Đầu tư nông nghiệp nhiều rào cản

Đầu tư nông nghiệp nhiều rào cản
Nông nghiệp được các nhà đầu tư và khởi sự kinh doanh đánh giá là lĩnh vực đầu tư thời thượng và đang là xu hướng. Tuy nhiên, thực sự các doanh nghiệp đang gặt gì khi gieo vốn vào nông nghiệp?

Một cuộc trò chuyện của Nông thôn Việt với hai trong số 800 doanh nghiệp vừa có mặt tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Đà Lạt cuối tháng 7 vừa qua cho thấy: Nông nghiệp vẫn được đánh giá là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, điểm cộng từ sức ủng hộ của Chính phủ càng khiến nông nghiệp thêm sức hút. Tuy nhiên, vẫn không thiếu một số điểm trừ khiến các nhà đầu tư và DN phải dè dặt.

Cơ chế nào cho tài sản đầu tư trên đất nông nghiệp?

Từ cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo cần phải có một gói tín dụng dành 100.000 tỷ đồng với cơ chế vay ưu đãi, thuận lợi, thông thoáng nhất để khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền Nông nghiệp Công nghệ cao (NNCNC).

Dưa lưới hữu cơ trồng ở Trang trại Việt, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Trang trại Việt
Dưa lưới hữu cơ trồng ở Trang trại Việt, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Trang trại Việt

Ngày 24.4.2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 813 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07.03.2017 của Chính phủ. Đây là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước mà nguồn vốn do các ngân hàng thương mại cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường.

Theo đó là gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ từ 8 ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0.5%/năm đến 1.5%/năm so với các chương trình cho vay khác.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP NNCNC Đông Á, đơn vị đang phát triển trang trại cây ăn quả với dưa lưới, thanh long, ổi ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận: Việc công nhận tài sản đầu tư trên đất nông nghiệp hiện đang là khúc mắc lớn đối với DN, đặc biệt là DN làm NNCNC.

Theo đó, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó tài sản hình thành trên đất nông nghiệp của các dự án NNCNC như nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng, trang thiết bị phải đầu tư lớn nhưng lại không được chứng nhận là tài sản bảo đảm để vay vốn. Những cuộc gặp con thoi giữa DN và cơ quan có thẩm quyền làm nản lòng doanh nghiệp khi tài sản trên đất nông nghiệp vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Kéo theo đó là khó khăn trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Ông Minh tâm sự: Có một sự bất công cho các DN đầu tư bất động sản thuần và DN đầu tư nông nghiệp khi mà DN đầu tư bất động sản cần đầu tư 10 tỷ, có thể vay 7 tỷ dễ dàng, trong khi đối với DN nông nghiệp, con số này có khi còn chưa đến 1 tỷ.

Tuy nhiên, ngày 20.6 năm nay, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTP có giá trị từ ngày 4.8.2018, qui định các tài sản bảo đảm được đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp có bao gồm các công trình xây dựng nhà lưới, nhà màng, giếng nước...

Ông Phạm Văn Minh hi vọng: Hiện nay, những văn phòng công chứng thuần chỉ chứng nhận cho những tài sản hiện hữu trên sổ đỏ, nên thông tư mới này có thể là hướng mở cho các DN về tín chấp tài sản hình thành trên đất nông nghiệp.

Gánh nặng chi phí vận chuyển

Một trong số chướng ngại khiến DN phải nhíu mày khi thực sự tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp là gánh nặng về chi phí vận chuyển nông sản, kể cả vận chuyển - logistics trong nước và xuất khẩu. Báo cáo công bố về “Thị trường Logistics Việt Nam 2017” cho biết chi phí logistics trên GDP ở Việt Nam là 20,9%. Cụ thể hơn với ngành rau quả Việt Nam, khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết chi phí logistics chiếm đến 29,5%, tức khoảng 1/3 giá trị.

Trong khi đó, tỷ lệ chi phí logistics trên GDP ở Trung Quốc chỉ là 15,4%, Thái Lan thậm chí có 10,7%. Hay ở bình diện rộng hơn, trung bình khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 13,5%; châu Âu và Bắc Mỹ là thấp nhất, chỉ có 9,2% và 8,6%, trong khi mức trung bình thế giới là 11,7%. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam từng đưa ra thống kê, chi phí vận tải, nhiên liệu chiếm 30-35%, phí cầu đường (BOT) chiếm 15% đối với tuyến Bắc - Nam và xấp xỉ 30% với tuyến Hải Phòng - Hà Nội. Bên cạnh đó, có loại phí được xếp là phí “trà nước” chiếm xấp xỉ 5%.

Trang trại trong nhà lưới của HTX Tân Tiến, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NTV
Trang trại trong nhà lưới của HTX Tân Tiến, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NTV

Một vướng mắc khác của DN trong lĩnh vực nông nghiệp là sự thiếu hụt thông tin về khả năng cung ứng nông sản trong nước, cụ thể là diện tích, vùng trồng các nông sản ở địa phương. Từ các số liệu này, doanh nghiệp có thể cân đối nguồn cung thị trường. Điều đáng buồn là hiện các sở NN&PTNT từ địa phương đều có báo cáo về thông tin này, nhưng theo một số doanh nghiệp, bản thân các báo cáo này còn có sai lệch về con số thống kê trong cùng một thời điểm gần nhau khiến độ chính xác không còn đáng tin.

Trên thực tế, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục duy trì những tín hiệu lạc quan. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết quý II/2018, ước tính cả nước có khoảng hơn 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước, con số không lớn nhưng có sự chuyển biến so với trước đây.

Ông Nguyễn Công Minh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển kỹ thuật Nông nghiệp Công nghệ cao, đánh giá: Những công tác cụ thể từ chính sách thực thi sẽ cần một thời gian, nhưng trước mắt, những thông điệp rõ ràng về ủng hộ đầu tư vào nông nghiệp đã tạo guồng chuyển động rất tích cực cho DN.

Tuy nhiên ông cũng nhận thấy: để tránh tình trạng “lờn thuốc” - khi những chủ trương nguội lạnh sau các cuộc hội thảo, guồng quay đầu tư nông nghiệp cần được hâm nóng liên tục từ việc cải cách các chính sách và nâng cao hơn nữa tinh thần hỗ trợ từ Chính phủ đến cơ quan có thẩm quyền cấp cơ sở - nơi giải quyết trực tiếp các thủ tục cho DN.

Uyên Linh/nongthonviet.com