Để sản phẩm OCOP vào siêu thị

Để sản phẩm OCOP vào siêu thị
CTTĐT - Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 130 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và cá nhân tham gia. Các sản phẩm nông sản, thực phẩm, sản phẩm làng nghề… đang được tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có các siêu thị, chuỗi cửa hàng. Tuy nhiên, để sản phẩm đủ điều kiện thâm nhập vào các siêu thị nhiều hơn nữa, cần sự quan tâm đầu tư tích cực của các chủ thể.

Các sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng cấp tỉnh.

Đề án OCOP được triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 201 sản phẩm của 7 doanh nghiệp, 89 HTX, 22 tổ hợp tác và 31 cá nhân tham gia vào đề án. Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP các huyện, thành phố đã xây dựng các gian hàng trưng bày, bán sản phẩm phục vụ khách du lịch. Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã tổ chức thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 93 sản phẩm nộp hồ sơ tham gia. Kết quả có 71 sản phẩm của 43 chủ thể là các công ty TNHH, HTX, hộ sản xuất ở các huyện, thành phố được Hội đồng đánh giá, phân hạng đạt từ 3, 4 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm là Trà xanh và Hồng trà của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) được UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá xếp hạng cấp quốc gia. Các sản phẩm còn lại cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để tham gia chương trình trong những năm tiếp theo.

Theo đánh giá của Hội đồng cấp tỉnh, về cơ bản bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của các siêu thị. Vì vậy, các sản phẩm tham gia OCOP nếu đáp ứng tốt các tiêu chí này sẽ có đầy đủ điều kiện để thâm nhập vào các siêu thị. Khi tham gia vào OCOP các chủ thể sẽ có lợi ích là được Tổ công tác Liên ngành hướng dẫn, tư vấn, giải quyết các thủ tục đưa sản phẩm tiêu biểu vào các chuỗi siêu thị. Cụ thể các đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ được tư vấn về chất lượng, bao bì, tem, nhãn hàng hóa… đúng quy định. Ví dụ: Sau khi Hội đồng thẩm định xem xét đã tư vấn cho sản phẩm Mật ong bạc hà, là một sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của tỉnh, thay đổi nội dung trên bao bì sau khi phát hiện sản phẩm Mật ong sử dụng tem nhãn không đúng chỉ dẫn địa lý, có khả năng dẫn đến làm mất thương hiệu mật ong của tỉnh. Tương tự như vậy, các sản phẩm OCOP nhóm nông sản, thực phẩm khó vào siêu thị do đơn vị cung ứng thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ và các thủ tục pháp nhân trong giao dịch, mua bán. 

Sau khi được tỉnh hỗ trợ kết nối với chuỗi siêu thị Vinmart, Big C đã có 4 sản phẩm là Cam, chè, Mật ong bạc hà, dầu lạc được đưa vào bày bán tại Vinmart. Trong đó, có một số sản phẩm tham gia vào đề án OCOP như: Trà đen, Bạch trà hộp tre, Hồng trà hộp tre của HTX Chế biến chè Phìn Hồ; chè Shan tuyết loại 500 gram và 100 gram của HTX Quang Minh; chè xanh loại 100 gram của HTX Tây Côn Lĩnh; Mật ong Bạc hà của HTX Tuấn Dũng, HTX Trường Anh và dầu lạc của Bắc Quang đang hoàn thiện thủ tục và được bày bán tại chuỗi siêu thị Vinmart.

Qua thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất cần chú trọng đầu tư hơn về khoa học kỹ thuật, hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… để đảm bảo đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối. Khi sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được chứng nhận thì chắc chắn sẽ được các siêu thị và người tiêu dùng đón nhận. Từ đó, góp phần phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tinh hoa của mỗi vùng trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm./.

Theo Lê Hải/Hagiang.gov.vn