'Tam nông' phát triển nhưng vẫn còn bất cập

'Tam nông' phát triển nhưng vẫn còn bất cập
10 năm là chặng đường chưa dài nhưng cũng cho thấy những đổi thay mạnh mẽ của khu vực nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân sau khi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào cuộc sống. Dù vậy, hiện khu vực này vẫn tồn tại những bất cập, cần có một hệ thống chính sách đồng bộ trong giai đoạn mới để nâng chất lượng cuộc sống của người nông dân.
Những thay đổi toàn diện

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sáng ngày 7.9, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chưa bao giờ khu vực nông nghiệp, nông thôn đón nhận được sự chỉ đạo mạnh mẽ như trong thời gian qua. Số doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp gấp 2 lần từ trước đến nay cho thấy sự quan tâm đồng hành của Chính phủ. Dù vậy, khu vực tam nông cũng đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó có thách thức về tổ chức lại sản xuất thế nào trước tình trạng biến đổi khí hậu khốc liệt như hiện nay.

 “tam nong” phat trien nhung van con bat cap hinh anh 1

 “tam nong” phat trien nhung van con bat cap hinh anh 2

Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản vượt 260 tỷ USD sau 10 năm thực hiện “Nghị quyết tam nông”. Ảnh: T.L

Giáo sư Đặng Hùng Võ:

Người nông dân vẫn đang cô đơn trên đồng ruộng

Xây dựng nông thôn mới là thành tích rất lớn mà ngành nông nghiệp đã làm bài bản và rất quyết tâm. Kinh tế nông nghiệp đang ngày càng phát triển, điều này cho thấy ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng.
Nhưng tôi thấy nông dân vẫn đang cô đơn trên đồng ruộng, họ vẫn đang loay hoay với các mô hình hợp tác phát triển sản xuất. Đất mà nông dân đang dùng vẫn còn hạn điền, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn còn mất chi phí cao, đời sống nông dân vẫn còn khó khăn. Tôi cho rằng chúng ta cần phá bỏ hạn điền để nông dân gắn chặt với sự nghiệp sản xuất, tìm kiếm các mô hình hợp tác phù hợp để nông dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Trong khi đó, ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết 26 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong 10 năm qua. Nhờ đó, nông nghiệp, nông thôn được quan tâm nhiều hơn và đúng mức hơn; vai trò chủ thể của người dân được phát huy. “Chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp từ ban hành cơ chế chính sách, vận động phong trào để khuyến khích người dân tham gia phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới” – ông Phát nói.

Nhưng thay đổi này có thể nhìn thấy rất rõ qua những con số ngoạn mục. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn tăng từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017, đã góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn (bình quân 1,5%/năm). Đến nay, cả nước đã có 3.478 xã (38,98%) đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo đánh giá của ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NNPTNT: “Chủ trương cơ cấu lại được ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và xuyên suốt, đang tạo chuyển biến tích cực, rõ nét. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu thể hiện rõ kết quả tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản, rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ”.

Có chính sách thu hút doanh nghiệp

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách đủ mạnh để thu hút thêm doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp và hỗ trợ nông dân. Như vậy mới có cơ hội tăng thu nhập cho người dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.

Còn ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội kiến nghị, vấn đề tích tụ ruộng đất cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa Luật Đất đai, vì khung giá đất cao khó thu hút nhà đầu tư. Thứ hai là đầu tư các trung tâm chế biến, đặc biệt là trung tâm chiếu xạ để hàng nông nghiệp vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các nước, tăng cường xuất khẩu.

Những vướng mắc về vốn, đất đai để đầu tư vào nông nghiệp cũng là điều ông Lê Văn Hiện - Giám đốc Hợp tác xã Xuyên Việt (Hải Dương) trăn trở. Dù HTX đã có bước phát triển vượt bậc, từ 7 thành viên với diện tích canh tác 10ha tăng lên 22 thành viên với 106ha đất, trong đó có 22ha làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng khó khăn chưa phải là hết.

“Vướng mắc lớn nhất về đất đai làm cho HTX nhỏ đi, cô đơn hơn trong quá trình phát triển. Dù chúng tôi có hồ sơ năng lực tốt, chứng minh với bạn hàng khả năng của mình, HTX cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng trên đất nhưng vẫn không thể vay vốn ngân hàng, mọi người vẫn nhìn ông chủ nhiệm hợp tác xã với con mắt khác. Chính vì vậy, chúng tôi phải thành lập Công ty CP Xuyên Việt trong HTX, thực hiện toàn bộ chức năng về thủ tục xúc tiến thương mại, đầu tư, thu hút nhân tài. Đã đến lúc phải xem lại vai trò của HTX, ngành chức năng, chính quyền địa phương phải coi chúng tôi như DN, chứ không thể để DN ngồi mâm đồng còn chúng tôi ngồi mâm sàng như hiện nay” – ông Hiện nói.

Về việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhận định, đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt đó là nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay; Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội; Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%...  Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu khó đạt như tốc độ tăng trưởng đạt 3,5 - 4%/năm (giai đoạn 2008 - 2017 mới đạt 2,66%/năm); Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50% (đến hết năm 2016 mới đạt 34,14% và trung bình chỉ tăng 3,11%/năm).

Tổ chức lại sản xuất

Trước ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, quan trọng nhất là trong giai đoạn tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thế nào, đây là câu hỏi cần được trả lời khách quan trong một bối cảnh mới. Trong thời gian tới, lĩnh vực “tam nông” sẽ đối diện với cả cơ hội lẫn thách thức. Cơ hội lớn đó là kết quả nền tảng của các giai đoạn vừa qua, những tiến bộ kỹ thuật của giai đoạn công nghệ 4.0 sẽ mở ra triển vọng cho phát triển kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, thách thức đối với “tam nông” đó là chúng ta phải tổ chức thật nhanh, thật hiệu quả nền sản xuất nhỏ quy mô hộ thành liên kết sản xuất lớn. Không có yếu tố này, không thể thành công được. Bên cạnh đó, mặt trái của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Hội nhập cũng đặt ra những áp lực nếu chúng ta không cố gắng thì sẽ thua ngay trên sân nhà. Do đó, cần xác định vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ đó, thống nhất nhận thức không chỉ trên hệ thống chính trị mà trên toàn xã hội. Căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể để tiếp tục có sự ưu tiên nguồn lực, vì đây là khu vực yếu thế, dễ tổn thương, rất khó làm và nhiều rủi ro.

 Nguồn lực không chỉ là kinh tế mà còn bằng sự chỉ đạo, bằng cơ chế, chính sách để có thể khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, nhiều DN, HTX ra đời, liên kết chặt chẽ với người dân. Thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp làm hạt nhân nhằm tổ chức lại sản xuất.

Theo Đình Thắng/danviet.vn