Gập ghềnh bảo hiểm nông nghiệp

Gập ghềnh bảo hiểm nông nghiệp
Sau một thời gian dài “án binh bất động”, chính sách bảo hiểm nông nghiệp được tái khởi động bằng một nghị định mới và một dự thảo quyết định của Thủ tướng liên quan tới lĩnh vực này, theo đó Nhà nước sẽ chi khoảng 665 tỉ đồng/năm để hỗ trợ bảo hiểm cho nông dân.
Cần mở rộng thêm đối tượng bảo hiểm là cây công nghiệp như cao su... Ảnh: Thành Hoa



























Lo chưa triển khai đã hết hiệu lực

Quyết định 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 sau ba năm triển khai trên một số sản phẩm và tại một số địa phương thì đã gần như “nằm im” trong năm năm qua.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58 về bảo hiểm nông nghiệp. Tiếp theo đó là việc lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2018-2020. Đây được coi là tiến trình tái khởi động chính sách bảo hiểm nông nghiệp rất có ý nghĩa này.

Theo dự thảo, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp; cá nhân không thuộc hộ nghèo và cận nghèo, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường được hỗ trợ 20% mức phí.

Những sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp là cây lúa, trâu, bò, tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Đồng thời, địa bàn áp dụng hỗ trợ phí bảo hiểm này gồm 20 tỉnh thành trên cả nước. Thời gian áp dụng hỗ trợ hai năm, từ 2018-2020.

Theo dự thảo tờ trình mà Bộ Tài chính gửi Chính phủ, sở dĩ chỉ một số loại nông sản được hỗ trợ vì các đối tượng bảo hiểm này đã được triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong giai đoạn 2011-2013 theo Quyết định số 315, và có khả năng mở rộng việc triển khai. Ngoài ra, ngân sách nhà nước hiện nay còn khó khăn, thời kỳ đầu cần ưu tiên các sản phẩm có quy mô, diện tích mang tính đại diện cho các vùng miền, tạo thuận lợi cho việc triển khai bảo hiểm theo nguyên tắc lấy số đông bù số ít.

Bộ Tài chính ước tính kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp của ngân sách nhà nước khoảng 665 tỉ đồng/năm, trong đó, kinh phí hỗ trợ bảo hiểm tôm sú, tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng gần một nửa, tương đương 321 tỉ đồng/năm. Nguồn hỗ trợ này sẽ lấy từ ngân sách trung ương khoảng 639 tỉ đồng/năm, ngân sách địa phương khoảng 26 tỉ đồng/năm.

Đóng góp cho dự thảo quyết định trên, qua tham khảo ý kiến một số địa phương và một số doanh nghiệp bảo hiểm, ông Hoàng Xuân Điều, Phó giám đốc Ban phụ trách Bảo hiểm nông nghiệp, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, cho rằng cần mở rộng thêm đối tượng là cây công nghiệp như cà phê, cao su, cây làm nguyên liệu giấy. Đối với vật nuôi cần bổ sung thêm heo và gia cầm. Địa bàn cũng nên mở rộng, không nên cố định một số tỉnh như trong dự thảo quyết định.

Bên cạnh đó, theo ông Điều, dự thảo quyết định quy định thời gian quá ngắn, chỉ hai năm. “Thời gian thực hiện hỗ trợ nên kéo dài chứ để hai năm như dự thảo thì chính sách chưa kịp triển khai đã hết hiệu lực”, ông Điều nói.

Còn rất nhiều khó khăn

Theo ông Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP), thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), quy định mới trong nghị định về bảo hiểm nông nghiệp đã mang tính thị trường hơn, thay vì hai doanh nghiệp Bảo Việt và Bảo Minh, đã có nhiều doanh nghiệp có thể tham gia thị trường này.

Tuy nhiên, quy định của nghị định chưa bao quát để doanh nghiệp bảo hiểm có thể đánh giá được đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra. “Ví dụ vụ vỡ đập ở Lào vừa rồi là sự kiện rủi ro mà nghị định vẫn chưa tính tới. Điều này làm tăng tính bất định cho các công ty bảo hiểm”, ông Khôi nói.

Ngoài ra, nghị định có khoảng 6 loại bảo hiểm khác nhau. Mỗi loại bảo hiểm cần một hệ thống giám sát, đánh giá và quản lý cơ sở dữ liệu khác nhau. Điều này đòi hỏi một cơ sở dữ liệu khổng lồ.

Ví dụ, loại bảo hiểm theo chỉ số năng suất cần cơ sở dữ liệu có tính chất hồi tố lịch sử để xác định được xác suất rủi ro đó trong tương lai. Trong khi đó, hiện nay các công ty bảo hiểm Việt Nam chưa đủ năng lực thực hiện được cơ sở dữ liệu như vậy.

Một điểm nữa là mỗi doanh nghiệp bảo hiểm khi tham gia sẽ cần có một bộ nguyên tắc. Nông dân muốn mua bảo hiểm nông nghiệp phải thực hiện đúng nguyên tắc đó thì sau này khi xảy ra các sự kiện bảo hiểm mới được đền bù.

“Nhưng với quy mô nhỏ lẻ như ngành nông nghiệp thì làm sao doanh nghiệp bảo hiểm có thể xuống đánh giá từng hộ nông dân xem có làm đúng quy trình hay không”, ông Khôi nhận xét.

Người bán đã ít, người mua cũng không nhiều. Số lượng nông dân tham gia càng nhiều thì doanh nghiệp mới bù đắp được chi phí bỏ ra. Hiện nay, nông dân sản xuất quy mô quá nhỏ lẻ, thậm chí xuất hiện tình trạng bỏ ruộng đối với cây lúa tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, thì khó có thể kỳ vọng nhiều nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới.

Sau ba năm thực hiện Quyết định 315, doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỉ đồng nhưng phải giải quyết bồi thường lên tới 713 tỉ đồng cho người mua bảo hiểm; trong đó lĩnh vực thủy sản có mức chi bảo hiểm cao gấp ba lần doanh thu.

Cùng chung quan điểm này, ông Hoàng Xuân Điều nói: “Doanh nghiệp không đặt vấn đề chính sách có hấp dẫn đối với doanh nghiệp không mà quan tâm đến chính sách bảo hiểm nông nghiệp có đủ sức hấp dẫn và thu hút bà con nông dân tham gia hay không”.

Để chính sách đi vào cuộc sống nông nghiệp nông thôn cần phải có thời gian và rất nhiều việc phải làm, như thiết kế sản phẩm phù hợp, quản lý rủi ro, tổ chức tuyên truyền, thuyết phục, vận động người dân tham gia bảo hiểm...

Trong một hội thảo gần đây, bà Hoàng Thị Tính, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), cho rằng để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào bảo hiểm nông nghiệp điều quan trọng là các địa phương cần cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm các cơ sở dữ liệu về tổn thất để nhà tái bảo hiểm quốc tế có đủ cơ sở cung cấp vốn; quy tắc, điều kiện bảo hiểm và mức phí bảo hiểm phù hợp. Các địa phương cũng cần ban hành quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp đặc thù của từng địa phương.

Vẫn nên thí điểm?

Nông nghiệp là lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đóng góp 70% nguồn thu nhập cho người dân nông thôn Việt Nam. Ngành này đối mặt với nhiều rủi ro. Ngoài việc phải chịu các rủi ro nội tại như nguồn giống, dịch bệnh, kỹ thuật, còn phải đối mặt với rủi ro khách quan như thời tiết, khí hậu, thiên tai bất ngờ.

Theo các chuyên gia trong ngành, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới chỉ ra rằng bảo hiểm nông nghiệp là một công cụ hiệu quả để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội. Nghị định mới thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hiện thực hóa chính sách bảo hiểm nông nghiệp, tuy nhiên nó vẫn chưa xử lý một cách triệt để những bất cập của chính sách và vẫn nên thí điểm bảo hiểm nông nghiệp thêm một thời gian nữa. “Chính phủ và Bộ Tài chính nên chọn ra 5 loại bảo hiểm, mỗi loại tập trung thí điểm tại một địa phương nào đó”, ông Khôi nói.

Tỉnh tham gia thực hiện thí điểm phải đáp ứng được tiêu chuẩn là có ngân sách địa phương đủ lớn, đã xây dựng được chuỗi sản xuất nông nghiệp là các sản phẩm chủ lực quốc gia như lúa gạo, tôm, trái cây... Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng khác như hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ sở dữ liệu tại địa phương đó phải phát triển tương đối đầy đủ. 

Theo Thùy Dung/thesaigontimes.vn