Để sản phẩm OCOP có sức cạnh tranh

Để sản phẩm OCOP có sức cạnh tranh
Một trong những yếu tố quan trọng để sản phẩm OCOP nói riêng và nông sản nói chung có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường đó là chất lượng. Xác định được điều này, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã chủ động đa dạng hóa chủng loại, nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã.
Sản phẩm OCOP không ngừng được cải tiến về mẫu mã
Sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã được cải tiến rõ rệt về mẫu mã.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, trên cơ sở những lợi thế sẵn có, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP đã không ngừng nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới. Điều này không chỉ khẳng định hiệu quả của chương trình mà còn cho thấy sự chủ động của các đơn vị trong việc nỗ lực khẳng định thương hiệu trên thị trường. 

Tiêu biểu, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh, thành công đã có, song không dừng lại ở đó, công ty đã tiếp tục đầu tư công nghệ chuyên nghiệp hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường, từng bước phục vụ xuất khẩu. Trong đó, năm 2017, công ty đã ứng dụng phần mềm dập mã vạch, ngày sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì tự động thay cho việc in ấn thủ công trước đây. Cùng với đó, đầu năm 2018, công ty đã nghiên cứu sản xuất sản phẩm mực rim me, cá duội rim me... Đơn vị cũng tiến hành thay đổi diện mạo logo nhận diện hiện đại hơn.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh cho biết: Trong những năm qua, công ty chúng tôi không ngừng vừa đầu tư hoàn thiện sản phẩm truyền thống vừa nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện công ty cũng đang làm việc với các chuyên gia trong và ngoài nước sản xuất sản phẩm dành riêng cho thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chuyển giao công nghệ chế biến ruốc hàu, ruốc cơ trai cho một số đơn vị trong nước.

Cùng với đó, các cơ sở sản xuất đặc biệt chú trọng cải tiến bao bì, nhãn mác, kiểu dáng nhằm xây dựng sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp. Tiêu biểu như sản phẩm mực ống Cô Tô của HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ Nam Hải, mực được hút chân không bảo quản trong túi PE chuyên dụng đối với thực phẩm đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế với trọng lượng từ 200g đến 1kg, có bao bì, mã vạch thống nhất. Năm nay, HTX còn nghiên cứu đóng gói bảo quản sản phẩm bằng các hộp giấy loại 500g đẹp mắt, sang trọng, thuận tiện cho khách hàng mua về làm quà tặng.

Hay như sản phẩm trà hoa vàng của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, bông trà được đóng gói bằng hộp chất liệu mica trong với nhiều chủng loại khác nhau từ 10g đến 50g thay cho việc đóng gói đơn giản trong các túi nilon theo trọng lượng 30g, 50g, 0,5kg, 1kg. Bên cạnh đó, lọ trà hoa vàng còn được đựng trong hộp giấy cứng, sang trọng, đẹp mắt.

Việc đổi mới bao bì, nhãn mác, kiểu dáng sản phẩm góp phần làm tăng sức hấp dẫn, đáp ứng được sự đa dạng các đối tượng khách hàng, kể cả phân khúc khách hàng có mức thu nhập bình dân.

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thủy sản Quảng Ninh dập hạn sử dụng trên sản phẩm
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh dập hạn sử dụng trên sản phẩm.

Với sự hỗ trợ từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương trong chương trình OCOP, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Một trong số đó là Cơ sở sản xuất rau thủy canh 188 Green Farm (thuộc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Mạo Khê 188) đã ứng dụng công nghệ để sản xuất rau. Theo đó, toàn bộ 15ha rau của cơ sở đều được trồng trên các máng thủy canh khoét lỗ, đặt cách ly với mặt đất, trong nhà màng đều có hệ thống mái che, quạt gió, lọc nước... Từ công đoạn ươm, trồng, chăm sóc, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây đến thu hoạch, đóng gói sản phẩm, đều được thực hiện theo quy trình khắt khe của rau thủy canh.

Hiện nay, sản phẩm của đơn vị được cung cấp vào chuỗi siêu thị BigC, Vinmart, Intimex... ở Quảng Ninh và Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

Ngoài ra, một số ứng dụng khoa học công nghệ đã được các đơn vị sản xuất sản phẩm nông sản trên địa bàn tích cực áp dụng như: Thụ tinh nhân tạo trong sản xuất giống gà râu Hải Hà; lắp đặt hệ thống giàn lưới che nắng, mưa và hệ thống tưới nước phun sương tự động chăm sóc trà hoa vàng; chu trình sản xuất tỏi đen theo công nghệ Nhật Bản...

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An cho biết: Được sự hỗ trợ của tỉnh, Sở KH&CN, TP Móng Cái, từ năm 2015 HTX bắt đầu sản xuất sản phẩm tỏi đen theo công nghệ của Nhật Bản. Hiện nay HTX là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh sản xuất sản phẩm này. Tỏi đen của HTX được phân phối tại các trung tâm OCOP, một số hiệu thuốc trong và ngoài tỉnh và rất được người dân ưa chuộng. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là rất cần thiết bởi góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị sản phẩm nông sản.

Tác giả bài viết: Cao Quỳnh

Nguồn tin: baoquangninh.com.vn