Vỏ bao bì thuốc BVTV – nỗi lo về ô nhiễm môi trường

Vỏ bao bì thuốc BVTV – nỗi lo về ô nhiễm môi trường
Thói quen của người nông dân sau khi phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, trên các cánh đồng, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không được thu gom để xử lý mà “tiện đâu bỏ đấy” vứt bỏ ngay tại đồng ruộng hoặc kênh mương nội đồng nơi lấy nguồn nước để phục vụ phun thuốc. Do đó ngày càng nhiều vỏ bao bì nằm sâu xuống đất và trôi dạt theo các dòng nước trên các cánh đồng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Trong thực tế sản xuất hiện nay ở nhiều địa phương, trong các thông báo về tình hình sâu bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ luôn có khuyến cáo tới người dân sau khi phun thuốc thu gom bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định. Thế nhưng hầu như người dân không thực hiện quy định này mà sử dụng xong thường vứt ngay dưới nguồn nước hay trên bờ ruộng.

Những võ thuốc bảo vệ thực vật đươc vứt ngay tại bờ ruộng

 

Những hậu quả nặng nề

Chỉ riêng với diện tích 100.000 ha trồng lúa sản xuất trên hai vụ Xuân và Hè Thu, mỗi năm Hà Tĩnh tiêu thụ một lượng lớn thuốc BVTV. Thuốc BVTV là những hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, tồn tại rất bền trong môi trường nên khó phân hủy sinh học.

Theo tính toán của các chuyên gia, tại Việt Nam, lượng bao bì thuốc BVTV chiếm 14,86%, riêng lượng thuốc bám dính vào bao bì trung bình là 1,85% - 2% và được thải ra môi trường cùng với vỏ bao bì thuốc BVTV thường được làm bằng nhựa, nilon nên rất khó phân hủy đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người nông dân cũng như làm giảm đa dạng sinh học, tồn dư trong nông sản và gây một số các bệnh nan y cho con người.

Thuốc BVTV xâm nhập vào môi trường đất làm cho tính chất cơ lý của đất giảm sút, tiêu diệt nhiều vi sinh vật có lợi trong đất, làm hoạt tính sinh học trong đất giảm. Thuốc gây ô nhiễm môi trường nước gồm cả nước mặt và nước ngầm, suy thoái chất lượng nguồn nước, ảnh hưởng đến các sinh vật thủy sinh.

Các loại thuốc trừ sâu thường có tính năng rộng, có thể diệt được nhiều loại côn trùng. Do vậy không chỉ sâu bệnh mà cả các động vật, vi sinh vật trong đất, nước, các thiên địch có ích trên đồng ruộng cũng bị tiêu diệt theo.  Về lâu dài sẽ làm mất cân bằng sinh thái, giảm đa dạng sinh học, tăng nguy cơ bùng phát dịch hại.

Thuốc có thể xâm nhập vào cơ thể người qua nhiều con đường khác nhau như: Trong quá trình phun thuốc nếu không sử dụng đồ bảo hộ kỹ càng sẽ có thể tiếp xúc với thuốc qua da; qua niêm mạc mắt, miệng, mũi gây mẩn ngứa, khó thở, đau mắt, nặng hơn có thể gây chết người do ngộ độc khi phun xịt. Thuốc BVTV còn tồn dư trên đồng ruộng theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước, trong không khí, tích luỹ trong môi trường, làm cho động vật, cây trồng sống ở đó bị nhiễm thuốc lâu dài, con người ăn các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi bị nhiễm thuốc trừ sâu hằng ngày một cách gián tiếp, lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe.

Cần xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng cách

Thuốc bảo vệ thực vật đang ảnh hưởng đến môi trường sống và lên chính sức khỏe của chúng ta mỗi ngày. Bởi vậy, mỗi người dân cần chủ động trang bị kiến thức để sử dụng thuốc đúng cách, giảm tác động đến môi trường.

Bà con nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được các nhà chuyên môn khuyến cáo, ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc thân thiện với môi trường, sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách, đúng lúc). Đặc biệt, sau khi sử dụng cần phải bỏ bao bì vào các bể chứa theo qui định hoặc thu gom về để xử lý sau khi hết mùa vụ.

Với các địa phương chưa có bể chứa chung thì có thể tự tạo bể chứa theo qui chuẩn như sau: Bể phải xây bằng vật liệu chắc chắn (ví dụ như bê tông), có nắp đậy và có đáy để tránh hóa chất tồn dư trong các bao bì thẩm thấu ra môi trường. Bể có đường kính 1m, chiều cao 1m. Trên thân bể có cửa bỏ bao bì thuốc sau sử dụng, và có dòng chữ rõ ràng “Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật” cùng với dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Để hạn chế những hậu quả do ô nhiễm từ vỏ bao bì thuốc BVTV cần sự chung tay của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và trên hết là ý thức của chính mỗi người dân. Do đó cần có những chế tài xử lý nghiêm và có các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con nông dân nhằm đạt được hiệu quả cao nhất./.

Theo Thái Thơm/sonongnghiep.hatinh.gov.vn