Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Một số vấn đề cần khắc phục

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Một số vấn đề cần khắc phục
Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) là một chủ trương hết sức đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước. Chủ trương này đã trở thành phong trào sâu rộng, lan tỏa nhanh, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện và đạt hiệu quả rất thiết thực. Trước hết, chương trình đã làm cho diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, đồng thời góp phần quan trọng vào tăng trưởng nông nghiệp. Năm 2017, tăng trưởng chung của nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,9%. Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ưu điểm là chủ yếu, Chương trình xây dựng NTM cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Một là, một số địa phương do không nhận thức đầy đủ các tiêu chí xây dựng NTM nên đã phá vỡ quy hoạch làng quê cũ để dần đô thị hóa, bê tông hóa. Bờ rào ngăn cách giữa hộ này với hộ khác trước đây được trồng cây xanh như dâm bụt... nay hầu hết được xây tường bê tông kiên cố. Diện tích cây xanh ở nhà vườn, trên đường làng, ngõ xóm giảm, số nhà ống tăng nhanh… làm mất đi những cái hay, cái đẹp của nông thôn Việt Nam. Đầu mỗi xã, mỗi làng đều mọc lên những cổng chào, cổng làng văn hóa to cao thay cho “cây đa, giếng nước, lũy tre xanh”. Ở nhiều thị trấn, thị tứ miền núi Tây Bắc, miền Trung vì núi cao, vực thẳm, đất làm nhà khó khăn nên số lượng nhà ống càng tăng.

Hai là, một số địa phương chạy theo thành tích nên huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng dẫn đến phát sinh nợ xây dựng cơ bản lớn. Theo tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành, tính đến ngày 30.11.2017 số nợ xây dựng cơ bản thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là khoảng 5.845 tỷ đồng. Điều rất đáng quan tâm là khá nhiều xã do ngân sách quá thấp đã trình cấp có thẩm quyền hoặc vi phạm pháp luật bán đất lấy kinh phí xây dựng hạ tầng vì thế diện tích “bờ xôi, ruộng mật” giảm sút nhanh, cá biệt có cán bộ lợi dụng bán đất để tham ô...

Ba là, vấn đề quản lý môi trường, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều nơi còn buông lỏng làm cho môi trường sống ở nông thôn bị ảnh hưởng. Tình trạng chất thải rắn như bao ni lông, phế liệu xây dựng cơ bản… đổ bừa bãi ngày càng nhiều, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm mất cảnh quan làng mạc. Một bộ phận nông dân sử dụng thuốc trừ sâu để phòng trừ sâu bệnh, sử dụng chất kích thích để tăng sản lượng cây trồng, sử dụng chất bảo quản hoa quả, rau xanh… không đúng quy định đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Bốn là, việc thực hiện nếp sống văn hóa, các thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở một số làng, xã không được coi trọng và thiếu sự quản lý chặt chẽ. Nhiều gia đình tổ chức đám cưới, tang lễ khá tốn kém, lãng phí. Cá biệt một số nơi còn để hoạt động mê tín dị đoan diễn ra. Việc tổ chức các lễ hội vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống, văn hóa vừa góp phần phát triển du lịch nhưng cá biệt có những địa phương cho phép tổ chức quá nhiều lễ hội cũng cần được xem xét, chấn chỉnh, hạn chế lãng phí.

Năm là, trong lúc nhiều nơi cấp ủy, chính quyền chăm lo rất tốt chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống “tình làng nghĩa xóm”, “lá lành đùm lá rách”, “uống nước nhớ nguồn” thì có nơi tình trạng bạo hành phụ nữ, trẻ em, tình trạng hiếp dâm, mại dâm, trộm cắp, giết người… còn diễn ra, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, trật tự, đến tâm tư, tình cảm của người dân mong muốn có một nông thôn bình yên, đáng sống. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn nhiều nơi trở thành vấn đề rất nóng. Do chính sách phát triển công nghiệp, ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp với mục tiêu “ly nông bất ly hương” đạt kết quả thấp nên đa số thanh niên phải ra đô thị, đến các khu công nghiệp tìm việc làm. Một số làng quê hiện nay chủ yếu chỉ có người già và trẻ em do thanh niên bỏ đi làm ăn xa trong lúc thành thị phải chịu áp lực tăng dân số cơ học rất lớn…

Bê tông hóa gioa thông ở nông thôn, một trong những tiêu chí để đạt chuẩn Nông thôn mới
Bê tông hóa gioa thông ở nông thôn, một trong những tiêu chí để đạt chuẩn Nông thôn mới

Sáu là, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, việc xã hội hóa, phát huy sự đóng góp của các thành phần kinh tế, các tổ chức… để xây dựng cơ sở hạ tầng là cần thiết. Nhiều địa phương thực hiện rất tốt công tác dân vận, quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nên “về đích” xã, huyện NTM sớm hơn. Tuy nhiên, một số địa phương không phát huy tốt dân chủ của nhân dân, không coi trọng công tác vận động, thuyết phục quần chúng, không chấp hành tốt quan điểm của Đảng “…huy động sức dân phải gắn với bồi dưỡng sức dân” nên yêu cầu người dân đóng góp quá mức so với thu nhập. Cá biệt một số nơi do quản lý không tốt, không phát huy vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài, có nơi để xảy ra “điểm nóng”.

Bảy là, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sơ kết, tổng kết thường xuyên nên có chuyển biến tốt và ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên trên các diễn đàn, các phương tiện truyền thông lại sử dụng khá nhiều khái niệm như: NTM, NTM kiểu mẫu, NTM phát triển bền vững, NTM tiêu biểu, NTM tiên tiến, NTM xuất sắc, NTM đáng sống... vì thế cần thảo luận, cân nhắc sử dụng khái niệm nào cho thống nhất trong cả nước, nên nhất quán sử dụng đúng tên gọi, tên chương trình mà Đảng, Nhà nước đặt ra: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Ba từ “Nông thôn mới” là đầy đủ như mong muốn của nhân dân nói chung, của bà con nông dân nói riêng.

 

Để góp phần khắc phục một số hạn chế nêu trên, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới quyết liệt hơn nữa. Trước hết vẫn phải tiếp tục quán triệt mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, phương pháp triển khai chương trình để làm chuyển biến sâu sắc hơn nữa về nhận thức cho đội ngũ cán bộ trong cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị.

Ban chỉ đạo chương trình Trung ương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cấp ủy, chính quyền địa phương để đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo tích cực. Kịp thời sơ kết, rút kinh nghiệm, nhất là tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình sáng tạo, làm tốt, làm có hiệu quả ra cả nước. Căn cứ đặc thù một số vùng miền, nhất là những nơi nông thôn khó khăn như Tây Bắc, Tây Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên để vận dụng thực hiện các tiêu chí NTM linh hoạt, sáng tạo, phù hợp.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước ở các địa phương như quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội… Phấn đấu trong thời gian tới nông thôn Việt Nam đều trở thành NTM, đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân đều được cải thiện, nâng cao như các chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đặt ra.

Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương
Nguồn: nongthonviet.com