Hướng ra nào cho doanh nghiệp nông nghiệp?

Hướng ra nào cho doanh nghiệp nông nghiệp?
Sau nhiều năm đổi mới và sắp xếp lại, doanh nghiệp nông nghiệp được đánh giá vẫn còn nhiều yếu kém, trong đó nổi cộm phải kể đến như: Năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, giá thành sản xuất…

Nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, cả nước hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ tương đối ít và chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này cũng tương đối hạn chế, chỉ chiếm 2,9% tổng số dự án FDI, chưa đến 1% tổng số vốn của FDI.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm trước đây toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp chỉ có hơn 3.000 DN, chiếm chưa đến 1% tổng số DN của cả nước. Bằng sự kêu gọi và tạo điều kiện, năm 2017 được cho là năm đặc biệt khi lần đầu tiên sau nhiều năm, số DN mở rộng đầu tư vào nông nghiệp tăng lên gần 2.000. Tuy nhiên, với con số trên, sự đầu tư của DN vào nông nghiệp vẫn chưa được coi là xứng tầm với một đất nước được coi là có thế mạnh về nông nghiệp như ở nước ta.

Cũng từ các con số thống kê cho thấy, mặc dù DN tư nhân phát triển rất nhanh trong cả nước nhưng các DN tư nhân nông nghiệp lại tăng rất chậm. Số DN nông, lâm thủy sản tăng chậm và chỉ thu hút khoảng trên 70 ngàn lao động. Phần lớn DN tư nhân nông nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Vốn kinh doanh trung bình của một DN nông nghiệp tư nhân thấp hơn nhiều so với các DN thuộc lĩnh vực khác đã tạo ra áp lực cho phát triển của DN cũng như giải quyết lao động, đầu ra của khối ngành này.

 

 Hạn chế về mô hình DN nông nghiệp tư nhân liên kết chặt chẽ với nông dân đã tạo áp lực cho lợi nhuận nông nghiệp.

 

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN tư nhân trong nông nghiệp còn thấp, số DN thua lỗ có xu hướng tăng, sự kết nối thị trường của các DN tư nhân trong nông nghiệp còn kém. Phần lớn các DN thực hiện thu mua nông sản của nông dân thông qua hệ thống các đại lý hay thương lái, ít các mô hình có liên kết trực tiếp với nông dân ngoài một số DN có tên tuổi như: Công ty TNHH Ba Huân, TH Truemilk, Dabaco…

Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra, nhưng đầu tư về nông thôn vẫn giảm dần dẫn đến giảm tỷ lệ DN đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Điều kiện sản xuất kinh doanh vẫn không thực sự thuận lợi cho hình thức kinh tế quan trọng này nên đã dẫn đến tình trạng hàng triệu hộ kinh doanh sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp vẫn tránh đăng ký thành DN tư nhân đó là còn chưa kể đến một số DN đăng ký dưới hình thức hợp tác xã.

Trong quá trình đổi mới, DN nhà nước trong nông nghiệp đã mạnh mẽ về số lượng qua từng giai đoạn sắp xếp và đổi mới quản lý. Tính đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT trực tiếp quản lý 14 tổng công ty và 31 DN độc lập. Sau nhiều năm đổi mới và sắp xếp lại, DN nông nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều yếu kém về năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, giá thành sản xuất, công nghệ, phát triển chuỗi ngành hàng…

Mô hình tổ chức vẫn còn nhiều bất cập giữa vai trò của tổng công ty, vai trò của hiệp hội ngành hàng; phân vai giữa hội đồng quản trị và ban giám đốc; giữa nhiệm vụ công ích và kinh doanh. Cũng theo con số thống kê gần đây, vẫn còn khoảng 12,22% DN thua lỗ dẫn đến tình trạng các loại hình tổ chức này chưa thực hiện được vai trò chủ đạo trong kinh tế ngành.

 

Được tạo cơ chế nhưng DN nông nghiệp phát triển chưa được như mong muốn, nhất là ở các khu vực miền núi. 

 

Trong kinh tế nông nghiệp, các nông lâm trường quốc doanh được coi là vai trò lớn để giải quyết công việc và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, ở khía cạnh này, cũng có rất nhiều yếu tố cần bàn, mà trong đó việc hoạt động kém hiệu quả đang tạo ra những lực cản rất lớn. Theo đánh giá, quá trình chuyển đổi các nông lâm trường quốc doanh diễn ra rất chậm, đa số chỉ thay đổi về tên gọi nhưng không thực sự chuyển thành DN kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Hạn chế lớn nhất của nông lâm trường trong thời gian qua là công tác quản lý đất đai lỏng lẻo, còn nhiều sai phạm. Nhiều công ty khoán trắng đất đai cho người nhận khoán để thu địa tô, nhiều công ty hoạt động kém hiệu quả, chưa khắc phục được tồn tại cũ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp hoặc lỗ triền miên. Theo báo cáo gần đây của Tổng cục Thống kê, có 14,6% công ty nông nghiệp, 22,2% công ty lâm nghiệp thua lỗ. Các loại hình tổ chức này, sau khi chuyển đổi, về cơ bản vẫn không đóng được vai trò chủ đạo về kinh tế như chủ trương đã được đưa ra.

Từ những con số này có thể thấy, phát triển DN trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn là cả chặng đường dài nếu không muốn nói là vẫn gặp khó!

Bài và ảnh: Đơn Thương
Nguồn: http://congluan.vn