Đỏ mắt tìm thịt, trứng hữu cơ

Đỏ mắt tìm thịt, trứng hữu cơ
Trứng, thịt là những thực phẩm thường xuyên trong bữa ăn nhưng người tiêu dùng rất khó tìm thấy sản phẩm có chứng nhận hữu cơ

So với vài năm trước, các loại thực phẩm hữu cơ có chứng nhận quốc tế do Việt Nam sản xuất trên thị trường đã đa dạng hơn với gạo, rau củ quả, thủy sản, sữa, dừa, các loại hạt… Nhưng vẫn còn thiếu trứng, thịt là những thực phẩm quen thuộc của người Việt. 

Quy trình nghiêm ngặt

Theo ông T., chủ một cửa hàng chuyên doanh thực phẩm hữu cơ tại quận 1, TP HCM, trên thị trường chưa có nhà cung cấp thịt, trứng có chứng nhận hữu cơ mà hầu hết là tự xưng. Để phục vụ người tiêu dùng, cửa hàng chọn lọc nguồn thịt, trứng được nuôi theo kiểu ông bà xưa có kiểm soát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

"Chăn nuôi hữu cơ rất khó vì thức ăn cho vật nuôi phải đạt chuẩn hữu cơ; tức là phải có nguồn bắp, đậu nành, gạo, khoai mì có chứng nhận hữu cơ… nhưng những sản phẩm này người tìm mua để ăn còn khó huống chi cho heo, gà. Chăn nuôi hữu cơ còn đòi hỏi chuồng rộng, có "sân chơi" cho vật nuôi và khó kiểm soát dịch bệnh do không được phép dùng kháng sinh. Sản xuất đã khó, đầu ra còn khó hơn khi người tiêu dùng có tiền chỉ thích sườn non với ba chỉ (thịt heo), những món khác phải bán như thịt heo thường nên giá cao khó bán" - ông T. phân tích.

Hoạt động trong lĩnh vực tư vấn nông nghiệp hữu cơ cho các nhà sản xuất theo chuẩn quốc tế, ông Hồ Văn Đông, Giám đốc điều hành Công TNHH Peterson Service Việt Nam, xác nhận hiện rất hiếm nhà đầu tư tham gia lĩnh vực chăn nuôi hữu cơ.

Theo ông Đông, hạn mức đầu tư chăn nuôi hữu cơ rất cao bởi yêu cầu điều kiện chăn thả, diện tích nuôi cho từng vật nuôi rộng hơn thông thường và phải qua quá trình chuyển đổi. "Đối với vật nuôi lấy thịt phải mất 1 năm, lấy trứng 1 vòng đời và trong thời gian chuyển đổi phải áp dụng 100% phương pháp hữu cơ từ thức ăn hữu cơ, không dùng kháng sinh, điều kiện nuôi… nhưng giai đoạn này không có sản phẩm để bán nên không có nguồn thu.

Con giống cũng là một vấn đề đau đầu vì theo quy định, chỉ chấp nhận lần đầu tiên tạo đàn sử dụng con giống thường và sau đó phải tự tạo con giống hữu cơ trong trang trại. Cho nên, khi nuôi lấy thịt, trứng thì cũng phải tạo đàn giống bố mẹ hữu cơ song song với nuôi thương phẩm. Một điểm quan trọng đối với sản phẩm thịt là khu vực giết mổ phải bảo đảm an toàn vệ sinh và an sinh cho vật nuôi. Đây là một thách thức lớn với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay ở Việt Nam" - ông Đông đúc kết.

Đỏ mắt tìm thịt, trứng hữu cơ - Ảnh 1.

Sản phẩm chăn nuôi truyền thống gần với tiêu chuẩn hữu cơ bán theo dạng đặc sản vùng miền

Chờ nhà đầu tư lớn

Theo TS Nguyễn Văn Bắc - Phó trưởng Văn phòng Thường trực Nam Bộ, phụ trách khuyến nông chăn nuôi Trung tâm Khuyến nông quốc gia - hiện khu vực phía Nam vẫn chưa có trang trại chăn nuôi hữu cơ lớn để lấy trứng, thịt.

Ông Bắc giải thích trước đây, Việt Nam nuôi gà, vịt, heo, bò theo dạng chăn thả, khi con vật bệnh thì dùng thảo dược như tỏi, gừng, lá ổi… để trị. Thức ăn cho vật nuôi là các loại phụ phẩm trồng trọt rất gần với các tiêu chuẩn về hữu cơ. Hiện nay, một số nơi vẫn duy trì lối chăn nuôi này nhưng quy mô rất nhỏ nên bán theo dạng đặc sản.

 

"Muốn có thịt, trứng hữu cơ đúng chuẩn phải có sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp lớn. Họ mới có khả năng đầu tư chăn nuôi quy mô lớn để lấy chứng nhận hữu cơ, xây dựng thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm, phát triển thị trường. Từ đó, mới mở rộng liên kết với nông dân hình thành chuỗi chăn nuôi hữu cơ từ trang trại đến bàn ăn. Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn chưa đầu tư vào lĩnh vực này do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Nay quy định về tiêu chuẩn quốc gia nông nghiệp hữu cơ, chính sách ưu đãi đã có nhưng việc thực hiện có "độ trễ". Tôi hy vọng thời gian tới, lĩnh vực này sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia" - ông Bắc kỳ vọng.

Sau nhiều năm đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, Công ty CP Vinamit đã được tổ chức Control Union cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu cho rất nhiều nhóm sản phẩm, trong đó có thịt heo. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, dự kiến tháng 9 tới, công ty sẽ chính thức tung sản phẩm thịt heo và trứng gà hữu cơ ra thị trường dù chứng nhận đã đạt từ lâu. Là nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi lấy trứng, thịt, Vinamit cũng phải đau đầu với các vấn đề về con giống, tạo hệ miễn dịch nhưng Vinamit có lợi thế về nguồn thức ăn hữu cơ như chuối, xơ mít, cám, gạo… Heo, gà nuôi hữu cơ phải là giống bản địa vốn chậm lớn lại chỉ nuôi bằng thức ăn thô nên chậm lớn, giá thành cao. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng đẩy được sản lượng để sản phẩm có giá bán không quá cao, người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ hợp tác với các kênh bán lẻ để phân phối và sản phẩm sẽ mang thương hiệu của Vinamit" - ông Viên tiết lộ.

Trước đó, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết sẽ đẩy mạnh khai thác kinh doanh các mặt hàng hữu cơ để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng. Chậm nhất là cuối năm 2018, các mặt hàng rau ôn đới, trái cây, thịt thương hiệu Co.op Organic sẽ ra thị trường. 

Bài và ảnh: VƯƠNG NGỌC
Nguồn: nld.com