Đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu

Đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu
Giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh sẽ phát triển chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, đưa sản phẩm trở thành thương hiệu mạnh trên phạm vi cả nước và quốc tế.
 
Thời gian tới, các trung tâm, điểm bán hàng OCOP sẽ được nâng cấp (Trong ảnh: Điểm bán hàng OCOP của huyện Ba Chẽ tại thị trấn Ba Chẽ)
Giai đoạn 2017-2020, các trung tâm, điểm bán hàng OCOP sẽ được nâng cấp (Trong ảnh: Điểm bán hàng OCOP của huyện Ba Chẽ tại thị trấn Ba Chẽ)

Phát triển sản phẩm OCOP

Sau 3 năm triển khai, Quảng Ninh có 210 sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm OCOP đã được đầu tư nâng cao chất lượng và hoàn thiện về mẫu mã, chuẩn hoá về bao bì. Được biết, giai đoạn 2017-2020, chương trình OCOP Quảng Ninh sẽ phát triển 130 sản phẩm đã có từ giai đoạn trước và 120 sản phẩm mới. Trong đó, tỉnh sẽ lựa chọn ít nhất 31 sản phẩm cấp huyện để tập trung đầu tư đạt tiêu chí sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Dự kiến, có 12/31 sản phẩm đạt từ 4-5 sao sản phẩm cấp tỉnh và 6/12 sản phẩm cấp tỉnh đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia.

Đặc biệt, giai đoạn này, vấn đề nâng cao chất lượng, đảm bảo quy chuẩn, tính chuyên nghiệp của sản phẩm được đặc biệt coi trọng, nhất là các sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Trong đó, người dân, doanh nghiệp, HTX chủ động mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá theo tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đạt chuẩn; nhà nước có vai trò hỗ trợ không làm thay. Điều này được thể hiện ở nguồn kinh phí thực hiện huy động từ cộng đồng chiếm khoảng 76%, còn lại là phần ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Trên cơ sở đó, ngay từ khi bắt tay thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2, các địa phương đều đã xác định các sản phẩm chủ lực để vừa củng cố sản phẩm đã có, vừa phát triển sản phẩm có lợi thế của địa phương mang tính chuyên nghiệp, theo hướng đạt thương hiệu cấp tỉnh và quốc gia.

Công nhân HTX Nông dược xanh Tinh Hoa, Hoành Bồ đóng gói sản phẩm bún hoài sơn-ý dĩ
Công nhân HTX Nông dược xanh Tinh Hoa (Hoành Bồ) đóng gói sản phẩm bún hoài sơn - ý dĩ.

Đồng chí Vũ Văn Kính, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Trong giai đoạn 1 của chương trình OCOP, TP Móng Cái đã có nhiều sản phẩm được người dân và du khách đánh giá cao, như: Giò chả, tỏi đen, khoai lang, chùm ngây... Tuy nhiên, hạn chế là các sản phẩm cơ bản mới ở dạng thô, nên gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, giá trị thấp, sản xuất không ổn định. Bước sang giai đoạn 2, chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển theo chuỗi sản phẩm và tập trung chế biến, đóng gói bao bì hướng tới mở rộng xuất khẩu. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ thực hiện liên kết vùng với các địa phương như Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà... để mở rộng vùng nguyên liệu và liên kết để chế biến sâu, phát triển khâu tiêu thụ. 

Hay như tại TX Quảng Yên, nơi đã có 11 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, hiện thị xã đang tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực cấp huyện là rau an toàn, thủy hải sản, trứng gà Tân An, tranh bột điệp. Các phường, xã đã có sản phẩm tham gia chương trình OCOP thì tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và phát triển thêm sản phẩm. Các phường, xã chưa tham gia chương trình, theo điều kiện thực tiễn lựa chọn, đăng ký tham gia ít nhất 1 sản phẩm có thế mạnh để tập trung phát triển và hoàn thiện theo hướng hợp chuẩn, hợp quy. 

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Ngay từ khi bắt tay triển khai chương trình OCOP, Quảng Ninh đã xác định khâu xúc tiến thương mại là bước then chốt của chu trình. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, như: Đầu tư xây dựng trung tâm, điểm bán sản phẩm OCOP tại 14/14 địa phương; hỗ trợ các đơn vị tham gia hội chợ trong và ngoài nước; tổ chức thường niên Hội chợ OCOP Quảng Ninh...

Đại diện các doanh nghiệp ký kết với VNPOST Quảng Ninh về kết nối sản phẩm lên sàn đặc sản Việt Nam
Đại diện các doanh nghiệp ký kết với VNPOST Quảng Ninh về kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn Đặc sản Việt Nam.

Đến nay, các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã được tiêu thụ rộng khắp tại các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP có đầy đủ các thông tin thực tế từ thị trường để tiếp tục nâng cao chất lượng.  Gần đây nhất, tỉnh đã đứng ra kết nối giữa đơn vị sản xuất và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để đưa 7 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Đặc sản Việt Nam (https://badasa.com.vn).

Trước đó, toàn tỉnh cũng đã có 11 sản phẩm OCOP được quảng bá, giới thiệu, bày bán  trên sàn, như: Ruốc hàu, ruốc cơ trai, miến dong Bình Liêu, hàu sữa chưng thịt, trà hoa vàng... Đây là hoạt động thiết thực góp phần quảng bá các sản phẩm OCOP Quảng Ninh nói riêng và nông sản địa phương nói chung, thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá, mở rộng thị trường rộng khắp tới cả nước.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như: Tổ chức Hội chợ OCOP Quảng Ninh. tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm tại Big C Hạ Long,
 Hội chợ OCOP Quảng Ninh lần thứ V năm 2017 thu hút đông đảo người dân tới tham quan, mua sắm.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Riêng năm 2017, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại bán hàng OCOP, tập trung vào các dịp lễ hội của tỉnh và quốc gia; phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường kết nối các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP với các nhà tư vấn, nhà đầu tư; tổ chức đoàn công tác của tỉnh học tập chương trình OTOP của Chính phủ Thái Lan. Qua đó, không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối, đại lý mà còn tạo cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá lại sản phẩm, từ đó nâng cao chất lượng. 

Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương, bên cạnh việc tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cấp các điểm bán hàng OCOP theo hướng chọn lựa các mặt hàng đủ tiêu chuẩn để giới thiệu và bán cho người tiêu dùng, đảm bảo quản lý được nhãn hiệu OCOP. Đồng thời, tổ chức tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP hàng tháng tại Siêu thị Big C Hạ Long, xây dựng các chuỗi liên kết trực tiếp từ sản xuất đến tiêu thụ, tiếp tục kết nối tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống bán lẻ. Năm nay, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao trong xúc tiến thương mại.

 

Tác giả bài viết: Cao Quỳnh

Nguồn tin: baoquangninh.com.vn