9 - 10,5 tấn/ha/năm, tăng từ 3 - 3,5 tấn/ha/năm so với năng suất giống chè đã trồng cũ.

Đặc biệt, thời gian qua, huyện Yên Thế tiến hành các hoạt động xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất chè theo quy trình VietGAP, có sự lồng ghép khoa học kỹ thuật với bí quyết hái chè, chế biến, sao, bảo quản, lấy hương của người dân tộc Cao Lan, từ đó tạo ra những sản phẩm chè độc đáo, thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Sản xuất HTX chè Thân Trường cho biết: “Hợp tác xã phấn đấu nâng năng suất và chất lượng sản phẩm chè Yên Thế, quảng bá, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến.

Như áp dụng quy trình sản xuất VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng chè thương phẩm, vận động bà con chú trọng nâng chất lượng sản phẩm chè, cam kết áp dụng đúng quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo sản phẩm chè an toàn cho người tiêu dùng”.

Văn Hùng/laodongthudo.vn